Friday, July 6, 2012

Vị giáo sư già với giấc mơ nano: Khiến người Nhật phải khóc

Vị giáo sư già với giấc mơ nano:
Khiến người Nhật phải khóc
DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG   -Thứ Sáu, 06/07/2012, 15:0 (GMT+7)
Tiểu sử GS Đinh Xuân Bá được viết trong hàng loạt các ấn phẩm chuyên về doanh nhân nổi tiếng của Mỹ, Anh, Ấn Độ, trong đó thế giới đã tôn vinh ông như một nhà doanh nghiệp tiên phong trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam.
Nano ứng dụng trong trồng trọt
1. Tính tiên phong thể hiện khi Cty Secoin nay là hệ thống Secoin với 6 nhà máy, 10 Cty con và 850 ha đất được thành lập từ năm 1989 khi Việt Nam chưa có Luật Công ty. Khi đất nước chưa có đường truyền Internet, Secoin đã có trang web riêng. Khi nhiều công sở còn dùng máy fax, Secoin đã ký hợp đồng qua mạng.
Khi nhà nhà vẫn được xây bằng gạch thủ công ông đã là cha đẻ của vật liệu không nung. Gạch không nung hiểu đơn giản chính là gạch ba banh ngày xưa vẫn làm nhưng nó khác cơ bản ở chỗ, sử dụng phần mềm đặc dụng để điều khiển toàn bộ quá trình sản xuất, kể cả khâu phối liệu. Nếu không có sự tham gia của trí tuệ, của tin học thì nó vẫn chỉ là gạch ba banh mà thôi.
Nhà máy gạch không nung đầu tiên đi vào hoạt động, thứ trưởng Bộ Xây dựng khi đó là ông Trần Văn Huynh xuống thăm, mang một cốp xe gạch về thử nghiệm rồi chỉ thốt lên mỗi từ: “Hay quá”. Hay thì có hay thật nhưng nhà máy hoạt động được 2 tháng, chẳng có khách nào tìm mua, ông lo đến thắt ruột. Đùng cái, bảy công trình lớn ở Hà Nội trong đó có khách sạn 5 sao thuộc diện đầu tiên Hozrison, chủ thầu nước ngoài yêu cầu bên xây dựng chỉ dùng gạch không nung. Đúng là “chết đuối vớ được cọc”.
Khi ấy cả Việt Nam chỉ có 2 nhà máy sản xuất loại gạch này, một của ông đang ế ẩm, một của Nhật cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Nghe tin lành, hai đơn vị đều mang sản phẩm đến chào hàng và được đánh giá là có chất lượng tốt. Để đến quyết định cuối cùng chọn ai, chủ thầu liền đi thực tế tại các nhà máy. Đến thăm nhà máy của ông, họ quyết định chọn còn nhà máy của Nhật thì không. Duy nhất có một lý do khâu phối liệu nhà máy ông tự động hoàn toàn, còn nhà máy của Nhật công nhân vẫn phải phối liệu bằng tay, như vậy thì không tin được về độ đồng đều của sản phẩm.
Nhà máy của Nhật bị phá sản sau cuộc cạnh tranh trên, lúc bán nhà máy, người khác trả cao không bán, họ lặng lẽ đến gặp ông bảo: "Tôi chỉ bán cho ông vì ông là người trong nghề. Ông đã thắng được cú này nên sẽ cần mở rộng công suất”. Mấy năm sau, ông chủ người Nhật đến thăm lại nhà máy, lặng ngắm mồi hồi lâu rồi rút khăn mùi xoa mà sụt sùi khóc: “Quyết định của tôi cách đây mấy năm khi bán nhà máy cho ông là hoàn toàn đúng. Ông đã phát triển gấp năm, gấp mười lần cái chúng tôi có trước đây. Hôm nay tôi khóc vì sướng quá, phấn khởi quá chứ không phải tiếc của đâu”.
Thán phục trước cốt cách sĩ phu Bắc Hà, vị doanh nhân xứ Phù Tang đó về sau còn làm nhà phân phối các sản phẩm của ông ở Nhật. Năm 2010, ông chính thức giao hệ thống Secoin cho các con, những tưởng hồi hưu vui thú điền viên thì lại bị công nghệ nano mê hoặc. “Tôi đang hướng dẫn các nhà máy Secoin triển khai các thử nghiệm nano-silica, nano nhũ tương, nano tiones… và đã thu được nhiều kết quả khích lệ. Vật liệu không nung là cái mới ở Việt Nam nhưng rồi cũng sẽ đến lúc suy tàn nên tôi nghĩ sẽ đến lúc phải làm nông nghiệp, chính nông nghiệp đã cưu mang chúng ta những lúc nước sôi lửa bỏng, nông nghiệp đã và sẽ là chỗ dựa của chúng ta để tiến lên, nông nghiệp chính là lợi thế cạnh tranh của chúng ta nhưng phải biết ứng dụng công nghệ cao, trong đó có công nghệ nano, công nghệ sinh học”.
2. Xưa mẹ ông có vài mẫu ruộng, hồi cải cách ruộng đất đã khốn khổ bởi bị đấu lên đấu xuống nay ông có tới 850 ha đất, tha hồ thỏa sức với những thí nghiệm nano và sinh học trong nông nghiệp. Tôi theo ông ra vườn, nơi chứa một dãy chum. Mỗi cái chum có treo lủng lẳng cục nano ngâm dầm trong nước. Cũng là nước ở giếng bình thường thôi nhưng cho cục nano vào nó thành nước hoạt thủy, cứ tưới hết lại cho đầy vào mà tưới tiếp. Lại có loại nano không lủng lẳng thành cục, thành tấm mà có màu vàng nâu nhạt, thả vào nước quan sát gần giống với cát vàng, tan từ từ có tên là nano spray.
Nước nano spray ấy được nhóm nghiên cứu của Secoin phun cho su hào, cải bắp, măng tây... có sự khác biệt rõ rệt với phun bằng nước thường. Như măng tây, cùng lứa, cùng trên một chất đất, luống tưới bằng nano có những ngày tăng tới 16-17cm, trong khi luống tưới bằng nước thường chỉ tăng 12-13cm. Su hào, bắp cải lá xanh hơn rõ rệt so với đối chứng và đồng đều hơn. Methy-một loại thảo dược phun cho nửa luống, nửa luống làm đối chứng ở công thức phun nano spray phát triển mạnh hơn, ở công thức đối chứng bị rệp chích ngọn cây nhưng bên phun nano hoàn toàn chưa bị nhiễm rệp hại. Khi cây bị bệnh thối rễ, phun nano bạc khỏi ngay, bị nấm phun thứ này cũng hiệu quả không kém.
+ "Tôi luôn luôn có 2 niềm vui, sáng tạo và làm ra tiền. Hai niềm vui đó quyện với nhau làm một. Hồi dạy đại học, làm chủ nhiệm khoa chỉ có niềm vui sáng tạo, còn mấy người buôn bán vặt ở chợ trời chỉ có niềm vui làm ra tiền. Khi tôi lập Cty, hai niềm vui đó hòa với nhau", GS Đinh Xuân Bá.
+ Ăn theo phong trào, nhiều nhà máy, doanh nghiệp Việt Nam quảng cáo rầm trời sản phẩm mình là ứng dụng công nghệ nano nhưng lại chẳng hiểu nano là gì. Ông cố gắng tránh để lẫn vào đám đó.
Nước nano còn được thử nghiệm cho ngan, ngỗng uống, mùi hôi trong chuồng giảm đi đã đành mà có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. Ngỗng là loại ít đẻ, ngày thứ ba cho uống nước nano đã đẻ mà đẻ quả rất to, trước trứng nặng 140 gram, sau xử lý nặng 160-170 gram. Ở Bến Tre ông thử nghiệm nano bạc trong nuôi tôm, kết quả khá tốt. Đặc biệt, thử nghiệm ở Cty Cổ phần Ngọc trai Việt Nam với sản phẩm nano aqua nhập về từ Ấn Độ sau 3 giờ đã thấy bùng nổ tảo cát (vi tảo). Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Cty Cổ phần Ngọc trai Việt Nam, nhận xét: “Theo quy trình cũ, từ lúc gây đến đỉnh điểm của tảo phải mất 15 ngày thì với chế phẩm nano mất chỉ 7 ngày. Con trai giống kích cỡ rất nhỏ, nhỏ li ti nên phải có vi tảo để ăn. Không chỉ tạo thức ăn cho trai, tảo cát trong nước còn là nguồn ô xi tốt cho môi trường sinh vật phát triển”…
3. Thử nghiệm trên thực vật, động vật đã đành, ông còn thử cả nước nano trên chính bản thân mình. Kéo tôi lên tầng hai của căn biệt thự, nơi có một cái chum nhỏ. Vẫn là nước giếng hút từ dưới đất lên, qua lọc, chảy vào chum, xử lý tấm nano rồi đun để uống. Nước nano để được 72 giờ, không bị nhiệt độ sôi ảnh hưởng đến cấu trúc. Mấy tháng nay ông toàn uống thứ nước này, để trị phì đại tuyến tiền liệt.
Cục nano ngâm trong nước
Giờ đi tiểu dễ dàng hơn, ăn tốt hơn, ngủ tốt hơn, lên mấy cân nhưng tâm thế của nhà khoa học khi ông chưa nghiên cứu chắc chắn một điều gì thì cũng không dám quyết sự thuyên giảm bệnh tật ấy có phải do uống nước hoạt thủy. 
Tôi nhấp một ngụm trà pha bằng nước nano, vị không có gì khác trà thường và nghe ông miên man tâm sự về chuyện thành lập Viện Nghiên cứu nano. Khoản tiền vài chục tỉ chẳng đáng bận tâm lắm nhưng ông vẫn bộn bề lo. Lo thủ tục thành lập, lo tìm viện trưởng, lo công nghệ nano đang là một cuộc cách mạng thay đổi thế giới nhanh một cách kinh khủng, phát triển cái gì, mua cái gì dùng lâu mà đỡ lạc hậu. “Nghĩ về công nghệ nano, trước tiên hãy là thầy bói xem voi, người bảo con voi là cái cột, người bảo là cái quạt đã chứ đừng có tham vọng nhìn được toàn cục sẽ rất dễ nhìn sai. Khi trình độ mình có hạn mà tham vọng có thừa khéo nhìn thành con ma chưa biết chừng”

4 comments:

  1. Thật ngạc nhiên khi có quá ít thông tin về những việc rất có ích như thế nầy (nano). Nếu đúng như bài viết thì công trình nầy rất có lợi cho sức khỏe người dân, nhất là nó rẻ.

    ReplyDelete
  2. Bài viết này không đi sâu vào kỹ thuật nano, dùng từ " cục nano" đó là cách nói nôm na đơn giản hóa:))

    ReplyDelete
  3. Công nghệ nano , công nghệ sinh học là những ngành khoa học hiện đại & mới mẽ, đang được tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng trong thời gian gần đây ở VN

    ReplyDelete

LÊN ĐẦU TRANG