Monday, January 14, 2013

Trung Quốc quá trắng trợn!

Trung Quốc quá trắng trợn!

Thứ Hai, 14/01/2013 12:31

TS Trần Công Trục, nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ, đánh giá như vậy về việc Trung Quốc chuẩn bị xuất bản bản đồ mới nêu tên 130 đảo ở biển Đông, trong đó có nhiều đảo thuộc chủ quyền Việt Nam

* Phóng viên: Ông nhìn nhận như thế nào về việc truyền thông Trung Quốc công bố nước này sẽ xuất bản bản đồ mới nêu tên 130 hòn đảo, trong đó có nhiều đảo thuộc chủ quyền Việt Nam?

- TS Trần Công Trục: Trước hết, phải khẳng định việc Trung Quốc sắp xuất bản bản đồ mới nêu tên 130 hòn đảo là quá trắng trợn. Nhiều học giả gọi đây là chiến tranh bản đồ, dùng bản đồ với mưu đồ chứng tỏ họ có bản quyền với những vùng đất, vùng biển nào đó. Hành động này nằm trong tham vọng “đường lưỡi bò” nhằm biến biển Đông thành ao nhà của Trung Quốc. Cụ thể là họ đã sử dụng những tên mà các triều đại trước đã dùng để đặt cho các đảo như Cam Tuyền, Vĩnh Lạc, Thái Bình… nhằm để người dân Trung Quốc và thế giới nhầm tưởng trong lịch sử, nhà nước Trung Quốc đã quản lý những đảo này.
Việc một nhà nước độc lập, có chủ quyền lập ra và chỉnh sửa các bản đồ là chuyện bình thường. Thế nhưng, hàng loạt hành động có ý đồ bành trướng trên biển Đông của Trung Quốc thì rõ ràng không bình thường, nhất là lại vẽ bản đồ trên đảo của nước khác mà họ dùng vũ lực để chiếm. Đây là âm mưu của Trung Quốc nhằm hợp thức hóa sự xâm chiếm bất hợp pháp bằng thủ tục hành chính dân sự.
Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tiếp áp dụng các biện pháp hành chính, dân sự như tăng cường thêm lực lượng hải giám, ra quy chế an ninh biên phòng bên bờ Hải Nam, hô hào tàu cá tiến vào biển Đông thuộc chủ quyền nước khác, đầu tư cái gọi là TP Tam Sa... và đặc biệt mới đây là hộ chiếu in hình lưỡi bò. Mục đích của tất cả những hành động trên nhằm hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò” trái với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và đánh lừa người dân Trung Quốc cũng như thế giới.

Các “công dân nhí” xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa - Khánh Hòa
vui chơi dưới cột mốc chủ quyền thuộc Việt Nam. Ảnh: PHAN ANH
* Bản đồ này có giá trị pháp lý không, thưa ông?
- Đúng là bản đồ thì không có giá trị pháp lý vì chủ quyền không căn cứ trên bản đồ đối với các quần đảo, hòn đảo đã có chủ quyền mà chỉ có giá trị khi ra đời một cách chính thức đối với những vùng lãnh thổ vô chủ. Còn 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì đã thuộc chủ quyền Việt Nam từ thế kỷ XVII. Tuy nhiên, nếu chúng ta và những nước bị ảnh hưởng không lưu ý “bài vở” mà Trung Quốc sắp xếp hết sức thâm hiểm thì rất nguy. Vì từ những chiêu trò này, Trung Quốc sẽ kích động người dân của mình hiểu nhầm về chủ quyền không có thực đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
* Trước hành động của Trung Quốc, Việt Nam và những nước bị ảnh hưởng cần có hành động gì?
- Người dân và cơ quan Nhà nước Việt Nam cũng như các nước phải hết sức chú ý khi sử dụng các tài liệu mà Trung Quốc lồng ghép sự xâm chiếm như bản đồ, hộ chiếu để không mắc bẫy “công nhận” sự phi lý, vô căn cứ mà nước này giăng ra. Về phía Nhà nước Việt Nam, cần có sự phản đối mạnh mẽ đối với nhà nước Trung Quốc và gửi văn bản đến các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền để cộng đồng thế giới và chính người dân Trung Quốc hiểu rõ yêu sách, tham vọng phi lý này. Với tham vọng của mình, chắc chắn Trung Quốc sẽ không dừng lại mà còn nhiều hành động khác từ pháp lý, dư luận, quốc tế, kinh tế, dân sự... để đạt được mục tiêu “đường lưỡi bò” và điều này là hết sức nguy hiểm.
Thâm hiểm
Theo ông Dương Danh Dy, nguyên tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu - Trung Quốc, thế giới đều biết rõ từ khi thành lập nước CHND Trung Hoa (năm 1946), Trung Quốc không hề có chỗ đứng nào trên biển Đông. Đến tháng 6-1956, Trung Quốc chiếm một nửa quần đảo Hoàng Sa từ Pháp, khi đó chưa kịp bàn giao cho chính quyền Sài Gòn. Tháng 1-1974, Trung Quốc chiếm nốt nửa còn lại của quần đảo Hoàng Sa từ chính quyền Sài Gòn. Tháng 3-1988, Trung Quốc tiếp tục chiếm 6, 7 đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Từ chỗ không có gì, Trung Quốc đã ngang ngược lấn chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nay lại âm mưu gom hết các đảo trên biển Đông. “So với việc in đường lưỡi bò trên hộ chiếu, hành động trên là hết sức thâm hiểm bởi hộ chiếu có đường lưỡi bò chỉ in loại phổ thông dành cho người dân bình thường, còn bản đồ là tài liệu quốc gia nên có giá trị trên toàn thế giới” - ông Dy nhận định.
THẾ DŨNG thực hiện
Người Lao động

No comments:

Post a Comment

LÊN ĐẦU TRANG