Monday, September 12, 2011

Giấc mơ cuối cùng của GS Trần Thanh Vân

http://bee.net.vn/channel/1988/201109/Giac-mo-cuoi-cung-cua-GS-Tran-Thanh-Van-1811830/
Năm 1953, cậu thanh niên Trần Thanh Vân 16 tuổi rời quê hương Quảng Bình đi Pháp du học. Trong kỳ thi vấn đáp năm 1957, cậu đã gặp giáo sư Maurice Lévy, một trong những cha đẻ của vật lý nguyên tử Pháp và Thanh Vân quyết định theo ngành vật lý. Để giờ đây, giáo sư Trần Thanh Vân được xem là một bậc thầy trong lĩnh vực lý thuyết vật lý nguyên tử.
Giáo sư Trần Thanh Vân- Minh họa: Hoàng Tường
Ở tuổi thất thập, ông vẫn dồn hết tâm huyết cho những dự án mang tên “Việt Nam”. Ông nói: “Khoa học và quê hương là lẽ sống của tôi!”

Gio sư Trần Thanh Vn- Minh họa: Hong TườngNói đến GS.TS Trần Thanh Vân là nói đến những ngôi làng SOS tại Việt Nam mà ông cùng vợ là GS.TS Lê Kim Ngọc và nhiều kiều bào ở Pháp kiên trì góp sức dựng xây…

Những năm đầu 1970, chiến tranh Việt Nam rất ác liệt, từ làng quê đến thành phố trong cả nước, trẻ mồ côi gia tăng từng ngày… Tại Pháp, để có thể làm được việc gì đó có ích cho quê nhà mà không bị coi là “làm chính trị”, chúng tôi đã thành lập hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam. Trong xa xôi, cách trở, nhờ sự đồng tình, ủng hộ của nhiều kiều bào và sinh viên ta bên đó, dự định thành lập làng SOS cho trẻ em tại Việt Nam đầu tiên tại Lâm Đồng đã có kết quả. Sau này, cũng với cách thức đó, chúng tôi tiếp tục có thêm một số làng SOS khác tại Việt Nam…


Đến nay nhiều người còn nhắc mãi câu chuyện hai vợ chồng giáo sư phải dầm chân trong tuyết lạnh để bán từng tờ thiệp mừng Noel ngày đó...

Khi ý định đã rõ ràng, kế hoạch đã thống nhất, việc cần thiết là phải tìm ra tiền. Mà lại không muốn có tiền bằng cách xin xỏ. Phải khẳng định với người Pháp và thế giới rằng, người Việt Nam có thể giúp người Việt Nam bằng chính sức lực, tiền bạc của mình. Chúng tôi rất kiên quyết trong chuyện này, không quản ngại khó khăn. Sau khi nhờ các anh em sinh viên trẻ giúp in thiệp Noel, mọi người, trong đó có vợ chồng tôi, đến các nhà thờ, chờ người đi lễ ra để bán thiệp cho họ…

Có lần nhắc tới tuổi thơ, giáo sư nói rằng do đã từng nghèo khó, nên “rất hiểu về sự nghèo khó của người khác”...

Tôi mồ côi cha mẹ từ sớm, nhờ anh chị em ruột làm nghề bán tạp hoá, chắt chiu vất vả nuôi ăn học. Dù vậy, tôi còn may mắn có anh chị em, trong khi nhiều đứa trẻ khác sống vất vưởng, thiếu thốn đủ thứ vì không có người thân… Những ấn tượng đó rất khó phai mờ.

Du học, ông nổi tiếng vì thành tích học tập: đứng đầu môn toán trong kỳ thi tú tài tại Pháp, đỗ cử nhân đại học Sorbonne năm 22 tuổi, đỗ tiến sĩ quốc gia – học vị tiến sĩ cao nhất – năm 27 tuổi… Tự học có phải là nguyên tắc số một của ông thời trẻ?

Tôi thường nghĩ, mình phải tự học, tự trau dồi kiến thức, luôn luôn sẵn sàng tất cả, để khi có cơ hội thì không để nó tuột khỏi tay mình!

Tiền bạc chỉ cần vừa phải, đủ để sống và để làm những việc mình muốn, chết đâu có mang theo được.


Điều gì đã khiến ông thuyết phục được GS.TS Odon Vallet dành 1/10 quỹ học bổng của mình để giúp các sinh viên giỏi Việt Nam?

Vấn đề là mình hãy bắt đầu từ những việc nhỏ. Từ đó sẽ có sự tin cậy.

Dành cả cuộc đời làm khoa học, sao giáo sư không chọn cách an hưởng tuổi già mà lại chọn con đường vất vả là làm cầu nối cho các nhà khoa học trên thế giới, đặc biệt là các nhà khoa học Việt Nam?

Do tích luỹ được chút kinh nghiệm sau 45 năm tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế, có sẵn mạng lưới các nhà khoa học quốc tế, nên tôi nghĩ mình chưa thể dừng lại nghỉ ngơi lúc này… Thâm tâm tôi luôn muốn được đóng góp lâu dài, hiệu quả nhất cho quê hương.

Tên ông đã trở thành một bảo chứng cho thành công của nhiều hội nghị khoa học quốc tế, điều gì giúp ông có được sự tín nhiệm đó?

Ban đầu, khi tổ chức hội nghị ở châu Âu, tôi muốn giữa các đại biểu tham dự sẽ tạo được sự liên lạc mật thiết, do đó, rất chú ý đến sự có mặt của các nghiên cứu sinh trẻ. Làm sao để thế hệ tương lai có điều kiện gặp gỡ, trò chuyện với các nhà khoa học đi trước một cách thoải mái và hiệu quả nhất khi mà ở các hội nghị lớn, các vị giáo sư tên tuổi thường bị vây kín bởi những người hâm mộ, anh em trẻ rất khó tiếp cận. Nếu bố trí họ ở chung khách sạn và dùng cơm chung, thậm chí đi trượt tuyết cùng nhau… sẽ tăng được tối đa thời gian tiếp xúc giữa các thế hệ. Cách đó tuy bị một số chỉ trích là “như quân ngũ” nhưng người ủng hộ lại cho đó là “sự chuẩn bị điều kiện hợp tác trong tương lai” rất cần thiết trong nghiên cứu khoa học… Về sau, nhiều hội nghị khác của châu Âu, Mỹ cũng làm theo cách này.

Tới đây, tôi muốn Việt Nam tổ chức được những hội nghị tầm cỡ như vậy với điều kiện có một trung tâm Khoa học và giáo dục quốc tế mà chúng tôi dự kiến khởi công tháng 12 tới tại Quy Nhơn. Trong tương lai, đó là một điểm sáng trong khu vực, với các đối tác lớn là các trung tâm nghiên cứu vật lý hàng đầu thế giới, từ đó sớm có đóng góp cho nền khoa học nước nhà, nâng cao vị thế và hình ảnh đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế…

Với việc triển khai một dự án lớn, hẳn giáo sư có điều kiện để “biết” nhiều hơn về phong cách làm việc trong nước?

Tôi rất cảm động vì sự nhiệt tình của anh em ở Quy Nhơn. Trước tôi có nghe nói ở Việt Nam đưa ra một dự án phải mất khoảng mười năm để được phê duyệt vì mắc mớ nhiều thủ tục, giấy tờ; nhưng dự án của tôi mới trình... ba năm đã được duyệt (ở Pháp ba năm là dài nhưng ở Việt Nam thế là rất nhanh!) Hiện đã có thiết kế sơ bộ do KTS Milou giúp (tác giả công trình viện Bảo tàng quốc gia Singapore nổi tiếng). Mong sao hai năm nữa nơi đây có thể tổ chức được các hội nghị khoa học quốc tế quan trọng…

Giáo sư sẽ làm gì để có tiền xây trung tâm Khoa học và giáo dục quốc tế với quy mô lớn như thế?

Rất mừng là thời gian đi qua, dần dần tôi cũng đã thuyết phục được nhiều nhà khoa học trên thế giới, các viện nghiên cứu… ủng hộ việc triển khai dự án. Lúc đầu, quả thật chỉ định xây đơn giản, nhưng sau khi gặp KTS Milou trở về, chúng tôi thấy rằng “có cơ hội thì phải nắm lấy”, nên đã quyết định đầu tư toàn bộ số tiền 2 triệu USD mồ hôi nước mắt tích luỹ được từ việc tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế hơn 40 năm qua vào thực hiện dự án. Nhưng 2 triệu đô đó chỉ vừa đủ để hoàn thiện giai đoạn một bao gồm nhà hội nghị và khu vực xung quanh, vẫn rất cần sự tham gia của các nhà đầu tư khác trong và ngoài nước…

Nghiên cứu khoa học hay làm nhà tổ chức, nhà giáo dục, với giáo sư trước sau vẫn chỉ là một con đường?

Nếu những 70 thế kỷ trước, tôi muốn thế giới biết đến Việt Nam qua những làng SOS do chính người Việt Nam chung tay dựng lên; những năm 90 tôi muốn các nhà khoa học trên thế giới tham gia các hội nghị khoa học mang tên Gặp gỡ Việt Nam để biết về Việt Nam nhiều hơn, thì với việc xây dựng trung tâm khoa học Quy Nhơn, đó là cơ hội quý báu để quảng bá một hình ảnh thực sự tốt đẹp về Việt Nam hôm nay.

Làm khoa học thì phải hết sức nghiêm túc. Nghiêm túc để tránh được mọi sai sót, lỗ hổng. Nghiêm túc để có kết quả đúng. Và còn một điều nữa mà hai chúng tôi đều tự rút ra: hãy làm nhiều, nói ít.
Trên mọi nẻo đường cuộc sống, khoa học, hoạt động xã hội, bên cạnh ông luôn có sự tham gia của GS.TS Lê Kim Ngọc. Ông bà đã cùng “nhìn về một hướng” như thế nào?

Chúng tôi đều là những thanh niên Việt Nam nghèo, sang Pháp với hai bàn tay trắng, không cha mẹ họ hàng. Khi kết hôn, chúng tôi đã định hướng con đường tương lai cho cả hai, là nghiên cứu khoa học. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng tôi sống như mọi người, không có gì khác, hầu như không bao giờ băn khoăn, đặt vấn đề tốt, xấu. Đó là một cuộc sống đơn sơ, không có gì phức tạp, ngoài khoa học thì chăm lo nuôi dạy con cái. Hai con gái của chúng tôi đều học hành tử tế, có sự nghiệp riêng (nhưng không làm khoa học vì thấy cha mẹ vất vả và ít thì giờ cho bản thân và gia đình quá). Đó là gia tài, là nguồn vui lớn nhất của vợ chồng tôi.

Làm khoa học, quan điểm khác nhau là chuyện bình thường. Với vợ chồng giáo sư?



Gio sư Trần Thanh Vn v vợ, gio sư L Kim Ngọc
Giáo sư Trần Thanh Vân và vợ, giáo sư Lê Kim Ngọc
Quan trọng là mỗi người đều có lĩnh vực riêng của mình. Tôi đi sâu về lý thuyết vật lý nguyên tử, còn Ngọc thiên về khoa học thực nghiệm trong sinh học. Năm 1970, Ngọc có một khám phá mới về lát mỏng tế bào, được giới khoa học đánh giá cao và rất có giá trị ứng dụng. Chúng tôi đều thấy làm khoa học thì phải hết sức nghiêm túc. Nghiêm túc để tránh được mọi sai sót, lỗ hổng. Nghiêm túc để có kết quả đúng. Và còn một điều nữa mà hai chúng tôi đều tự rút ra: hãy làm nhiều, nói ít.

Khi quyết định dành thời gian nghỉ hưu cho các dự án ở Việt Nam, giáo sư đã có được sự đồng thuận trong ngôi nhà của mình ra sao?

Mười năm nay, chúng tôi về hưu, 100% thời gian và sức lực mà chúng tôi có, đều dành cho các công việc liên quan đến Việt Nam. Chuyện gì làm được thì cả hai đều gắng làm. Như khi thấy trẻ em bất hạnh, nhớ mình hồi nhỏ (Ngọc cũng mồ côi mẹ từ năm hai tuổi, lớn lên là nhờ các anh chị nuôi), tôi và Ngọc đều tự nguyện đi bán thiệp, ở Pháp và ở Mỹ…

Có lúc nào, giáo sư chạnh lòng vì thời trẻ đã lãng mạn dành hết thời gian cho nghiên cứu mà quên mất mục tiêu… kiếm tiền?

Không. Trên thực tế, tôi cũng đã có nhiều cơ hội để kiếm tiền, để làm giàu, nhưng đã không chọn. Ví dụ, có thời điểm Chính phủ cho vay tiền, có thể mua những biệt thự cổ thế kỷ 15 – 16, sửa sang lại bán hoặc cho thuê rất được giá, và có người làm cách đó mà tậu được 10 – 15 ngôi nhà… Vợ chồng tôi đều biết nhưng không làm, vì thấy việc khác hợp với mình hơn. Tiền bạc chỉ cần vừa phải, đủ để sống và để làm những việc mình muốn, chết đâu có mang theo được.

Ngôi nhà hiện vợ chồng giáo sư đang ở – tài sản đáng giá nhất của hai nhà khoa học, nơi 40 năm trước đặt máy in thiệp Noel, bây giờ vẫn là nơi hướng về nguồn cội?

Đó là một ngôi nhà bình thường, có tầng trệt một nửa là hầm thấp dưới đất. Khi hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam thành lập, đây chính là địa chỉ hội họp, in thiệp đem đi các nơi bán… Ngôi nhà đó rất đặc biệt, vì không có nó, khó thực hiện được các việc từ thiện suốt bao năm qua. Đặc biệt hơn nữa, vì nó gắn với một sự kiện lịch sử của dân tộc Việt Nam: hội nghị Paris năm 1972. Thời kỳ đó, vợ chồng tôi vừa qua Mỹ làm việc về, lập hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam bên đó để xúc tiến xây làng SOS đầu tiên. Một sáng ngủ dậy, thấy trước cửa rất nhiều cảnh sát Pháp. Thì ra nhà hàng xóm là của đảng Cộng sản Pháp cho mượn để tổ chức cuộc gặp gỡ giữa ông Lê Đức Thọ và ông Kissinger. Quả là một sự tình cờ đầy duyên nợ đối với hai người Việt Nam đang xa quê như chúng tôi!

Một sự tình cờ khác, là cuộc gặp với “giáo sư cộng sản” Nguyễn Văn Hiệu, tiếp đó là một tình bạn đặc biệt, một giai đoạn mới trong cuộc đời ông?

Năm 1963, khi tôi vừa làm xong luận án tiến sĩ ở Paris, anh Hiệu cũng vừa xong tiến sĩ ở Moskva. Tại một hội nghị ở Ý, chúng tôi gặp nhau. Ngoài sự quý trọng về mặt khoa học, là một tình bạn thân thiết đến bây giờ… Thời kỳ đầu sau đổi mới, tôi có về Việt Nam, anh Hiệu nhờ tôi giúp tổ chức một hội nghị quốc tế vì biết tôi quan hệ rộng rãi với nhiều nhà khoa học trên thế giới, tôi đã từ chối bởi lúc đó, việc đi lại rất phức tạp. Từ Sài Gòn lên Đà Lạt, hay đi bất cứ một địa phương nào khác, đều phải có giấy phép. Khi tình hình được cải thiện, tôi nói với anh Hiệu có thể tổ chức được, và tháng 12.1993, Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức. Lúc đó Mỹ còn cấm vận Việt Nam, một giáo sư Mỹ đoạt giải Nobel đến dự hội nghị, rất cảm kích vì sự đón tiếp trân trọng, cởi mở của phía chủ nhà, đã nói “sẽ viết thư đề nghị Tổng thống Bill Clinton bỏ cấm vận!”

Có trong tay 300 công trình khảo luận và là tác giả của 115 đầu sách đã xuất bản, là giáo sư đại học Paris, được Nhà nước Pháp tặng huân chương Bắc đẩu bội tinh, được viện Hàn lâm khoa học Nga bầu là viện sĩ… còn ước mơ nào giáo sư chưa thực hiện được?

“Ngôi nhà” Quy Nhơn mở cửa đón các nhà khoa học! Có lẽ đó chính là giấc mơ cuối cùng của đời tôi…

GS Mikhai Danilov, viện trưởng viện Vật lý lý thuyết và thực nghiệm Moskva – Nga:
“Các nhà vật lý Nga rất quý trọng GS Trần Thanh Vân. Trần Thanh Vân là bạn thân tình của hầu hết các nhà vật lý nổi tiếng, cũng như các nhà vật lý trẻ trên thế giới. Tất cả chúng ta đều hãnh diện về ông. Mọi người Việt Nam đều có quyền tự hào về ông. Ông là một gương mặt lớn…”
GS Trịnh Xuân Thuận, nhà vật lý thiên văn – Hoa Kỳ:
“Trong giới khoa học quốc tế, GS.TS Trần Thanh Vân là người có sức hấp dẫn lớn, có tài tổ chức. Ngay ở châu Âu, cũng khó tìm được người khéo tổ chức các cuộc gặp gỡ vật lý đầy hứng thú như anh ấy, khó tìm được người thay thế anh”.



Kim Hoa (Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

1 comment:

  1. Trước năm 1975 đã có dịp nghe bà Trần Thanh Vân nói chuyện với nữ sinh Trung học tại Đà Nẵng về ước mơ nghiên cứu khoa học. Thật ngưỡng mộ bà! Còn nhớ ngày ấy bà giới thiệu về việc nuôi cấy mô để trồng lan. Thời ấy công việc này quả lạ lùng và đáng ngưỡng mộ. Không tưởng tượng được cây có thể sinh sôi mà không cần hạt giống bính thường.

    ReplyDelete

LÊN ĐẦU TRANG