Tuesday, September 13, 2011

TIẾNG VIỆT THỜI " CÔNG NGHIỆP"


SGTT.VN - Tiếng Việt ngày càng dở đi... Xin giới hạn trước nhận định này chỉ ở ngôn ngữ báo chí, mà tiếc thay, đó lại là “cái loa” chính yếu đang “độc chiếm diễn đàn” phát ra những thông điệp của cuộc sống hiện đại.


Công nghiệp hoá
Có hai câu chuyện tiếu lâm vô tình xác định hai xu thế ngược chiều của tiếng Việt. Câu chuyện thứ nhất về một anh Tây học tiếng Việt, phải vò đầu bứt tóc vì sự tinh tế của thứ ngôn ngữ mà những người chủ sở hữu rất tự hào về sự “giàu đẹp, trong sáng” của nó: mắt đen gọi là mắt nhung, tóc đen là tóc huyền, gà đen là gà ác, ngựa đen là ngựa ô, gỗ đen gọi là gỗ mun... Câu chuyện thứ hai là câu chuyện về tấm bảng hiệu “Ở đây có bán cá tươi”. Người thứ nhất đi qua góp ý: “Không ở đây thì ở đâu?” Thế là mất chữ “Ở đây”. Người thứ hai: “Không bán cá tươi thì bán cá ươn à?” Mất nốt chữ “tươi”. Mà cần gì phải ghi là bán cá, đi từ xa người ta đã nghe mùi cá rồi...
Tiếng Việt đang ngày càng bị (hay được) thu rút dữ dội. Chính những đề nghị công nhận ngôn ngữ “chát chít” và các phụ âm f, w, z, j đang gây tranh cãi mù trời chính là xu hướng “công nghiệp hoá” của tiếng Việt. Nó được cho là “tiết kiệm, nhanh chóng và hiệu quả” theo đúng “chủ nghĩa Taylor” trong công nghiệp. Tiếng Việt ngày trước ra sức chia cắt hiện thực ngày càng tinh tế bao nhiêu thì ngày nay lại bị cố thu gọn lại bấy nhiêu. Những đỏ lòm, đỏ loét, đỏ chạch, đỏ bầm, đỏ tía... từng là niềm tự hào có phần “ếch ngồi đáy giếng” của không ít người Việt. Bởi vì các dân tộc khác cũng chia cắt hiện thực tinh tế tương tự, tuỳ theo sự thiết thân của hiện thực nào đó đối với mình, chẳng hạn như người Eskimo có đến 200 tên gọi về tuyết, Mông Cổ cũng có ngần ấy tên gọi về ngựa.
Đã công nghiệp thì bao giờ cũng mang tính đại trà, sản xuất hàng loạt và hời hợt, cạn cợt... Rất dễ thấy ngôn ngữ “chát chít” là loại ngôn ngữ khá ngô nghê, ngọng nghịu, loại ngôn ngữ có tính “mật mã” của những nhóm thanh thiếu niên muốn khẳng định một thế giới riêng, thế giới khác mà họ cho là mới.
Ngôn ngữ bikini
Chính từ sự cạnh tranh gay gắt của các phương tiện truyền thông mà tiếng Việt dường như ngày càng luộm thuộm, dễ dãi.
Khẩu ngữ, tiếng lóng… của tiếng Việt đi vào ngôn ngữ chính thống bằng chiếc áo tắm hai mảnh mỏng manh: dấu ngoặc kép. Có thể thấy trên mặt báo đang tràn lan những từ, ngữ có dấu ngoặc kép. Như văn chương, báo chí có nhiều biện pháp tu từ để sử dụng: ẩn dụ, hoán dụ, phúng dụ, chơi chữ, dùng điển tích... Ngoặc kép cũng là một biện pháp tu từ. Nhưng giờ thì hầu như tất tần tật những phong cách đó được gom về một mối, đó là đầu tiên sử dụng ngoặc kép, lâu, quen dần thì được dùng như là một từ ngữ thông dụng.
“Chân dài” là một từ dung tục. Khởi đi từ tên một bộ phim, “chân dài” trở thành phổ biến và bây giờ đa phần đã không còn được che chắn gì trong ngôn ngữ thông dụng. “Chân dài”, thậm chí là “chân dài tới nách” đã được dùng trong nhiều tờ báo. “Ngực khủng” cũng thế, nay mai sẽ mất dấu ngoặc kép.
Chuyện khoả thân hay trần truồng giờ được sử dụng từ ngoại nhập “nuy”, nghe ra nghệ thuật hẳn. Vú hay ngực, mông, được gọi là “vòng một”, “vòng ba”, cứ như thể phụ nữ nào cũng có thể đi thi hoa hậu hay lên sàn catwalk, nghe ve vuốt và nịnh nọt lắm. Còn “cô b锓cậu bé” nữa... Những “ông vua ở truồng” như trong một truyện cổ đó ngày càng không được gọi đúng tên. Ngôn ngữ đang dần bị “kéo xuống phía dưới” khi quanh đi quẩn lại chỉ là những chuyện “chân dài”, “ngực khủng”, “lộ hàng”, “khoe hàng”, “bỏng mắt”, “không cưỡng lại được”...
Có những lắp ghép mang tính tuỳ tiện. Có “hải tặc”, “không tặc”, “dâm tặc” thì giờ có “đinh tặc”, thậm chí là “nghêu tặc”. Cái gì cũng “phì đại” thành “siêu”“khủng”: siêu mẫu, siêu xe, siêu thấm, siêu... khủng (cạn hết từ so sánh tối thượng cấp)...
Thông tin, cả tốt lẫn xấu, đang ngày càng tràn ngập như những cơn lũ. Chính từ sự cạnh tranh gay gắt của các phương tiện truyền thông mà tiếng Việt dường như ngày càng luộm thuộm, dễ dãi. Không khéo sẽ đến ngày chúng ta sẽ bị biến thành một bộ lạc như bộ lạc Xì trum của Peyo: nói ra cái gì cũng đều là “xì trum” hết!
Đoàn Đạt
Tiếng Việt có mơ hồ, thiếu chính xác?
Đã từng có quan niệm “tiếng Việt là thứ tiếng của thi ca, tiếng Anh ­– thứ tiếng của thương mại, tiếng Pháp – thứ tiếng của ngoại giao”. Quan niệm xưa cũ này vừa khen lại vừa chê tiếng Việt: một thứ ngôn ngữ nhiều hàm ý thích hợp với đặc thù “ý tại ngôn ngoại” của ngôn ngữ thơ ca, nhưng cũng chính vì thế mà thiếu chính xác, mơ hồ trong diễn đạt.
Ngôn ngữ nào cũng mơ hồ
Hẳn bạn biết không ít truyện cười do có những câu không biết hiểu thế nào cho đúng. Nghe câu “Ba về làng hỏi vợ” quả là chúng ta không biết Ba về làng để cầu hôn hay xin ý kiến bà xã.
Năm 1969, trong một quyển sách nghiên cứu về ngữ pháp tạo sinh trong tiếng Anh, R. Jacobs và P. Rosenbaum đã chỉ ra câu tiếng Anh sau đây có sáu cách hiểu: “The seniors were told to stop demonstrating on campus”. Còn Iu. Aprexjan, nhà ngôn ngữ học Nga trong quyển sách Những quan niệm và phương pháp của ngôn ngữ học cấu trúc hiện đại xuất bản năm 1966 đã đưa ra một câu tiếng Nga có tới… 32 cách giải thích khác nhau kia đấy! Theo phép chuyển tự chữ Nga sang chữ Latinh câu này như sau: “Splochenie rabochikh brigad vyzvalo osuzhdenie tovarishcha ministra” (sự hợp nhất – của công nhân – của các đội – đã gây ra – sự phán xét – của đồng chí – của bộ trưởng).
Có sự mơ hồ do những từ đồng âm. Khi ông thầy bói gieo cho bà lão móm tính chuyện đi bước nữa một quẻ Lợi thì có lợi (nhưng răng không còn)” ấy là ông đã chơi chữ trên hai từ lợi đồng âm. Số lượng từ đồng âm trong nhiều ngôn ngữ lớn gấp nhiều lần so với tiếng Việt. Tiếng Hàn chẳng hạn. Trong tiếng Hàn có rất nhiều từ gốc Hán. Tiếng Hán có bốn thanh, còn tiếng Hàn thì không. Mà chữ Hàn là thứ chữ ghi âm. Thế là rất nhiều từ Hán cùng vần khác thanh khi vào tiếng Hàn liền trở thành những từ đồng âm. Người Hàn đọc chữ Hàn nhiều khi cũng chẳng hiểu đích thực nghĩa. Ví dụ: có nhiều tiếng Hàn phát âm là sung nên khi viết từ Samsung công ty này đã phải chữ Hán tinh vào sau chữ sung để người đọc hiểu rằng Samsungtam tinh. Logo của Samsung là ba ngôi sao.
Giữa các ngôn ngữ tự nhiên có những kiểu mơ hồ giống hệt nhau.
Mơ hồ ở cấp độ cụm từ. Một cụm từ có thể dùng thể hiện nhiều kiểu quan hệ ngữ pháp khác nhau. Đây là hiện tượng mơ hồ ngữ pháp. Khi viết “sự phê bình truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan” chúng ta đã tạo ra một cụm từ mơ hồ. Người đọc không biết nên hiểu là “Nguyễn Công Hoan viết bài phê bình các truyện ngắn” hay “người ta phê bình các truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan”. Tương tự danh ngữ tiếng Anh the shooting of the hunters, tiếng Pháp le tir des chasseurs hoặc tiếng Nga strel’ba okhotnikov đều có thể hiểu là sự bắn là của người đi săn mà cũng có thể hiểu là sự bắn người đi săn.
Mơ hồ ở cấp độ câu. Lấy câu so sánh làm ví dụ. Khi viết: “Tôi cũng thích trà như càphê thì trà và càphê là hai đối tượng mà tôi thích như nhau. Khi viết: “Tôi cũng thích trà như anh” thì trà là đối tượng mà cả anh tôi đều thích. Còn câu “Tôi cũng thích cô ấy như anh chấp nhận cả hai cách giải thích nên nó thành mơ hồ. Hoặc là cô ấyanh là hai người mà tôi thích như nhau. Hoặc là tôi và anh thích cô ấy như nhau. Trong tiếng Pháp và tiếng Anh, lối so sánh này cũng mơ hồ y hệt như vậy.
Có thể dẫn ra hàng loạt kiểu mơ hồ giống nhau giữa các ngôn ngữ tự nhiên. Tuy nhiên, ngôn ngữ nào cũng có những kiểu mơ hồ đặc thù. Cách đây hơn 50 năm, nhà văn hoá Phan Khôi đã “kiểm thảo đại danh từ” tiếng Việt. Theo ông, nó rắc rối quá. Vào một nhà lạ chẳng biết xưng hô thế nào với từng người cho phải phép, cho hợp với quan hệ tôn ti của họ trong gia đình ấy. Nhưng chính vì cách xưng hô khá tinh tế và mang màu sắc tôn ti, trọng – khinh, thân – sơ… này mà số lượng những câu mơ hồ liên quan đến lớp đại từ sở hữu ở tiếng Việt ít hơn hẳn so với các tiếng Nga, Anh, Pháp – những ngôn ngữ có lớp đại từ trung hoà về sắc thái nghĩa.
Vì sao nói tiếng Việt chính xác?
Nghe câu “Ba về làng hỏi vợ” quả là chúng ta không biết Ba về làng để cầu hôn hay xin ý kiến bà xã.
Nếu thiếu từ ngữ diễn đạt những khái niệm mới thì chúng ta vay mượn. Điều này đã và đang xảy ra với mọi ngôn ngữ. Vấn đề còn lại chỉ là khả năng diễn đạt chính xác của tiếng Việt. Tuy có những hiện tượng mơ hồ, nhưng phần lớn khi đặt trong tình huống giao tiếp cụ thể, hiện tượng mơ hồ đều mất đi. Hãy lấy hai câu khác nhau đúng một phụ âm cuối: “Chú tôi bị Mỹ bắn trong lúc đi càn” và “Chú tôi bị Mỹ bắn trong lúc đi cày”. Về lý thuyết hai câu này đều mơ hồ: Mỹ hay chú tôi đi càn/đi cày? Nhưng trong thực tế không có chuyện “Mỹ đi cày” ở Việt Nam nên câu sau là rõ ràng.
Hơn nữa, tiếng Việt có những phương thức diễn đạt chính xác và rõ ràng nội dung cần thông báo. Đó là phương thức dùng dấu câu, dùng trật tự từ, dùng từ hư, từ đồng nghĩa, thay đổi cấu trúc câu… Một ví dụ: “Ba đã biếu thầy giáo chủ nhiệm lớp bảy quyển sách mới mua hôm qua”. Nếu muốn nói rõ “bảy quyển sách” chứ không phải là “Thầy giáo chủ nhiệm lớp bảy”, và đây là “sách mới” chứ không phải là “mới mua” thì chỉ cần thêm hai dấu phẩy: Ba đã biếu thầy giáo chủ nhiệm lớp, bảy quyển sách mới, mua hôm qua. Nếu muốn nói là “biếu hôm qua” chứ không phải “mua hôm qua” thì chỉ việc đảo trật tự: Hôm qua ba đã biếu thầy giáo chủ nhiệm lớp, bảy quyển sách mới mua. Nếu muốn nhấn mạnh tới mới mua thì hãy dùng cách thêm/thay từ: Hôm qua ba đã biếu thầy giáo chủ nhiệm lớp, bảy quyển sách vừa mới mua.
Thực tế, chúng ta đã và đang dùng tiếng Việt để diễn đạt chính xác những văn bản quan trọng về ngoại giao, quân sự, thương mại, luật pháp… Tiếng Việt có đầy đủ khả năng diễn đạt chính xác những điều cần bộc lộ.
Bài này chưa bàn đến cách khai thác hiện tượng mơ hồ trong ngôn từ nghệ thuật.
GS.TS Nguyễn Đức Dân

15 comments:

  1. Xem ra cũng còn nhiều điểm cần bàn cãi!

    ReplyDelete
  2. hihihi
    lâu lâu em cũng hay dùng tiếng việt kiểu này

    ReplyDelete
  3. Lục lọi cũng ra nhiều ví dụ lắm!

    ReplyDelete
  4.   - Tìm trên Google cụm từ "chân dài săn đại gia", cho khoảng 2.820.000 kết quả (0,21 giây) .

      - Tìm trên Google cụm từ " hàng khủng", cho khoảng 36.900.000 kết quả (0,10 giây)





    Những bộ ngực ‘hàng khủng’
    http://www.khakha.com/cuoi/anh-ngo-nghinh/nhung-bo-nguc-hang-khung/

    ReplyDelete
  5. Chị theo em thấy thì những từ mới này đa phần xuất phát từ miền Bắc ( Khủng , Cực hot , siêu , chặt chém , bỏng mắt....v...v

    ReplyDelete
  6. Mấy cụm từ chị trích ra thật là...kinh!

    ReplyDelete
  7. Hi hi..kinh khủng à? Còn nhiều từ nữa !

    ReplyDelete
  8. Nếu muốn nói rõ “bảy quyển sách” chứ không phải là “Thầy giáo chủ nhiệm lớp bảy”, và đây là “sách mới” chứ không phải là “mới mua” thì chỉ cần thêm hai dấu phẩy: Ba đã biếu thầy giáo chủ nhiệm lớp, bảy quyển sách mới, mua hôm qua

    Có lẽ câu này phân tích chưa ổn!

    ReplyDelete
  9. Cái còm này của chị có một cái link dài thòn lòn , làm bể bề ngang ,phải kéo thanh ngang ở dưới qua lại mới đọc được .

    Em rút ngắn những cái link trong còm của chị rồi nè :

    linalol wrote today at 12:52 PM, edited today at 12:54 PMMột số từ được dùng mang tính bạo lực nhưng không đúng với nghĩa đen của từ, ví dụ tìm trên Google cụm từ Tình trạng “chặt chém”, cho khoảng 3.040.000 kết quả (0,05 giây) 
    Giám đốc Công an Hà Nội cũng bị “chặt chém” tại bãi gửi xe
    http://dantri.com.vn/giam-doc-cong-an-ha-noi-cung-bi-chat-chem-tai-bai-gui-xe.htm
    Khánh Hòa kiểm tra, xử lý tình trạng “chặt, chém” du khách
    http://www.baomoi.com/Khanh-Hoa-kiem-tra-xu-ly-tinh-trang-chat-chem-du-khach
    Nha Trang: Khách sạn “chặt chém” để nuôi “cò”
    http://phapluattp.vn/nha-trang-khach-san-chat-chem-de-nuoi-co.htm
    Đà Lạt: Ngăn chặn tình trạng “chặt chém" trong dịp Festival Hoa 
    http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Da-Lat-Ngan-chan-tinh-trang chat-chem-trong-dip-Festival-Hoa.html
    Sẽ chấm dứt tình trạng "chặt chém" tại lễ hội Chùa Hương năm nay?
    http://f.tin247.com/Sẽ chấm dứt tình trạng "chặt chém" tại lễ hội Chùa Hương năm nay.html
    Bất lực với tình trạng "chặt, chém" khách
    http://vietbao.vn/Bat-luc-voi-tinh-trang-chat-chem-khach

    ReplyDelete
  10. buồn..
    Em vẫn thường thích nghe Thuỳ Dương (Canada) hát bài Tình Ca (Tôi yêu tiếng nước tôi ..từ khi mới ra đời ) . Tiếng nước tôi bây giờ ..."khủng ..KHIẾP" quá :(

    ReplyDelete
  11. Bài hát đó đúng là hay thật!

    ReplyDelete

LÊN ĐẦU TRANG