Friday, June 15, 2012

Ăn cắp học thuật và sự khả kính của học giả

Ăn cắp học thuật và sự khả kính của học giả
15/06/2012 11:26:24 
(SVVN) Một tạp chí khoa học hàng đầu thế giới vừa phanh phui một vụ đạo văn của nhóm tác giả Việt Nam, trong đó có tên của những giáo sư đang công tác tại các cơ sở nghiên cứu trong nước. Sinh Viên Việt Nam có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales (Úc).

Từ đạo văn...
Thưa, ông nghĩ thế nào khi một tạp chí quốc tế vừa tố cáo trường hợp đạo văn của ông Lê Đức Thông?
Tôi thấy đây là một vụ việc nghiêm trọng và đáng tiếc. Sự việc 7 bài báo đã được công bố và đều bị rút xuống do đạo văn là một vi phạm đạo đức khoa học nghiêm trọng. Đáng tiếc là vì sự việc và những lùm xùm xung quanh sự việc ảnh hưởng rất tiêu cực đến sự nghiệp của anh Lê Đức Thông và nhóm tác giả. Xin nói thêm rằng, các tạp chí không tố cáo; họ chứng minh rằng, nhóm tác giả đã đạo văn. Trong một bài bình duyệt (peer review) mà tôi đọc được, một chuyên gia bình duyệt chỉ ra nhiều đoạn trong phần dẫn nhập và bàn luận trong bài báo được lấy từ nhiều bài báo khác mà nhóm tác giả không ghi nguồn. Sau này, người ta còn phát hiện những bài khác của nhóm tác giả cũng có đạo văn. Do đó, các tập san rút lại những bài báo đó là quyết định hoàn toàn chính xác. 

Ông có thể nói rõ hơn, hành động như thế nào thì bị coi là "đạo văn"?
Đạo văn được định nghĩa là sử dụng ý tưởng hay câu văn của người khác mà không ghi rõ nguồn gốc. Ở đây, "ý tưởng và từ ngữ của người khác" có nghĩa là: Sử dụng công trình hay tác phẩm của người khác, lấy ý tưởng của người khác, sao chép nguyên bản từ ngữ của người khác mà không ghi nguồn, sử dụng cấu trúc và cách lý giải của người khác mà không ghi nhận họ và lấy những thông tin chuyên ngành mà không đề rõ nguồn gốc.
Chiếu theo định nghĩa chuẩn trên, có rất nhiều hình thức đạo văn. Những hình thức chính là: Lấy ý tưởng hay nhiều câu chữ của người khác mà không ghi nguồn; lấy ý tưởng của người khác nhưng viết lại câu văn mà không ghi nguồn; nhờ người khác viết dùm và lấy đó làm tác phẩm của mình; mua luận văn/luận án từ chợ luận văn/luận án trên Internet; mượn bài làm của đồng môn làm bài làm của mình... Tất cả những hình thức này đều xem là đạo văn. Dĩ nhiên, những gì thuộc về kiến thức phổ quát thì không cần trích dẫn nguồn và không bị xem là đạo văn.
Về mặt văn hóa, các cách nhìn nhận về đạo văn có khác nhau không?
Ở những nước có nền khoa học và học thuật đã đi vào nề nếp, học sinh tiểu học và trung học đã được dạy rằng, đạo văn là một hành vi không chấp nhận được, giống như ăn trộm - ăn trộm tri thức. Học sinh có ý thức tự giác rất cao về chuyện đạo văn. Chẳng hạn như trong gia đình, tôi không thể nào làm bài tập cho con tôi vì cháu dứt khoát không chịu, cháu nói: "Cô giáo nói như vậy là đạo văn, là xấu!". Do đó, khi lên đại học, sinh viên đã quen với "văn hoá tự lập" và họ ít đạo văn. Xin nói là "ít" chứ không phải là "không có" đạo văn. Trong thực tế, đạo văn vẫn thường hay xảy ra ở cấp đại học.
Ở Việt Nam, chúng ta có truyền thống học thuộc lòng và trả bài theo những bài văn thầy cô ra đề. Học sinh nào đọc y chang những gì trong sách giáo khoa thì được điểm cao. Đó chính là một hình thức… đạo văn. Tôi không nói thói quen đó là nguyên nhân làm cho học sinh Việt Nam đạo văn nhưng thói quen đó tiềm ẩn nguy cơ đạo văn ở học sinh Việt Nam. Quan trọng hơn, thói quen đó làm cho học sinh và sinh viên có khi không phân biệt hay thậm chí nhận thức được ranh giới giữa đạo văn và trích dẫn. Từ đó, dẫn đến sự khác nhau về hình thức đạo văn. Sinh viên phương Tây thường đạo văn qua việc lấy ý tưởng hoặc viết lại câu văn của người khác (mà không ghi nguồn). Còn sinh viên Á châu thì lấy nguyên câu văn của người khác mà không ghi nguồn. Đó là khác biệt căn bản mà tôi thấy được.
Ông thấy những kiểu lỗi thường gặp là gì?
Đúng là tôi có hướng dẫn cho vài (chứ không phải "nhiều") nghiên cứu sinh gốc Á châu. Trong các nghiên cứu sinh tôi hướng dẫn, chưa thấy ai đạo văn cả, vì họ được cảnh báo và hướng dẫn ngay từ ngày đầu vào học.  Tôi cũng duyệt bài cho các tập san khoa học, luận án, đề cương nghiên cứu... hằng tuần. Thỉnh thoảng, tôi cũng gặp trường hợp đạo văn. Chẳng hạn như 2 tháng trước đây, tập san chúng tôi đã chấp nhận một bài báo từ nhóm tác giả Trung Quốc và đã công bố trên mạng. Sau đó 1 ngày, chúng tôi nhận được e-mail của một người từ Trung Quốc chỉ ra rằng, bài báo đó lấy gần 80% văn của một bài báo khác. Chúng tôi đã rút bài báo xuống trong vòng 1 giờ đồng hồ.
Trong vài năm gần đây, tôi cũng có dịp duyệt bài cho các đồng nghiệp trong nước và phát hiện khá nhiều trường hợp đạo văn. Có 3 trường hợp mà đương sự lấy từ những bài báo trên mạng. Có trường hợp hy hữu là một em nghiên cứu sinh gửi đề cương cho tôi góp ý mà trong đó em lấy gần 3 trang từ sách của tôi! Đạo văn ở sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam thường rất "thô", tức là họ lấy nguyên câu văn của người ta. Điều này tôi nghiệm ra là vì họ kém tiếng Anh, nên không có khả năng viết lại và diễn giải lại ý tưởng của người ta. Có em còn nói rằng, đọc xong câu văn thấy hay quá nên không biết viết lại như thế nào cho tốt hơn! Nói chung là đạo văn một phần có lẽ xuất phát từ vấn đề ngoại ngữ.
Nhưng yếu tố sắc tộc cũng có thể ảnh hưởng đến xu hướng đạo văn. Có người cho rằng, sinh viên châu Á nói chung có xu hướng đạo văn hơn là sinh viên phương Tây. Nhưng theo tôi biết, không có bằng chứng nào cho giả thuyết đó cả. Một nghiên cứu mới công bố trên tập san Management Learning (năm 2011) cho thấy, sinh viên châu Á và Mỹ có xu hướng đạo văn như nhau và do đó, giả thuyết sắc tộc có thể không đúng. 
Theo ông, giới học thuật Việt Nam có bị ảnh hưởng từ những vụ đạo văn "rùm beng" này không, thưa ông?
Đạo văn có thể xảy ra bất cứ ở đâu và trong môi trường học thuật nào.  Thật ra, có nghiên cứu cho thấy khoảng 20% trong các bài báo đã công bố trên các tập san khoa học có dấu hiệu đạo văn. Do đó, tôi nghĩ, những vụ đạo văn mà báo chí làm ồn ào trong thời gian gần đây không có ảnh hưởng gì lớn đến học thuật Việt Nam. Nhưng không loại trừ trường hợp các đồng nghiệp nước ngoài nhìn đồng nghiệp Việt Nam với ánh mắt nghi ngờ. Vài năm trước, khi vụ GS Hwang Woo-Suk (ngụy tạo dữ liệu) xảy ra đã khiến cho giới khoa học Hàn Quốc mỗi lần nộp bài báo khoa học cho các tập san, đã phải nộp cả số liệu gốc như là một cách để nói rằng: "Chúng tôi trong sạch!".
… Đến đạo làm khoa học
Tuan20copy.jpg
Ông có nghĩ là nạn đạo văn ở Việt Nam đang diễn ra trầm trọng?
Tôi nghĩ vậy. Có thể những luận án đó cũng không xứng đáng với văn bằng được cấp. Vấn đề ở Việt Nam là người ta thích đưa vào công thức. Ngay cả luận án tiến sĩ mà người ta cũng đưa vào những quy định cụ thể về cách viết tựa đề, số chương, số trang... Những quy định có thể nói là rất lạ lùng như thế chẳng những bóp chết tính sáng tạo của nghiên cứu sinh, mà còn có thể dẫn đến tình trạng đạo văn vì nó làm cho nhiều luận án đều na ná giống nhau.
Thật ra, mấy năm trước, tôi đã thấy nhiều sách giáo khoa, giáo trình giảng dạy ở trong nước có dấu hiệu hoặc là lấy dữ liệu từ sách nước ngoài mà không ghi nguồn, hoặc dịch từ sách nước ngoài. Người trong ngành chỉ cần nhìn qua vài biểu đồ hay bảng số liệu quen thuộc là có thể nhận ra nguồn gốc của những dữ liệu đó từ đâu. Tuy chưa có một cuộc điều tra nào nhưng qua trao đổi với nhiều đồng nghiệp trong nước, tôi biết nhiều người có chung suy nghĩ rằng, đạo văn rất phổ biến, không chỉ ở các trường đại học, mà còn ở bậc trung học nữa. Nếu chúng ta muốn trở thành một "diễn viên" khả kính trên trường khoa học quốc tế thì chúng ta phải nghiêm túc giải quyết vấn nạn đạo văn trong học thuật và học đường.
Quay lại trường hợp Lê Đức Thông, những người đứng tên cùng có vẻ đang muốn trốn tránh trách nhiệm. Ông có bình luận gì?
Bây giờ thì chúng ta biết rằng, có ít nhất một bài báo tuy có 4 tác giả nhưng có tác giả chẳng có đóng góp một chữ nào hay một số liệu nào trong đó. Ấy thế mà tác giả này vô tư nhận làm "tác giả". Đó là một vi phạm đạo đức khoa học. Chúng ta cũng biết rằng, khi sự việc đạo văn chưa được phát hiện thì chẳng có tác giả nào phàn nàn, thậm chí, có tác giả còn được biểu dương vì có tên trong một công trình nghiên cứu (vừa bị rút xuống), nhưng khi có vấn đề thì ai cũng "chạy dài" và đổ thừa là bài chỉ của một mình cá nhân Lê Đức Thông! Đó là thái độ đáng trách và thiếu quang minh chính đại. Đứng tên tác giả là đồng ý với nội dung bài báo và có trách nhiệm trước công chúng. Do đó, đã ký tên tác giả thì phải chịu trách nhiệm, chứ không nên đổ lỗi cho một anh cử nhân đang tập tễnh làm nghiên cứu khoa học. Vì thế, rất khó nói các tác giả khác không có phần trách nhiệm trong vụ việc.
Theo thông lệ quốc tế, hình phạt cho một người đạo văn là gì?
Hình phạt rất khác nhau cho mỗi cấp và mỗi trường hợp. Nếu sinh viên bị phát hiện đạo văn thì có thể bị đuổi khỏi trường. Trên lý thuyết là thế nhưng trong thực tế thì chỉ cảnh cáo, chứ ít ai bị đuổi vì đạo văn. Nếu là người đã có bằng cấp mà luận văn/luận án có đạo văn thì bằng cấp sẽ bị rút lại. Chúng ta còn nhớ vụ ông Guttenberg, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức, phạm tội đạo văn trong luận án tiến sĩ của ông và trường rút lại bằng tiến sĩ, ông cũng đã từ chức Bộ trưởng. Nếu là một giáo sư phạm tội đạo văn thì có thể hình thức là buộc từ chức (như đã xảy ra ở một trường đại học Úc) hay cảnh cáo (nếu là trường hợp nhẹ). Mới đây, một giáo sư ĐH Harvard đạo văn từ những bài ông bình duyệt cho người khác và hình thức phạt là cấm ông không được bình duyệt bài trong vòng 3 năm. Nói chung, hình thức phạt còn tùy thuộc vào quy mô và tính chất nghiêm trọng của từng trường hợp.
Theo ông, điều gì làm nên sự khả kính của một học giả? 
Theo tôi, những yếu tố làm nên một học giả khả kính là có đóng góp quan trọng cho chuyên ngành, có công trình gây ảnh hưởng lớn và có trách nhiệm xã hội.
Có đóng góp quan trọng cho chuyên ngành. Tôi nghĩ, tiêu chuẩn hàng đầu mà nhà khoa học có được sự kính trọng của đồng nghiệp và xã hội là đóng góp của anh ta cho chuyên ngành nói riêng và cho khoa học nói chung.  Đóng góp ở đây có thể là làm thay đổi một quan điểm, tạo ra một định hướng mới, hay chuyển giao thành quả nghiên cứu đến bệnh nhân (trong trường hợp y khoa)... Một người sếp cũ của tôi thường hay nói rằng, "các đồng nghiệp phải tự hỏi việc mình làm có đem lại lợi ích cho những người đang đi trên đường phố kia không".
Có công trình công bố trên những tập san khoa học hàng đầu hay có ảnh hưởng lớn. Trong giới khoa học, công bố nghiên cứu trên những tập san hàng đầu (hiểu theo nghĩa có chỉ số ảnh hưởng cao) hay những công trình được nhiều đồng nghiệp trích dẫn là một thước đo quan trọng của sự kính trọng. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy giới khoa học không quan tâm đến chức danh hay chức vụ; họ hay "khoe" những công trình của họ công bố trên những tập san nào.
Có trách nhiệm xã hội. Vì nhà khoa học cũng chỉ là một thành viên trong xã hội, chứ không thể nào đứng ngoài hay đứng cao hơn xã hội. Nhà khoa học phải thông qua các cơ chế dân chủ để truyền đạt tri thức, để có tiếng nói, không thông qua các cơ chế này là biểu hiện của sự kiêu ngạo.  Trong những năm 1960, trước chiến dịch sử dụng chất độc da cam ở Việt Nam, các nhà khoa học Mỹ cũng đã lên tiếng phản đối và một số còn lên án gay gắt hành động này và và yêu cầu Chính phủ Mỹ phải ngưng ngay việc dùng hóa chất độc hại. Năm 1967, Hiệp hội vì Phát triển Khoa học Mỹ, với sự thúc đẩy của GS E. W. Pfeiffer (ĐH Montana), khuyến cáo Bộ Quốc phòng Mỹ về hậu quả lâu dài cho người dân và môi sinh Việt Nam do chiến dịch phun hóa chất gây ra. Mới đây, Việt Nam bàn thảo dự án xây một nhà máy điện hạt nhân và các nhà khoa học trong và ngoài nước cũng đã góp ý khá sôi nổi.
Xin cảm ơn ông!
Lê Ngọc Sơn (Thực hiện)

No comments:

Post a Comment

LÊN ĐẦU TRANG