Thursday, June 21, 2012

Ai xỉ vả người quay clip Đồi Ngô, người đó không xứng làm thầy

Tôi ủng hộ ý kiến này:
"Ai xỉ vả người quay clip Đồi Ngô, người đó không xứng làm thầy"
Thứ năm 21/06/2012 12:51

(GDVN) - Hầu hết các ý kiến đều thể hiện sự bức xúc, không tán thành trước những phát ngôn của một số giáo viên dành cho thầy giáo N.D. N.

Sau khi đăng tải bài viết: “Người chống gian lận thi cử ở Bắc Giang bị xỉ vả: "Mày ác quá"!”, phản ánh việc thầy giáo N.D.N, nguyên giáo viên thể dục của Trường THPT DL Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang), người cùng với Người đương thời Đỗ Việt Khoa tổ chức việc quay clip sai phạm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 tại hội đồng thi Đồi Ngô, tòa soạn đã nhận được rất nhiều phản hồi trái chiều từ phía độc giả. 

Hầu hết các ý kiến gửi về tòa soạn đều thể hiện sự bức xúc, không tán thành trước những phát ngôn của một số giáo viên dành cho thầy giáo N.D. N. Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam trích đăng những ý kiến phản hồi của độc giả về sự việc này.



Những hình ảnh gian lận trắng trợn tại trường Đồi Ngô, Bắc Giang gây rúng động dư luận thời gian vừa qua


Xin lỗi cô N.T.L, cô nói thế khó nghe lắm…

Độc giả tên Quý bày tỏ quan điểm: “Xin lỗi Cô N.T.L, giáo viên trường Tiểu học T.H. Cô nói thế khó nghe lắm! Chẳng ai thương con, thương cháu kiểu như cô cả. Ai lại muốn thương con, thương cháu mình bằng cách làm ngơ hoặc tiếp tay cho việc vi phạm quy chế thi. Các cháu còn nhỏ lắm, ngây thơ lắm, vậy mà các thầy, các cô đã bắt các cháu vi phạm thế… Thử hỏi sau này lớn lên các cháu còn vi phạm thêm những điều gì tiếp theo?

Nếu nói như cô là muốn giúp đỡ các em, vậy sao cô không giúp đỡ các em từ ngay những ngày bước vào ghế nhà trường để các em tự đi bằng chính đôi chân của mình?

Muốn giúp đỡ các em sao cô không đề nghị Bộ bỏ thi tốt nghiệp cho riêng trường của cô (hoặc riêng lớp của cô chủ nhiệm) đi để tất cả các em học trường của cô đều đỗ tốt nghiệp?

Cô có nghĩ đến bệnh thành tích khi cô nói "Họ đâu có được lợi lộc gì chứ"?

Ai cũng từng đi học và ai cũng muốn có những kết quả tốt mà biểu trưng cho những điều ấy là những tấm bằng. Tuy nhiên nó phải thực sự xứng đáng với trình độ của mình. Nó là chứng nhận mà…”.

Độc giả Tường Vy cũng tỏ ra vô cùng bức xúc trước những phát ngôn của một số giáo viên dành cho thầy giáo N.D.N. Độc giả Tường Vy gọi đó là những phát ngôn không thể chấp nhận được thậm chí độc giả này còn cho rằng, những tấm bằng sư phạm của các giáo viên này có được cũng nhờ những “trò” dối trá, gian lận…

“Tôi cũng là một giáo viên THPT, nhưng đọc những phát ngôn của một số giáo viên trong bài báo thì thật không thể chấp nhận. Có thể tấm bằng sư phạm của các cô giáo này có được cũng nhờ những "trò" này nên mới dạy học sinh thế.

Tôi chỉ thương cho những giám thị làm công tác coi thi ở trường Đồi Ngô vì trở thành "con tốt thí" mà không thể chống lại. "Đấu tranh thì biết tránh đâu?" Liệu được bao nhiêu người thật sự dũng cảm như thầy Đỗ Việt Khoa?”

Giáo viên trường Đồi Ngô vi phạm quy chế thi nghiêm trọng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012



“Tôi sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để thầy N trang bị thêm thiết bị chống tiêu cực…”

Độc giả Võ Việt Dũng đã gửi về tòa soạn một bức tâm thư dài thể hiện những trăn trở với ngành giáo dục qua cách xử lí vụ Đồi Ngô. Độc giả Võ Việt Dũng viết: “Bây giờ, ngay tức khắc đây, tôi chợt có đôi điều cần tham gia trên diễn đàn này về một số điều còn trăn trở với ngành giáo dục nói riêng qua cách xử lý vụ ĐỒI NGÔ.

Thứ nhất, vai trò, tiếng nói trực tiếp của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ở đâu, chỉ đạo quyết liệt thế nào?

Thứ hai, với vai trò là người tư lệnh ngành giáo dục, cách nhìn nhận, tiếp thu, xử lý vụ việc này của Bộ trưởng thế nào (đối với cả nhóm giáo viên tiêu cực và nhóm học sinh, thầy giáo quay clip…)?

Thứ ba, vai trò, trách nhiệm của Giám đốc Sở giáo dục Bắc Giang ở đâu, như thế nào trong vụ việc này với tư cách là người đứng đầu ngành giáo dục địa phương?

Thứ tư, tại sao không xử lý Giám đốc Sở sở giáo dục vì để xảy ra sự việc gây hậu quả, hệ lụy nghiêm trọng như thế này tới xã hội, hình ảnh cảa ngành giáo dục, phá đi những thành quả (lớn hay nhỏ chưa đề cập)mà ngành giáo dục qua bao nhiêu năm, bao nhiêu thế hệ mới tạo dựng được?

Thứ năm, tại sao chỉ sa thải những giáo viên (thực chất chỉ là những người thực hiện lệnh, chỉ thị, vì không có lệnh cấp trên thì không một ai dù GAN TO, dù 'THƯƠNG' học sinh, dù đó là hành động mang tính chất cá nhân như cách lý giải của một số người có trách nhiệm ở Bắc Giang. Nếu kỷ luật, nội qui điểm thi nghiêm túc, chặt chẽ, hội đồng thi sát sao chỉ đạo, chỉ huy thì những "GIÁO VIÊN TỐT BỤNG" kia cũng không thể "THƯƠNG" học sinh theo cách của họ được (mặc dù họ rất muốn).

Phải xử lý triệt để, quyết tận gốc và công bằng kể cả vấn đề sa thải, cách chức để dư luận, nhân dân, xã hội tin tưởng, những người liên quan nhận ra sai sót, không oán hận, oán trách ai mà nhận ra điều xã hội và nhân dân, đất nước cần gì, đừng nên, không nên có tư tưởng hẹp hòi, thiển cận, vì cái nhỏ mà đánh mất cái lớn của đất nước.

Ngành giáo dục nói chung và Bắc Giang nói riêng nên có cách tiếp thu, tiếp nhận vấn đề này một cách tích cực, cầu thị và hãy nên phải lắng nghe, quan sát phản ứng, phản hồi của dư luận nhân dân cả nước. Các vị cứ khăng khăng mình đúng mà để dư luận xã hội, nhân dân phản ứng dữ dội thế mà không nhận ra thì nghĩa là sao? Các vị được nhân dân tin tưởng giao trọng trách quản lý ngành giáo dục thì phải vì dân, lắng nghe dân, vì đất nước mới đúng. Chứ ngành giáo dục không phải của các vị đâu, các vị có ý thức được điều này không?

Khi và chỉ khi, những người làm quản lý nhận thức được vấn đề này thì người dân mới hy vọng vào ngày mai tươi sáng của ngành giáo dục nước nhà.

Ý kiến cuối cùng: Thứ nhất, kính nhờ tòa soạn chuyển lời đến thầy giáo N là tôi sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho thầy để thầy trang bị thêm thiết bị chống tiêu cực nhằm giúp một phần nhỏ đẩy lùi những nạn tiêu cực gây hậu quả tới ngành giáo dục nước nhà. Quan điểm là, ủng hộ thầy N và những người chống tiêu cực với động cơ trong sáng, tích cực, rõ ràng, vì lợi ích của nhân dân, nước nhà, xã hội, không vì lợi ích, động cơ các nhân. Thứ hai, kính nhờ tòa soạn, chuyển lời đến các em tham gia quay clip rằng: Nếu các em cần việc làm (vì có thể các em sẽ gặp những khó khăn từ việc các em đã dũng cảm thực hiện quay clip) thì tôi và Công ty CP Thứ ăn chăn nuôi Tây Ban Nhan – địa chỉ: Lô 1, CN1, Cụm CN Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội, ĐT: 04. 36892346 - 0913227703 sẽ tạo điều kiện cho các em làm việc.

Kính chúc thầy N, chúc các em luôn mạnh khỏe, vững vàng tư tưởng, tâm lý và tin tưởng rằng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức đoàn thể, mọi tầng lớp nhân dân Việt nam đã, đang và sẽ dõi theo, quan tâm thầy, những người như thầy, các em học sinh quay clip và những người như các em…”.

Giúp học sinh bằng cách gian dối, đạo đức và lương tâm nghề nghiệp các thầy cô để đâu?!

Đó là quan điểm của độc giả tên Sơn gửi đến Báo Giáo dục Việt Nam. Độc giả Sơn bày tỏ: “Muốn người khác không biết thì đừng làm! 12 năm trời ăn học mà không qua nổi được một kì thi tốt nghiệp thì các cô, các thầy ở đây định nghĩa từ làm phúc là thế nào.

Rớt tốt nghiệp là một bài học đầu đời để các em nhận ra được vị trí cũng như nền tảng kiến thức của mình đang ở đâu. Rớt tốt nghiệp nhưng vẫn còn đó những trường dạy nghề chào đón các em…

Tuy nhiên, giúp các em vượt qua kì thi tốt nghiệp, một nấc bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời, bằng cách gian dối trong thi cử thì đạo đức và lương tâm nghề nghiệp của các thầy cô ở đâu?”

Độc giả Sơn nhấn mạnh thêm: “Cách chức và đuổi dạy, ko có gì là quá đáng. Chấp nhận cái tư tưởng "tội nghiệp" của các cô thầy chính là chấp nhận 1 thế hệ gian trá trong tương lai”.




Hội đồng thi Đồi Ngô đáng thương hơn là đáng trách…?!

Độc giả Trần Tuấn bày tỏ quan điểm: "Mày ác quá!": Câu này quá đúng, nhưng "mày" ở đây không phải là người quay video đâu, "mày" ở đây phải là một số vị thiếu trách nhiệm với ngành giáo dục, để các học sinh phải chịu khổ, lấp liếm, rồi khi có chuyện lại phải gánh tội thay họ.

Tôi thấy hội đồng thi này đáng thương hơn là đáng trách. Đáng trách là ở các vị lãnh đạo đã nhắm mắt lờ đi căn bệnh thành tích trầm kha của ngành giáo dục. Chất lượng ngành giáo dục đã bị gian dối làm xuống cấp trầm trọng. Mất đi sự trung thực và sự công bằng thì sao trách được những người có thân phận nhỏ nhoi tự lo cho bản thân họ bằng cách quay cóp (vì các vị lãnh đạo ngành giáo dục muốn có thành tích tốt nghiệp cao nên chẳng ngăn chặn mà).

Sản phẩm tồi mà chứng nhận tốt xã hội sẽ lãnh hậu quả

Độc giả với nick name Platintran bình luận: “Nghề giáo là nghề đưa sản phẩm là con người có học vấn . Sản phẩm tồi mà chứng nhận là tốt thì xã hội sẽ lãnh hậu quả.

Vậy các giáo viên nói người chống tiêu cực trong thi cử thì có xứng đáng là giáo viên nữa không?... Cách nhận thức thương học sinh như vậy thì cay đắng quá! Chỉ có dạy tồi và vì thành tích mới nói như vậy thôi.

Hãy thông cảm cho họ…

Độc giả A Anh là một trong số những độc giả ít ỏi bày tỏ sự thông cảm và mong có một hình thức kỷ luật nhẹ hơn tới các cá nhân liên quan trực tiếp trong vụ gian lận tại Đồi Ngô, Bắc Giang. Độc giả A Anh chia sẻ: “Tôi thấy các thầy cô trên nói cũng có cái hợp lý thôi. Đừng trách móc làm gì nhau, chuyện nó cũng qua rồi. Hãy thông cảm cho họ chứ đuổi việc các cô các thầy như vậy là làm mạnh tay quá! Sau này các thầy cô sẽ tự biết để rút kinh nghiêm…”.

“Tôi muốn vả vào mồm những người tự xưng là thầy giáo, cô giáo vô liêm xỉ dám kéo cả những người khác là "ai cũng quay cóp" gian lận như mình! …”

Độc giả Anh Minh đã có những bức xúc gửi về tòa soạn xung quanh câu chuyện tiêu cực thi cử tại Đồi Ngô, Bắc Giang. Độc giả Anh Minh bức xúc: “Thế mới nói là tiêu cực tập thể! Đều đồng lòng lừa dối. Dối người và tự dối mình (rằng chẳng qua chỉ là làm phúc, rồi bây giờ nó thế, "ai đi học cũng quay cóp!!"...) nhưng mà tiền thưởng, danh hiệu thì ai nhận cho? Rồi còn tiền học thêm, tiền bố mẹ học sinh gửi gắm, ai nhận hộ cho mà mua xe máy, xây nhà?

Nói thật, tôi muốn vả vào mồm mấy người tự xưng là thầy giáo, cô giáo vô liêm xỉ dám kéo cả những người khác là "ai cũng quay cóp" gian lận như mình!

Sự việc thật đáng báo động và nó là kết quả của hàng loạt sai phạm mang tính hệ thống của nền giáo dục Việt Nam…”.

22 comments:

  1. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nên từ chức !!!

    ReplyDelete
  2. chạy mãi mới lên tới đó, giờ từ chức lỗ chết
    nếu còn nhiều tài lực chắc chạy sang chỗ khác ngon hơn, phó TT chẳng hạn.

    ReplyDelete
  3. thiệt là hết ý kiến luôn! cô đưa tài liệu cho học sinh quay cóp! Chuyện tưởng như chỉ có trong mơ!

    ReplyDelete
  4. Ôi, anh xã em cũng nói giá ở nước ngoài thì cha bộ trưởng từ chức lâu rồi!

    ReplyDelete
  5. Coi chừng cơn ác mộng thành sự thật! :O

    ReplyDelete
  6. dễ lắm chị
    hồi ông HT trường em lùng bùng tham nhũng dự án sửa chữa trường mấy tỉ (hồi đó to lắm) và ổng bị điều đi sang một trường khác ngon hơn (thành lập mới nhiều khoa nên cơ hội ăn uống nhiều hơn)
    giờ ổng làm ngoài BGD đó chị
    ớn

    ReplyDelete
  7. nhưng dù sao ông này còn có nhiều sáng kiến cho GD và ổng chỉ tham tiền thôi chứ còn về cải cách GD (tốt) thời đó ổng hay đi đầu

    ReplyDelete
  8. Chưa chắc đó là ý muốn cải cách của ổng. Một người tham tiền thì khó mà nói chuyện tâm tốt. Nhưng khả năng ông này lanh, biết chộp được ý tưởng người khác và đề đạt với cấp trên rằng:"..Dạ..đây là ý của ..em". Cấp trên thấy sáng kiến hay nên mới nâng đỡ lên tiếp. nếu vậy, đây là hạng đội trên đạp dưới.

    ReplyDelete
  9. Hạng này giờ nhiều lắm.
    Chán !

    ReplyDelete
  10. Đàng này chả nghe ray rứt gì, xem như mặc kệ đời "hạng tép" !

    ReplyDelete
  11. Phen này katy đi buôn lọng nhé:))

    ReplyDelete
  12. Nhiều dạng lắm. Mình có biết một thầy giáo: những năm khó khăn chẳng dạy dỗ gì, chỉ lo đi buôn gỗ. Mọi người cơm đùm gạo bới đi học sau đại học thật khổ sở. Vị ấy ở nhà đi buôn, tiết dạy thì có tổ trưởng chuyên môn bao thầu. mọi người học xong rồi vị ấy mới rục rịch đi.
    Thế rồi bây giờ cũng Phó Giáo sư như ai:)) Cũng làm ông nọ bà kia oai phết!

    ReplyDelete
  13. Ở chế độ này, chưa hề thấy cán bộ cao cấp nào từ chức bao giờ! Nào là phe cánh, chức, quyền, tiền bạc lôi cuốn rất hấp dẫn, có mấy ai thoáng nghĩ đến danh dự, trách nhiệm để mà từ chức khi vấp phải lỗi lầm to lớn hại nước hại dân

    ReplyDelete
  14. Nhận xét này tuyệt đối đúng .

    Chẳng những không từ chức, họ còn phen nhau để trù dập nạn nhân của họ tới bến luôn . Bởi thế đừng nhìn vẻ đạo mạo bên ngoài mà tưởng bở, toàn là con cá điêu hồng ( là con cá vừa hồng vừa điêu) không đới !!!

    ReplyDelete
  15. Hèn gì bảo là "nếu kỷ luật thì lấy ai làm việc" !

    ReplyDelete
  16. Đôi lần lem đọc thấy người ra rả chửi quan tham này nọ...lem cứ bị lăn tăn rằng nói thì dễ làm khó lắm đấy...Liệu mấy cha ấy được ngồi vô ghế đó có chắc cha không tham hơn cả mấy lần ấy không.Nhảm giảng!

    ReplyDelete
  17. "con cá điêu hồng " hay ha :)

    ReplyDelete
  18. Nếu mà cứ nghĩ như vậy thì chẳng giải quyết được gì!
    Mỗi người phải tự chịu trách nhiệm hành động của mình.Mình đã sai thì người khác mới nói được chứ!
    Vấn đề là tại sao mình sai lại cứ cho mình không sai bằng cách đổ tội cho người khác hoặc trù úm người vạch ra cái sai của mình!

    ReplyDelete
  19. Nếu như sai mà có thiện tâm sửa chữa, sửa chữa nhanh chóng thì chẳng ai có thể chửi ra rả được. Mà nếu đã cố gắng sửa chữa như thế rồi thì khi đó người chửi ấy thiếu thiện tâm.

    ReplyDelete
  20. Chị đã làm rõ ý của chị. Lem chỉ trích mấy chữ trong câu của chị thì chưa chắc đã đúng ý của chị:)

    ReplyDelete

LÊN ĐẦU TRANG