Thursday, June 6, 2013

Tác hại của việc khai thác bô xít ở Lâm Đồng

(Dân trí) - Trung tâm Con người và thiên nhiên (PanNature) vừa công bố báo cáo “Khoáng sản – Phát triển – Môi trường: Đối chiếu giữa lý thuyết và thực tiễn”. Trong báo cáo này, PanNature đánh giá khá kỹ về tác hại của 1 dự án bô xít đã khai thác ở Lâm Đồng.

Tác hại của khai thác bauxite ở Lâm Đồng (chờ ý kiến)
Theo PanNature, hoạt động khai thác bô xít có ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân xung quanh khu vực khai thác (ảnh: PanNature)
Hủy hoại môi trường
Trong các cơ sở khai thác khoáng sản mà trung tâm chọn để thu thập thông tin cho nghiên cứu này có mỏ bô xít Tân Phát thuộc địa phận phường Lộc Phát, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Mỏ bô xít này có trữ lượng ước tính 106 triệu tấn, được công ty TNHH Một thành viên Hóa chất Cơ bản Miền Nam khai thác từ năm 1980, sản lượng khai thác hiện tại khoảng 120.000 tấn/năm quặng tinh. Để tuyển ra nguồn quặng tinh này, khối lượng quặng nguyên khai hằng năm là 260.000 tấn. Quặng được tuyển và rửa sơ bộ rồi chuyển về nhà máy hóa chất Tân Bình (TPHCM) để chế biến.
Theo báo cáo này, bụi, nước thải và bùn đỏ trong quá trình khai thác quặng bô xít ở Lộc Phát tác động rất lớn đến môi trường xung quanh. Báo cáo cho biết: “Do đường vận chuyển quặng dọc khu phố 8 và 9 vẫn là vẫn là đường đất, khoảng hơn 150 hộ dân ven đường phải chịu cảnh bụi bặm vào mùa nắng và lầy lội vào mùa mưa”.
Ngoài ra, hoạt động trồng trọt của người dân trong khu vực cũng có phần bị ảnh hưởng. Ví dụ, cây cà phê khu vực có nồng độ bụi cao ít đậu quả hơn so với các vùng khá. Giá chè bị dính bụi quặng chỉ bằng một nửa so với giá chè bình thường…
Báo cáo cũng cho biết, quá trình tuyển quặng còn thải một lượng lớn bùn chứa kiềm, ô-xít sắt và một số kim loại nặng như chì, cacdimi. Hoạt động khai thác bô xít đã phá vỡ cấu trúc địa chất, làm cho bề mặt đất bị hạ thấp 4,5 – 9m, lớp đất bazan bị thay thế bởi lớp đất sét kaolinite. Vào mùa mưa, tại khu vực mỏ Đội Chín và mỏ Đồi Thắng Lợi có nhiều chỗ bị ngập úng cục bộ, xói lở với cường độ mạnh.
Ảnh hưởng đời sống
Theo báo cáo này, việc chiếm dụng đất để khai thác mỏ trực tiếp ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Các hộ dân bị mất đất nhìn chung được đền bù theo quy định của nhà nước nhưng sau khi mất đất, người dân đều gặp khó khăn ở các mức độ khác nhau về vấn đề sinh kế. Việc cơ sở khai thác tạo việc làm cho người dân cũng rất ít.
Báo cáo cho biết: “Tại Lộc Phát, do các công đoạn sản xuất hầu hết đã được cơ giới hóa, doanh nghiệp không có nhu cầu nhiều về lao động thủ công. Số lao động trong địa bàn phường làm việc cho công ty mỏ là 3 người, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ tính trên số người trong độ tuổi lao động của phường”.
Còn người dân mất đất do khai thác mỏ thì không biết cách sử dụng tiền đền bù một cách hiệu quả nhằm tìm kiếm và ổn định sinh kế mới. Người dân cũng không có khả năng chuyển đổi sang ngành nghề khác do thiếu kỹ năng và kinh nghiệm.
Ngoài ra, theo nhóm nghiên cứu thì hoạt động khai thác mỏ còn có thể tăng khả năng bị rủi ro và tổn thương của một nhóm cộng đồng dân cư trong khu vực. Các rủi ro này có thể bắt nguồn từ vấn đề môi trường hoặc vấn đề xã hội.
Báo cáo khẳng định: “Hoạt động vận chuyển quặng cũng là một trong những nguy cơ tiềm ẩn đối với người dân trong vùng. Theo phản hồi của người dân phường Lộc Phát, thu nhập của lái xe vận chuyển quặng được tính theo chuyến. Do lái xe chạy ẩu để tăng số chuyến và do bụi cản trở tầm nhìn, tại khu phố 9 - Lộc Phát đã xảy ra một vài vụ va chạm giao thông giữa người dân và xe tải chở quặng”.
Tùng Nguyên
http://dantri.com.vn/xa-hoi/tac-hai-cua-viec-khai-thac-bo-xit-o-lam-dong-739849.htm

No comments:

Post a Comment

LÊN ĐẦU TRANG