Saturday, August 3, 2013

Nhân tài rơi rụng?

4/8/2013

Báo chí dồn dập đưa tin, thủ khoa ĐH 30 điểm , một trường ĐH có tới 9 thủ khoa 29,5 điểm. Tuyệt vời quá ! Ôi con cháu của chúng ta giỏi thật! Điểm 8 trở lên là đã giỏi, nay đến 9 điểm rưỡi một môn. Gần như là tuyệt đối rồi còn gì.
Người thầy giáo khi đọc đề thi, sẽ biết được đề dễ hay khó. Một đề thi Đại học có yêu cầu hoàn toàn khác với một đề thi tốt nghiệp và càng khác với đề thi kiểm tra.
Ở mức độ đề kiểm tra, yêu cầu học sinh nắm được những kiến thức cơ bản nhất và việc phân loại được học sinh giỏi không quá chú trọng lắm . Do vậy, những câu hỏi thuộc dạng cơ bản phải chiếm tỉ lệ cao. Và thang điểm cũng có thể dành một tỉ lệ vừa phải cho những câu hỏi khó. Cũng còn tùy vào thời gian ấn định kiểm tra mà lượng câu hỏi ở mức độ dễ, trung bình hay khó cũng thay đổi.
Qua bài thi tốt nghiệp, mức độ yêu cầu là học sinh nắm được kiến thức ở trình độ phổ quát, biết tổng hợp và vận dụng. Vì thế, dạng câu hỏi tuy có mang tính tổng hợp hơn nhưng vẫn đặt nặng yêu cầu chung về những kiến thức trọng tâm cần cho học sinh khi vào đời nên việc phân loại trình độ khá giỏi của thí sinh cũng không là trọng tâm.
Nhưng đến khi thi Đại học thì hoàn toàn khác. Yêu cầu của kỳ thi Đại học là phải chọn được những sinh viên tương lai có năng lực phân tích, tổng hợp, phán đoán và giải quyết một vấn đề hết sức hiệu quả. Những chủ nhân tương lai có khả năng sáng tạo và quyết đoán . Vì thế, đề thi Đại học đòi hỏi tính phân loại cao hơn nhiều, do vậy những câu hỏi khó có tính vận dung kiến thức tổng hợp cũng như khả năng phân tích tốt được chú ý khai thác.
Thông thường, nếu ra đề quá khó hoặc bị lạc đề hoặc đề ra mù mờ dễ gây hoang mang, bối rối cho thí sinh thì kết quả điểm cũng sẽ không phản ánh được trình độ của thí sinh.
Vì thế trình độ và kinh nghiệm của người ra đề hết sức quan trọng. Phải làm sao đánh giá được năng lực của học sinh ở mức yêu cầu trung bình, đồng thời phải phân loại được học sinh có năng lực giỏi, khá. Lẽ dĩ nhiên, tùy vào trình độ và kinh nghiệm ở mỗi người thầy thì sự đánh giá trung bình, khá và giỏi cũng thể hiện khác nhau!
Với một người thầy có trình độ không cao, kém tự tin, năng lực tư duy phán đoán, tổng hợp kém thì sẽ không có khả năng hoặc ngần ngại khi chọn lựa những câu hỏi khó. Người ta thường tư duy theo kiểu chọn lựa một giải pháp an toàn. Vì vậy, đề thường dễ và ít sai sót nhưng không thể đánh giá và phân loại đúng trình độ năng lực của học sinh.
Một trường ĐH đã đề nghị vớt cho những em 27 điểm được đậu. Có những hệ lụy cần phải suy nghĩ:
- Thành 1 tiền lệ rất khó sửa khi năm nay phải tăng chỉ tiêu vì điểm cao. Năm sau, đề ra dễ hơn liệu ta có tiếp tục tăng chỉ tiêu nữa hay không?
- Với chỉ tiêu đào tạo đã được chấp thuận, liệu rằng khi tăng chỉ tiêu chúng ta có đáp ứng điều kiện giảng dạy hay không? Hay là sẽ theo kiểu đem con bỏ chợ, sống chết mặc bây tiền thầy bỏ túi, với điều kiện phòng thí nghiệm, điều kiện làm việc và lương bổng của giáo viên ĐH như hiện nay?
Tại sao vẫn có những ý kiến than thở có quá nhiều trường ĐH chưa đảm bảo được chất lượng?
Tại sao bao nhiêu SV tốt nghiệp ĐH đang sống dở chết dở vì thất nghiệp, làm thầy không được mà làm thợ cũng chẳng xong?

Vậy có nên xem lại cách tuyển sinh ĐH, liệu có ôm đồm và không thực chất hay không?
Chuyện tuyển sinh ĐH đã như vậy, bây giờ đề nghị bỏ thi tốt nghiệp nữa, có lẽ sự nghiệp giáo dục càng xuống dốc nhanh hơn!
Xem thêm:

3 comments:

  1. Đã có năm mà có trường đại học ( kiến trúc tpHCM ) lấy thêm chỉ tiêu tuyển sinh (ngoài ngân sách) nhiều quá (gấp 3 lần số SV trong chỉ tiêu ngân sách), SV phải đóng học phí quá nặng nề, học phí lại không giữ mức ổn định, và những năm sau đó học phí lại tăng cao bất thường, cứ mỗi năm mỗi tăng . Tuyển nhiều như vậy, nhưng cơ sở vật chất - phòng ốc, thiết bị, phương tiện dạy học của trường vẫn như cũ . Giảng viên không tăng, lại bận đi học nước ngoài nhiều, một số còn dạy thiếu nghiêm túc (hay cho SV nghỉ bất thường, không báo trước, lập lại nhiều lần), nhiều môn giảng dạy qua loa, đa phần cho học sinh tự bơi, tự nghiên cứu học tập, kể cả trong việc làm đồ án tốt nghiệp. Sau 5 năm học mệt mỏi miệt mài và tốn kém, SV ra trường còn bị thêm nạn thất nghiệp tràn lan, rồi cũng lại phải tự bơi, tự bương chải thêm lần nửa ...Đó là chỉ kể sơ qua 1 vài cái trong số những cái vấn nạn của đại học xứ mình, đúng y như bài viết trên...

    ReplyDelete
    Replies
    1. Không phải một trường mà nhiều trường như thế lắm ST ạ. Nhưng họ thường vin vào những lý do khác mà thực chất mang lại lợi ích cho một nhóm nào đó.

      Delete
  2. Thực trạng Xã hội mà...
    việc làm khó kiếm nên sinh viên ra trường thât nghiệp... học cũng tự học... mà ra đời cũng phải tự kiếm việc.. làm
    tình hình ngày một khó khăn.. hơn hazzz...

    ReplyDelete

LÊN ĐẦU TRANG