Tuesday, January 29, 2013

Cơ quan nào cũng có người ngồi không

- Ở Văn phòng Chính phủ, có chuyên viên làm việc cả thứ 7, chủ nhật mà không hết việc, nhưng có người chẳng làm gì - Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam chia sẻ.
Tại một hội nghị mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra con số 30% công chức có cũng như không bởi chỉ làm mỗi việc “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Chiều 29/1, tại cuộc họp báo Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam bình luận về con số này: “Ngay cơ quan Văn phòng Chính phủ cũng có một bộ phận cán bộ như vậy. Các nhà báo cũng có thể tự hỏi cơ quan mình có chuyện này hay không”.

Chủ nhiệm VPCP cũng chia sẻ: “Tôi đã công tác qua nhiều cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Cơ quan nào cũng có người như vậy. Tôi đã nói chuyện với họ, nhưng họ đều rất khát khao được làm việc, được tạo điều kiện để làm việc, chứ không phải họ muốn ngồi không để ăn lương. Có trường hợp những người như vậy, trong lòng họ có khát khao cống hiến rất lớn”.
Bộ Nội vụ tổ chức thi tuyển công chức ngày 6/1. Ảnh: Lê Anh Dũng
Cũng theo ông Đam, ngay tại VPCP cũng có những chuyên viên làm cả thứ 7, chủ nhật mà không hết việc. Trong khi lại có những người rất nhàn rỗi. Có người lâu ngày không được làm việc nhiều thì kỹ năng bị hạn chế. “Ai cũng muốn cống hiến. Có người khát vọng cháy bỏng. Có người tỏ ra bức xúc, chán nản”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam bình luận.

Liên quan đến thông tin chạy công chức 100 triệu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: Chính phủ không có chỉ đạo riêng về chuyện này nhưng đã chỉ đạo ngành nội vụ các cấp chú ý đến hai vấn đề: chất lượng đội ngũ cán bộ hiện tại; tinh giản bộ máy hành chính những nơi thừa, nơi thiếu để tổng thể bộ máy hành chính phải làm được tất cả các việc, không có lỗ hổng.

Cũng theo ông Đam, nếu tất cả các lĩnh vực liên quan đến “chạy” hiểu theo nghĩa tiêu cực thì phải lên án và đấu tranh, ở đâu có hiện tượng ấy thì phải nghiêm trị.

“Mỗi vị trí trong hệ thống đều có thước đo rõ ràng, chuẩn mực chính xác thì khi đó tất cả hiện tượng tiêu cực như chuyện chạy công chức sẽ không còn”, ông Đam nói. Tuy nhiên, để có một nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp thì phải có một quá trình phấn đấu.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết thêm trong phiên họp vừa qua, Chính phủ cũng đã thảo luận xem xét tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt chương trình cải cách hành chính, trong đó có cải cách thể chế, hiện đại hóa công sở. Ngoài câu chuyện tài chính công, Chính phủ còn thảo luận các vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ công chức.

Lê Nhung

2 comments:

  1. "họ đều rất khát khao được làm việc, được tạo điều kiện để làm việc, chứ không phải họ muốn ngồi không để ăn lương. Có trường hợp những người như vậy, trong lòng họ có khát khao cống hiến rất lớn”.
    Ha ha..thật là ...chẳng biết nói sao !!!!
    Họ muốn cống hiến có thật không hay chỉ nói suông những lời nói đầu môi???
    Nghe những lời này cần suy nghĩ những vấn đề sau:
    1. Cơ quan có những người quản lý tồi hoặc họ đã nhận vào những nhân viên do quen biết, ân huệ ngồi chơi để ăn tiền thuế của dân.
    Những người có trách nhiệm quản lý như vậy cần phải sa thải.
    2. Những nhân viên phát biểu như trên hoặc là quá thụ động hoặc là quá kém về trình độ chuyên môn. Làm việc hay không trước hết là do mình.

    ReplyDelete
  2. http://dantri.com.vn/xa-hoi/xu-the-nao-voi-30-cong-chuc-cap-o-690355.htm
    “Xử” thế nào với 30% công chức... cắp ô?

    Nuôi không những cán bộ, công chức vô dụng này ngày nào là bất công ngày đó.

    ... Thời buổi này, chỉ có thể trong môi trường bao cấp mới có những người chỉ lĩnh lương và nói phét như thế. Tôi vẫn thường quan sát anh và những người giống anh, đáng ngại là thành phần này có vẻ đang ngày càng thêm nhiều hơn. Có lẽ chả có gì phi lý được hơn thế!

    Thế nên, lần đầu tiên nghe nghe một Phó Thủ tướng định lượng được là hiện nay cả nước có 30% công chức “có cũng như không”, “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, thực lòng tôi vừa thấy sướng, lại vừa thấy cay đắng, bất bình.

    Sướng là vi cái sự kém hiệu lực, hiệu quả của đội ngũ cán bộ, công chức đã được vạch ra cụ thể, rõ ràng chứ không chung kiểu “một bộ phận không nhỏ” nữa. một khi Phó Thủ tướng đã nói, tức là Chính phủ đã thấy rõ và sốt ruột lắm rồi. Hy vọng sau đây sẽ có những bước chuyển dứt khoát, tích cực.

    Cay đắng, bất bình là vì Nhà nước và Nhân dân phải nuôi báo cô nhiều và lâu quá. 30% của 2,8 triệu, có nghĩa là 840.000 người. Nếu chỉ tính một lương tôi thiểu thì mỗi năm đã mất không cả chục ngàn tỷ đồng. Chưa nói hàng tấn tiền chi cho cơ sở vật chất, kỹ thuật, văn phòng phẩm, xăng xe… để đám người này “hoạt động”. Đây là cách tính khiêm tốn, tôi không dám tính đúng, tính đủ vì càng tính càng xót ruột. Số tiền này nếu bỏ ra xây thêm trường học, bệnh viện ở vùng sâu, vùng xa hay đem cứu tế cho những người nghèo khó, cơ nhỡ trong xã hội thì tốt đẹp và có ích biết bao nhiêu.

    Nuôi đám người này không chỉ tốn kém tiền của, hệ lụy mà họ gây ra còn khủng khiếp hơn nhiều. Bất ổn trong cơ quan, đơn vị phần lớn do đám này gây ra. Vì không làm mà chỉ nói là chính, nên họ nói hay như chim hót. Họ làm cho những người tích cực, có năng lực đâm ra chán nản, mất niềm tin.Thế là hiệu quả hiệu lực của tổ chức, bộ máy cũng giảm đi. Nói chung là hình ảnh của bộ máy Nhà nước trong xã hội sẽ bị méo mó đi nhiều.

    Nuôi không những cán bộ, công chức vô dụng này ngày nào là bất công ngày đó. Bất công sẽ dẫn đến bất bình, mất niềm tin, mất uy tín và mất nhiều thứ khác…

    Cho nên, một khi đã định lượng được những cán bộ, công chức ăn hại rồi, đề nghị Chính phủ phải quyết tâm, nhanh chóng, tích cực, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, có giải pháp đuổi cổ họ khỏi các cơ quan Nhà nước, dành chỗ ấy cho những người trẻ tuổi, có trình độ, có tâm huyết mà vì lý do nào đó chẳng bao giờ lọt được vào khu vực công với cơ chế tuyển dụng, lựa chọn như hiện nay.

    Tất nhiên, hô hào đuổi hết những kẻ vô dụng ra khỏi bộ máy có khi chỉ là khẩu hiệu phải hô nhiều lần và trong thời gian rất dài. Bởi vì đào thải được những người như thế không dễ, nếu chúng ta không có một cơ chế căn bản, khoa học về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đãi ngộ, đào thải cán bộ, công chức. Cơ chế mới là điều quan trọng, vì trong cơ chế tốt, kẻ lười nhác có thể hóa thành người chăm chỉ, chuyên cần và ngược lại, với một cơ chế bị lỗi thì người thông minh, chăm chỉ, có năng lực vẫn có nguy cơ trở thành những kẻ lười nhác và ăn hại…

    Tuy vậy, muốn nói gì thì nói, không thể để tình trạng bất công, phi lý như thế này kéo dài mãi được.

    Theo Phạm Kinh Bắc
    VOV

    ReplyDelete

LÊN ĐẦU TRANG