Tuesday, September 13, 2011

NHỮNG CON CHIM KHÔNG ẨN MÌNH CHỜ CHẾT


SGTT.VN - Chỉ hơn trăm năm trước, đất Sài Gòn còn um tùm lau sậy, chim muông vô kể. Rồi theo tháng năm, dân cư ngày một đông đúc, nhà cửa mọc lên san sát, nguồn thức ăn cũng như nơi sinh sống không còn, muông thú ngày càng ít đi, tuy nhiên, một số loài chim vẫn thích nghi và tồn tại được cho đến ngày nay.

Do sống hoà cùng nhịp đô thị, các loài chim ở thành phố gần như đã quen với con người, với tiếng ồn và khói bụi. Nhiều loài chim chọn cho mình nơi kiếm ăn lý tưởng ở các công viên, trường học, chùa chiền, nhà thờ, những nơi có nhiều cây xanh và nguồn thức ăn phong phú. Một số công viên, đặc biệt là công viên Tao Đàn, có khá nhiều loài chim tập trung. Cuộc sống của các chú chim ở thành phố lắm lúc còn sướng hơn cả đồng loại ở các khu vực rừng núi vì ít bị săn bắt, ít bị tấn công bởi các loài thú ăn thịt, đôi khi còn được người ta cho ăn nữa.

Với mục tiêu tìm hiểu về các loài chim ở khu vực nội thành TP.HCM, các nhà khoa học thuộc viện Sinh học nhiệt đới đã tiến hành khảo sát và ghi nhận được 47 loài chim. Cuộc khảo sát cho thấy: hầu hết các loài chim sống trong các quận nội thành là những loài có khả năng thích nghi tốt với lối sống đô thị, thậm chí một số loài nay đã ít gặp trong các khu rừng già.



Chim Bông lau tai vằn (Pycnonotus blanfordi) đang uống nước trên nắp một thùng rác tại Bến Bạch Đằng trong mùa nắng nóng

Xin giới thiệu hình ảnh một số loài chim tại TP.HCM mà chúng tôi ghi nhận được:

 Chim sẻ (Passer montanus): Có thể nói chim sẻ là một trong những loài chim thích nghi thành công nhất. Chim sẻ có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ đồng bằng đến các vùng núi cao lạnh lẽo. Với bản chất thông minh, tinh nghịch và thân thiệt, chim sẻ dễ dàng chiếm được cảm tình với con người và thường xuyên được cho thức ăn. Số lượng chim sẻ đến định cư và sinh sản tại TP.HCM ngày càng nhiều. Chim sẻ được xem là chim thành thị vì hầu như không còn gặp chim trong các khu rừng nguyên sinh.

 Chim bông lau tai vằn (Pycnonotus blanfordi): Chim bông lau có tên như thế vì bộ lông có màu gần như bông cỏ lau, chim ăn trái chín và cả sâu bọ nữa. Ở thành phố bạn hãy ngồi đợi ở những nơi có cây trứng cá với những trái chín mọng, loài chim này sẽ đến và ăn đấy.

 Chim cu gáy (Streptopelia chinensis): Chim cu gáy mặc dù không phân bố rộng như chim sẻ, nhưng ở Việt Nam loài này khá phổ biến. Nhiều người nuôi chim cảnh rất thích sưu tầm loài chim này chỉ để nghe tiếng gáy của nó. Chim cu gáy sinh sản khá nhiều vào đầu mùa mưa, chim được săn bắt khá nhiều làm chim cảnh. Chim cu gáy là một loài chim chung tình, chúng sống thành từng cặp cho đến suốt đời, chim trống, mái chỉ kết đôi lại một lần nữa khi bạn tình qua đời.

Chim di đá (Lonchura punctulata): Chim di đá có kích thước cơ thể nhỏ bé và rất thích ăn hạt các loại ngũ cốc, chim hay sống thành bầy và tập trung kiếm ăn ở các bãi cỏ. Di đá rất dạn dĩ và cũng thích sống gần con người như chim sẻ.

Chim sâu lưng đỏ (Dicaeum cruentatum): Chim sống thành từng cặp. Ở thành phố nếu tinh ý, bạn có thể thấy chim hay kiếm ăn và hót líu lo trên những cây thấp tại công viên Tao Đàn và sân trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Chim bông lau mày trắng (Pycnonotus goiavier): Chim cũng ăn trái cây, sống thành từng bầy nhưng lại phổ biến ở các vùng đất ngập nước hơn.

Chim Nhạn bụng trắng (Hirundo rustica) có mặt khắp nơi trong thành phố

 Chim nhạn bụng trắng (Hirundo rustica), có mặt ở khắp nơi tại thành phố: Tuy nhiên thường ngày rất khó thấy vì loài chim này hầu như lúc nào cũng bay. Với cách bay giang rộng đôi cánh và lượn theo các dòng khí nóng nên chim có thể bay cả ngày mà không biết mệt mỏi. Chim chỉ đậu khi đã ăn no và chỉ nghỉ chân một đến hai lần mỗi ngày. Sống bằng các loài côn trùng nhỏ, bắt mồi khi đang bay. Ở thành phố vào những buổi chạng vạng, khi ánh đèn đường vừa mới mở, các loài thiêu thân bay về phía ánh đèn, nhạn bụng trắng cũng nhân cơ hội ấy mà thưởng thức bữa tối. Hãy đi dọc đại lộ Đông-Tây vào lúc đó bạn sẽ thấy từng đàn Nhạn bay vòng quanh trên đầu. 

 Chích chòe than (Copsychus saularis): Số lượng loài này trong các khu rừng cũng không còn nhiều lắm. Tại thành phố chỉ gặp loài này ở Thảo Cầm Viên do nơi đây được bảo vệ tốt. Hãy vào Thảo Cầm Viên vào buổi sáng tinh mơ và lắng nghe tiếng hót của loài chim Chích chòe than bạn nhé!

 Chim chiền chiện bụng vàng (Prinia flaviventris) trước kia rất phổ biến ở các vùng đầm lầy lau sậy, ngày nay hầu như rất hiếm gặp trên phạm vi cả nước: Cơ thể chim khá nhỏ thích nghi với lối sống chui rúc trong các vùng lau sậy, cây cỏ um tùm. Chim thường sống đơn độc và ăn những loài côn trùng nhỏ. Tác giả đã tình cờ gặp được loài chim này tại bờ kênh Nhiêu Lộc.

Chim nghệ (Aegithina tiphia), một trong những loài chim đẹp hay được nuôi làm cảnh: Chim nghệ nhỏ bé, dãn dĩ, thích ăn sâu và thường hay kiếm ăn thành từng cặp ở các cây thấp.

NGUYỄN HÀO QUANG – Viện sinh học nhiệt đới TP.HCM



Chú chim sẻ (Passer montanus) đang kiếm ăn tại sân trường Đại học Bách Khoa

Chim cu gáy (Streptopelia chinensis) đang ung dung phơi nắng trên bãi cỏ tại công viên Tao Đàn

Chim di đá (Lonchura punctulata) đang nghỉ mát tại khuôn viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên

Chim sâu lưng đỏ (Dicaeum cruentatum) một trong những loài chim sâu hiếm hoi được ghi nhận ở nội thành

Chích chòe than (Copsychus saularis) một loài chim đẹp hót hay thường bị săn bắt nhiều làm chim cảnh

Chim chiền chiện bụng vàng (Prinia flaviventris) trước kia rất phổ biến ở các vùng đầm lầy lau sậy, ngày nay hầu như rất hiếm gặp trên phạm vi cả nước

Chim nghệ (Aegithina tiphia) một trong những loài chim đẹp hay được nuôi làm cảnh

6 comments:

  1. Đúng là các loài chim góp phần tô điểm cho cảnh vật thiên nhiên chị nhỉ!
    Nhưng với sự thay đổi môi trường, đô thị hoá, không khéo thì chúng cũng sẽ phải trở thành "những con chim ẩn mình chờ chết".

    ReplyDelete
  2. Một số loài có thể chết và cũng có thể có một số loài thích nghi dần.

    ReplyDelete
  3. ngày nhỏ kd hay chạy đuổi theo chim nhạn bụng trắng chúng bay là là ngang tầm tay .

    ReplyDelete
  4. Thích nhỉ? Linalol chỉ biết con chim sẻ thôi!

    ReplyDelete

LÊN ĐẦU TRANG