Sunday, June 24, 2012

Việt Nam : chiến tranh không hồi kết của chất độc da cam

Việt Nam : chiến tranh không hồi kết của chất độc da cam


Thanh Hà
Nhà báo Dominique Bari trên tờ L'Humanité nhắc lại bối cảnh lịch sử của chiến tranh Việt Nam : ngày 30/11/1961, Hoa Kỳ khởi động chiến dịch Ranch Hand, phun chất khai quang xuống Việt Nam. Trong thời gian 10 năm, 72 triệu lít thuốc diệt cỏ, trong đó có 42 triệu lít chất độc da cam dội, xuống miền Nam Việt Nam. Việt Nam trở thành điểm thí nghiệm chiến tranh hóa học chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại với những hậu quả khôn lường.

Ba thập niên sau, một nhân chứng kể lại với nhà báo Pháp bà từng tận mắt trông thấy máy bay của quân đội Mỹ rải một chất màu trắng xuống vùng quê bà. Mùi của chất hóa học luôn ám ảnh bà từ đó. Không khí, nước và vị của rau quả, lương thực đổi hẳn. Con trai bà, sinh năm 1969, cũng như những đứa bé chào đời trong ba thế hệ liên tiếp, đã phải gánh hậu quả. Chúng bị tàn tật chỉ vì sinh ra sau ngày « Tận thế -Apocalypse ».
Khi cuộc chiến tranh chấm dứt, tỷ lệ trẻ sơ sinh dị tật, dị dạng tăng vọt. Các công trình nghiên cứu cho thấy những người phụ nữ từng bị nhiễm dioxine sinh ra những đứa trẻ tật nguyền. Chất độc ngấm từ người mẹ qua thai nhi hoặc truyền sang trẻ sơ sinh bằng dòng sữa.
Giáo sư Lê Cao Đài, một chuyên gia về dị tật bẩm sinh và cũng là người đứng đầu Quỹ hỗ trợ các nạn nhân dioxine, cho L'Humanité biết : chỉ riêng trong 5 năm gần đây, tỷ lệ trẻ song sinh dính liền vào với nhau ở Việt Nam đã cao gấp 60 lần mức bình thường. Các cuộc thử nghiệm cho thấy với thời gian, nồng độ nhiễm dioxine đã giảm, nhưng tỷ lệ nhiễm độc còn rất cao ở những vùng từng bị rải chất khai quang trong thập niên 1960-1970.
Tác giả bài báo không quên nhắc lại, sau 20 năm ém nhẹm những báo cáo y tế về tác hại của chất độc da cam, vào năm 1991 Hạ viện Mỹ đã thông qua đạo luật gọi là Orange Act, mở đường cho việc thành lập một ủy ban nghiên cứu về chất độc hại dioxine và ủy ban này đã công nhận rằng, « dioxine làm hủy hoại hormone, tác động tai hại về sinh sản, về sự phát triển của bộ não và hệ miễn dịch »
Để kết thúc bài báo, L'Humanité đưa ra nhận định : chiến tranh Việt Nam đã kết thúc, nhưng quốc gia này vẫn phải trường kỳ chiến đấu với chất độc dioxine. Nay đến thế hệ thứ ba kể từ chiến dịch Ranch Hand vẫn còn phải đối đầu với bệnh tật. Trớ trêu thay, tập đoàn hóa học Dow Chemical của Mỹ sẽ là một trong những nhà tài trợ quan trọng của Thế vận hội Luân Đôn 2012. Dow Chemical đưa ra khẩu hiệu Luân Đôn sẽ là thế vận hội xanh nhất, sạch nhất lịch sử thể thao. Trước kia, Dow Chemical đã cùng với Monsanto là những nguồn cung cấp chất napalm và hóa chất khai quang để quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam.
RFI

2 comments:

  1. Nhà tài trợ Dow Chemical cũng thường hay tài trợ trong các cuộc thi Olympic Hóa học của SV Việt Nam.

    ReplyDelete

LÊN ĐẦU TRANG