Saturday, August 13, 2011

Phở dưới mắt nhà văn Việt

LTS: Hãng thông tấn CNN vừa bình chọn phở đứng thứ 28 trong 50 món ngon nhất thế giới. Phở được mô tả là một món nước, chế biến từ bún gạo nấu với thịt bò hoặc gà, dùng kèm với vài loại rau thơm.

CNN bình luận: "Mùi vị của phở trên cả tuyệt vời. Phở có mùi vị thơm ngon và hài hòa". Đọc những dòng văn của Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Băng Sơn mới thấy bình luận kia quả còn quá khiêm tốn. Giờ đây, những quán hàng, những con người các ông nhắc tới phần nhiều đã không còn nhưng đọc lại những dòng văn đó sẽ thấy, người Hà Nội yêu phở đến thế nào.


Nguyễn Tuân: Miếng ăn kỳ diệu của tất cả những người Việt Nam chân chính

Quanh hồ khu Ô-ta-ni-ê-mi, Phần Lan, chúng tôi ngồi dưới rừng thông xanh phân tích với nhau xem tại sao lòng dạ mấy người đang thấy nhớ thương một cái gì xa xôi lắm. Từ hôm xách va ly ra tàu qua nước này nước khác, thế là mấy tháng rồi; ở nhà đã hoàn thành tiếp quản Hải Phòng rồi, đất đai miền Bắc giải phóng toàn bộ rồi... Nhưng mà chúng tôi đã kéo cuộc nhân đàm xoáy vào chuyện ẩm thực và muốn giúp đỡ nhau tìm hiểu vì đâu mà lâu nay ăn uống kém ngon. Có người bèn chỉ tay thẳng xuống nền cỏ bờ hồ Phần Lan, buông thõng một câu: "Bây giờ có ngay một gánh phở đỗ bên bờ hồ này, thì tớ đả luôn sáu bát!". Tất cả đều rao lên.

Thì ra gần đây chúng tôi héo hắt đi, vì xa đất nước, khẩu vị lạc điệu, thấy nhớ nhà nhớ nước, trong cái nhớ nhà nhớ đất nước, có cả một sự nhớ ăn phở nữa. Hình ảnh bát phở quê hương đưa ra lúc ấy giải quyết đúng vào thắc mắc chung của mấy người. Tất cả đều thi nhau đề cao những đức tính của phở dân tộc. Dưới đây liên tiếp những mẩu chuyện góp về một bát phở, về một miếng ăn kỳ diệu của tất cả những người Việt Nam chân chính:
 
- Này, các cậu có thấy món ăn ở Phần Lan có nhiều cái rất kỳ quặc không. Thịt bò rán, lại phết mứt công phi chưa ngọt sắt lên trên. Cam chanh lại ăn kèm với cá gỏi. Cơm lại ướp vào tủ nước đá, mình thấy đĩa cơm có khói, lúc ăn buốt đến chân răng. Nghệ thuật ẩm thực tôi gọi tên là lối nấu nướng của trường phái lập thể. Cho nên tôi càng thấy cần phải trở về với món quà cổ điển rất tính chất dân tộc của ta, tức là phở.

Ăn phở giờ no cũng tri.
Ăn phở giờ nào cũng trôi.

- Phở còn là một món ăn rất nhiều quần chúng tính. Ông muốn ăn phở ngồi hay đứng lù lù ra giữa hiệu mà ăn cũng không ai nói, ăn ngồi ăn đứng tuỳ thích. Phở là món ăn bình dân. Công nông binh trí, các tầng lớp nhân dân lao động, thành thị, nông thôn, không mấy ai là không biết ăn phở. Người công dân Việt Nam khi còn ẵm ngửa, cũng nhiều vị đã nếm phở rồi; chỉ có khác người lớn là cái bát phở của tuổi ấu trĩ chưa biết đau khổ ấy chưa cần phức tạp, không cần hành hăng, chanh chua, ớt cay. Con nhà nghèo, nhiều khi lại không cần cả thịt nữa, mà căn bản phở nhi đồng vẫn là bánh và nước dùng thôi.
 
- Phở ăn bất cứ vào giờ nào cũng đều thấy trôi cả. Sớm, trưa, chiều, tối, khuya, lúc nào cũng ăn được. Trong một ngày ăn thêm một bát phở, cũng như lúc trò chuyện ăn giọng nhau mà pha thêm một ấm trà, cùng thưởng thức với bạn bè. Hình như không ai nỡ từ chối một người quen rủ đi ăn phở.

Phở giúp cho người thanh bạch đủ điều kiện biểu hiện lòng thành theo với bầu bạn nó hợp với cái túi nhỏ của mình. Phở còn tài tình ở cái chỗ là mùa nào ăn cũng thấy có nghĩa thâm thúy. Mùa nắng, ăn một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt qua lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt chợt thắm tươi lại.

Trong một ngày mùa đông của người nghèo, bát phở có giá trị như một tấm áo kép mặc thêm lên người. Đêm đông, có người ăn phở xong, tự coi như vừa nuốt được cả một cái chăn bông và tin rằng có thể ngủ yên đến sáng, để mai đi làm khoẻ. Dùng những hình ảnh bình dị để nói lên mùa đông ở Việt Nam, tôi cho không gì nên thơ bằng cái hình ảnh một bếp lửa hàng phở bến ô tô nhiều hành khách quây quanh chờ đợi bát mình, vai rụt xuống một tí, người nhún nhẩy như trẻ em đang thú đời. Tết, nhà ai cũng bánh chưng, cá kho, thịt đông, nhưng vẫn rất đông người tình cờ mừng tuổi nhau ở những hiệu phở khai trương từ mùng hai Tết.

(...)

Nhưng khoa phở đã có những việc nó đòi phá cả những khuôn phép của nó. Theo tôi nghĩ, cái nguyên tắc cơ bản của phở là làm bằng thịt bò. Có thể có nhiều thứ thịt loài bốn chân, loài ở nước, loài bay trên trời, nó ngon hơn thịt bò, nhưng đã phở thì phải là bò. Có phải là vì muốn chống công thức mà người ta đã làm phở vịt, phở xá xíu, phở chuột? Cứ cái đà tìm tòi ấy, thì rồi sẽ có những hàng phở ốc, phở ếch, phở dê, chó, khỉ, ngựa, tôm, cá chép, bồ câu, cắc kè ... nghĩa là loạn, phở nổi loạn. Có nhẽ ngày ấy thiên hạ sẽ gọi là đi ăn một thứ phở Mỹ miếc gì đó...(1)
 
Thạch Lam: Chẳng gì ngon hơn một bát phở ngon

Sao bằng ra đầu phố ăn một bát phở bã của anh hàng phở áo cánh trắng, gilet đen, và tóc rẽ mượt? Nồi nước sôi sùng sục tỏa mùi thơm ra khắp phố. Nếu là gánh phở ngon - cả Hà Nội không đâu làm nhiều - thì nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh, ớt, với hành tây đủ cả. Chả còn gì ngon hơn bát phở như thế nữa. Ăn xong bát thứ nhất, lại muốn ăn luôn bát thứ hai. Và anh hàng phở chả phải gánh nặng đi đâu cả, chỉ việc đỗ một chỗ nhất định, cũng đủ bán một ngày hai gánh như chơi. Và người hàng phố tìm dấu hiệu để gọi tên anh cho dễ nhớ: anh phở Trọc, anh phở Bêrê, anh phở Mũ Dạ, anh phở Cao... và dặn thằng nhỏ chớ mua hàng khác về "ông không ăn mà chết đòn".

Phở là một thứ quà thật đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng ở Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon. Đó là thứ quà suốt ngày của tất cả các hạng người, nhất là công chức và thợ thuyền. Người ta ăn phở sáng, ăn phở trưa, và ăn phở tối. Phở bán gánh có một vị riêng, không giống như phở bán ở hiệu. Các gánh phở có tiếng ở Hà Nội đều được người ta đặt tên và tưởng nhớ: phố Hàng Cót, phố ô Quan Chưởng, phố Cửa Bắc...

Bây giờ nhiều tài năng trẻ trong nghề phở mới nhóm lên và trái lại, những danh vọng cũ trên kia không chắc có còn giữ được "hương vị xứng kỳ danh" nữa. Có người nào thử chịu khó đi khảo nếm lại một lượt xem sao? Một vòng quanh Hà Nội bằng vị phở, chắc có lắm điều mặn, chát, chua, cay đấy... (2)

Vũ Bằng: Vất vả vì ăn phở

(...) Muốn thấu triệt hai phương diện của vấn đề, chúng ta cần phải bỏ mấy tiếng đồng hồ lên trước cửa trường Hàng Than để quan sát một hàng phở nổi danh nhất bấy giờ: phở Tráng - mà có người yêu mến quá mức đã gọi (chẳng biết đùa hay thực?) là “vua phở 1952".

(...)

Ông vua phở ấy tên là Tráng, nhưng người ta vẫn gọi là phở Hàng Than.

Hình thù, vóc dáng của anh ta trông thật nản. Người gầy, môi hơi thưỡi, mắt thì lờ đờ như người chết rồi. Bất cứ lúc nào, nhìn thấy anh, ông cũng cảm giác đó là một người vừa mới thăng đồng, đương sống trong một cái thế giới u minh; thêm vào đó, lại bịt ở trên đầu một cái mùi soa trắng, trông mới lại càng... “thiểu số”.

Người đâu mà lại “lỳ xì” đến thế là cùng! Hàng năm bảy chục người, hàng tám chín chục người đứng vòng lấy gánh hàng của anh ta, chật cả một cái hè đường để mua ăn, để “đòi ăn” - phải, họ đòi ăn thật - mà anh ta cứ làm như thể không trông thấy gì, không nghe thấy gì.

Xếp hng ăn phở
Xếp hàng ăn phở

Anh ta cứ thản nhiên, thái thịt, dốc nước mắm, rưới nước dùng - ai đợi lâu, mặc; ai phát bẳn lên; mặc; mà ai chửi, anh ta cũng mặc.

Đi ôtô đến ăn cũng thế, mặc áo vải đến ăn cũng thế; các bà các cô đẹp đáo để, đến ăn cũng thế. Anh ta không đặc biệt riêng với ai - kể cũng dân chủ đấy! - nhưng có nhiều bà tức vì anh ta không nịnh đầm.

Ghét quá. Thế thì thuê một cái nhà rộng, mượn thêm người làm có phải lợi không? Hay là điều đình với xưởng củi người ta để cho một gian, bày mấy cái bàn, cái ghế, có người trông nom, tính tiền cẩn thận có phải không mất mát không?

Mặc cho ông cứ nói, anh phở Tráng không trả lời - nhất là không bao giờ cười.

Trông mà lộn ruột, muốn tát cho một cái. Chết một nỗi ghét người thì thế, nhưng đến cái phở của anh ta muốn ghét, không tài nào ghét được.

Có ai chen chúc vất vả, hò hét đứt hơi được một bát phở của anh, mà lại chưa ăn ngay, còn dừng lại một phút để ngắm nghía, phân tách bát phở đó ra thế nào không?

Thật là kỳ lạ! Bánh phở không trắng và dẻo hơn, thịt thì cũng chẳng nhiều, nhưng mà làm sao ngon lạ, ngon lùng đến thế? Chưa ăn đã biết là ngon rồi.

Cứ nhìn bát phở không thôi, cũng thú. Một nhúm bánh phở; một ít hành hoa thái nhỏ, điểm mấy ngọn rau thơm xanh biêng biếc; mấy nhát gừng màu vàng thái mướt như tơ; mấy miếng ớt mỏng vừa đỏ màu hoa hiên vừa đỏ sẫm như hoa lựu... ba bốn thứ màu sắc đó cho ta cái cảm giác được ngắm một bức họa lập thể của một họa sĩ trong phái văn nghệ tiền tiến dùng màu sắc hơi lố lỉnh, hơi bạo quá, nhưng mà đẹp mắt.

Trên tất cả mấy thứ đó, người bán hàng bây giờ mới thái thịt bò từng miếng bày lên.

Đến đây thì Tráng vẫn không nói năng gì, nhưng tỏ ra biết chiều ý khách hàng một cách đáng yêu.

Ông muốn xơi chỗ thịt nào cũng có: vè, sụn nạm, mỡ gầu, mỡ lật, vừa mỡ vừa nạc, vừa nạm vừa sụn, thứ gì anh ta cũng chọn cho kỳ được vừa ý ông - miễn là ông đến xơi phở đừng muộn quá.

Ăn phở chín thì như thế là xong, chỉ còn phải lấy nước dùng và rắc một chút hạt tiêu, hay vắt mấy giọt chanh (nếu không là tí dấm)(3).

Băng Sơn: Sự tiến bộ của phở

"Nghĩ thương cho phở một thời: không người lái. Gia vị hoàn toàn là thứ xa xỉ. Nước dùng chỉ là một chút xương lợn, có khi còn là nước luộc su hào và muốn ngọt hơn, người ta cho cả đường; như nước chan hủ tiếu. Thịt, may mà có thì toàn thái dọc thớ, canh ớt không có, giấm, nước mắm để vào những cái “vịt” giống nhau, nhiều người nhầm muốn chua thành mặn, muốn đậm mà chua gắt. Thanh Tịnh, sinh thời, ông đã có một bài viết vui và ngắn về cái “vịt”này và nhà độc tấu tài ba ấy đã đề nghị hóm hỉnh nên thửa riêng loại “vịt”sứ có khắc chữ vào... Vui thế đấy...

Một đôi khi người ta còn làm cả phở thịt ngựa, nên có người nói  đùa để tả cái mùi hôi hôi ấy rằng: “Ăn một miếng thịt vịt biết ngay là phở ngựa”, nghĩa là vịt đã hôi, nước dùng phở thì chỉ có một nồi chung cho tất cả các loại phở, nên cái hôi tăng lên gấp đôi vậy.

Lâu nay, cảnh hàng phở tưng bừng đã trở lại. Nhưng từ cực này nó lại nhảy sang cực khác. Chỗ nào cũng có phở. Phở hiệu, phở bàn, phở quang gánh, phở chõng... bán phở chút ít buổi sáng hay đêm khuya, là cả nhà có thể cải thiện được rồi nên nhiều người chả cần biết kỹ thuật, biết nghề, cũng thành người bán phở.

Cũng là một lẽ khách ăn ngày nay hình như dễ tính có khi người ta cần ăn cho no, ăn lấy chất thịt, chứ không phải ăn cho ngon cho thích. Không lạ là có khách ăn phở lại yêu cầu chặt một bát tú hụ thịt gà, ăn xong, bỏ toàn bộ nước phở lại. Hoặc có cậu đập mấy quả trứng vào, đánh tan ra, nước phở vừa đục, trắng như nước vo gạo, vừa tanh, nhưng húp lấy húp để. Và một điều nên vui hay buồn là phần đông đã ăn phở với lạp chí chương, tức tương ót, bát phở đỏ lòm, mà nếu còn, chắc Thạch Lam, Nguyễn Tuân phải kêu trời, âu cũng là sự tiến bộ của phở chăng?

Nhiều hàng còn có món gọi là phở “mọc”, chỉ đơn thuần là giò sống được thả vào nồi nước dùng. Dăm ba viên, ngọt không ra ngọt giòn không ra giòn... Thôi thì xin tùy cái túi tiền vậy chứ không phải tùy cái lưỡi.

Cái đuôi bò trong thùng nước dùng, để khách tìm cá món “bốc mả”về khuya ấy, đã thật hiếm hoi. Ít găp món xương đổ ra, khói bốc nghi ngút, tay bới xương, mòm hút xuyn xuýt, tợp ngụm rượu... thật béo, bùi, ngậy, thơm, ngọt, rồi cay chua mặn chát đủ mùi. Không có đuôi bò, nên hèn chi bát phở đưa khách, phải đổ mấy thìa mì chính cánh, loại ngoại vào mà vẫn cứ đuểnh đoảng thế nào.

Chủ nhật, có gia đình tổ chức ăn tươi ở nhà bằng món phở. Dù bà nội tướng có là người cầm quân bếp núc tài ba đến đâu, bát phở ở nhà cũng không ngon bằng ăn ở hiệu, ở hàng? Tại sao? Tại được ăn không khí hàng quán, thiếu câu chuyện đầu ghế, thiếu cái mùi đặc trưng mà chỉ có ở quán mới có? Kể cả cái ống đũa hơi nhờn nhờn, chưa khô hẳn?

Phở cũng đã có lịch sử của mình. Cũng có phá cách, biến dị, thêm bớt gia giảm, lúc lên lúc xuống. Ngay phở trinh nguyên với đúng cái tên của nó. Có ăn bát phở nguội, thịt thái dọc thớ, thiếu gia vị, hành mùi, chanh ớt, hạt tiêu... ăn xong chua miệng mãi... quả là khó chịu bực mình, mất đi cả một buổi sáng tốt lành hay một đêm khuya hứa hẹn.

Phải chăng vì vậy mà phở vẫn là một món hoàn toàn đặc biệt, và Hà Nội vẫn là nơi có khuôn mặt thật của món phở kỳ diệu, một món quí tộc một cách bình dân như thế(4).

Chú thích:

1.Theo Tùy bút Nguyễn Tuân 1957, Nguyễn Tuân
2. Theo Hà Nội băm sáu phố phường, Thạch Lam
3. Theo Miếng ngon Hà Nội, Vũ Bằng
4. Theo Thú ăn chơi người Hà Nội, Băng Sơn

13 comments:

  1. Ngày mai nấu phở! Đọc xong thấy thèm ăn phở quá.

    ReplyDelete

  2. Không riêng gì người Hà Nội mà cả toàn dân Việt ai cũng yêu món phở. Món phở không chỉ của riêng người Hà Nội mà là của người Việt Nam. Bây giờ nó lại là món ăn được thế giới công nhận thật xứng đáng chị nhỉ.

    ReplyDelete
  3. Nhớ phở ở bến xe buýt phố Lò Đúc ở Hà Nội, cái bát thật to, ăn nóng, muốn nhanh thì phải tự phục vụ.

    ReplyDelete
  4. Hi hi..quê miềng thì thích ăn cháo bột hè!

    ReplyDelete
  5. Vô Sài Gòn ăn một tô phở Hòa thấy ngất ngư Zip nhỉ?

    ReplyDelete

  6. Ở khu phố của em bán một tô phở chỉ có 17 ngàn mà ăn đã lắm. Có tiệm bán 15 ngàn một tô dành cho dân bình dân. Còn ở chợ thì 25 ngàn một tô... Hồi đó tới giờ em chưa biết phở 24 ra làm sao, cũng không biết phở Hòa ở chỗ nào.

    ReplyDelete
  7. moi lan an pho em cung toan nham voi xa em la : mon nay theo em phai noi tieng the gioi neu duoc gioi thieu rong rai... hihi .Thiet khong ngo em dung qua chi hen :)

    ReplyDelete
  8. Phở Hòa 1 tô 50 chục, giờ chắc hơn, ở đường Pasteur đó.

    ReplyDelete
  9. Em thi chiu thua. Vi moi mieng an ma...

    ReplyDelete
  10. Người VN có truyền thống lễ Vu Lan . Em từ nhỏ ở phố núi, chẳng biết Vu Lan là gì, nhưng nhắc tới Mẹ thì nhớ. Viết bài mà không biết đăng chỗ nào bên Blog của chị. Chị kiếm chỗ treo lên nhé !
    VU LAN NHỚ MẸ

    Bao mùa lá rụng mẹ hiền đi
    Bỏ lại con đây chửa trọn nghì
    Một chữ ân thâm trời đất luyến
    Muôn đời nghĩa trọng đá vàng ghi
    Cầu cho hữu hạnh rày siêu thoát
    Nguyện có linh thiêng sớm độ trì
    Gió lạnh bên thềm xao xác quá
    Nghe lòng nhói quặn lệ trào mi.

    VMT 14/08/2011

    ReplyDelete
  11. Cám ơn em , để chỉ đưa vào 1 entry mới.

    ReplyDelete

LÊN ĐẦU TRANG