Saturday, September 17, 2011

"Từ ghép" không phải là ghép từ

"Từ ghép" không phải là ghép từ

Trong hoạt động tinh thần, con người phải liên tục chế ra các khái niệm mới, hoặc làm mới lại các  khái niệm đã từng tồn tại, để diễn đạt, phát triển, làm mới lại tư duy và năng lực tổ chức hành động của mình.


Các khái niệm được kí hiệu đọng lại ở các từ.

Có nhiều cách để phát triển các từ : tạo từ mới tinh (hiếm), nhập từ của nước ngoài, ghép chế từ mới bằng các từ đã từng tồn tại, hoặc đưa ra các nghĩa mới cho bản thân các từ đã tồn tại...

Ví dụ hôm nay chúng ta ai cũng đã quen đọc các « blog », mà nếu dở các từ điển xưa ra thì không thể có từ này. Đây là trò chơi ghép chữ "web" (mạng toàn cầu) với « log » (« nhật trình », có gốc rễ từ việc ghi các diễn biến trong ngày của ngành hàng hải và hàng không), và khi ta đọc lướt « weblog » ta có cái âm tạo ra chữ "blog". Chữ blog nay để chỉ một thực thể thông tin với một nội dung ngày càng phong phú, một không gian media internet riêng của một cá nhân, hay của một một doanh nghiệp, hoặc của một tổ chức xã hội, và thường được cập nhật liên tục.

I . Từ và ghép từ
Một chữ có năng lực siêu ghép trong tiếng Việt là chữ "ăn". Có thể có đến cả trăm trường hợp ghép từ được với chữ "ăn"! Ăn uống, làm ăn, ăn học, ăn mặc, ăn hút, ăn ở, ăn nằm, ăn theo, ăn ý, ăn dơ (chữ này thật ra lại là chữ ghép pháp-việt, "jeu" là cuộc chơi có tổ chức), ăn chơi, ăn liền, ăn sổi, ăn ảnh, ăn bả, ăn gian, ăn mảnh, ăn tiền, ăn đạn...

Việc ghép từ không phải là một hành động "ghép nghĩa". Ghép từ là để tạo ra một từ mới có gốc rễ từ những từ gốc, nhưng chúng hoàn toàn sống một đời sống mới riêng của chúng, độc lập. Hơn thế nữa từ ghép đó, về nguyên tắc, chúng lại có thể tiếp tục tham gia các cuộc ghép từ mới, như mọi từ khác.

Từ những hoạt động «ăn», «chơi», bạn có lĩnh vực "ăn chơi".  «Ăn chơi» về lĩnh vực cây cảnh chẳng hạn thì chẳng liên quan gì đến « ăn » cả. Rồi bạn có "thú ăn chơi" như các cách thức, thủ pháp, phương pháp trong lĩnh vực này, v.v.

II.  Từ đời sống và thuật ngữ khoa học

Nếu chúng ta bàn chuyện bên tách trà nóng về « nhà nước », thế nào là nhà, thế nào là nước, rồi quan hệ giữa nhà và nước, nước mất nhà tan, nước không mất có khi nhà cũng tan... Rồi nước xưa gắn với sự cai trị của một nhà, nhà đổ thì coi như nước đổ, ngày nhà mới lên thì coi như là « quốc khánh », v.v.  Đó là một nhẽ của từ đời sống. Nhưng thuật ngữ "nhà nước" hôm nay như một khái niệm của "khoa chính trị học" hay "khoa luật học" thì là một câu chuyện khác hoàn toàn : đây là một khái niệm hoàn chỉnh về một cấu trúc tổ chức đời sống xã hội mà trong đó các bộ phận cấu thành phải có các chức năng luật định rất chặt chẽ như về lập pháp, hành pháp, tư pháp (giám sát và xét xử đảm bảo sự tôn nghiêm của hiến pháp-pháp luật). Trò chơi chữ ở đây không còn ý nghĩa thả rông như xưa.

Các thuật ngữ khoa học - khoa học chính xác, khoa học công nghệ, khoa học xã hội, khoa học nhân văn - phải được xây dựng và định nghĩa, và các từ ghép trong các lĩnh vực này không còn thuộc về lĩnh vực làm thơ suy diễn nữa. "Kinh tế" không còn là "kinh bang tế thế"  như các sĩ phu Nhật phóng tay dịch chữ economy thuở nào.

III. Dịch thuật tự động

Hôm nay một vấn đề rất thiết thực, và sẽ ngày càng thiết thực, là dịch thuật tự động. Thí dụ dịch vụ dịch tự động hôm nay trên Google đã bắt đầu tỏ ra khá hiệu nghiệm cho rất nhiều thứ tiếng. Sau một festival quốc tế, bạn bè trao đổi nhau các tài khoản facebook, rồi sau đó líu lo chuyện trò trao đổi, ai cứ việc  viết tiếng người đó, khắc có bộ dịch google giúp hiểu nhau hoặc… suýt hiểu nhau.

Dịch tự động là lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo.
Trí tuệ nhân tạo, ở dạng giản dị nhất, cần có một « kho dữ kiện kiến thức », cùng một hệ thống « các quy tắc chế tạo» để áp dụng trên kho dữ liệu đó. Áp dụng cho một ngôn ngữ, hệ thống từ vựng phải chặt chẽ và ổn định, cùng các hệ thống biểu đạt, các thành ngữ, và tiếp đó là hệ thống ngữ pháp… Việc viết rời các từ ghép sẽ đưa đến tính bất định cho phép dịch tự động, vì ngay cả chúng ta cũng còn bị rơi vào những trường hợp bất khả kháng, như mệnh đề «học sinh vật cô Na», hay biểu cảm «anh đi công tác Pờ lây cu dài dằng dặc biết ngày nào ra ».

IV. Kiểm tra chính tả và ngữ pháp tự động

Các chức năng kiểm tra chính tả và ngữ pháp tự động của các phần mềm hiển nhiên cũng gặp khó khăn với các từ ghép bị viết rời.

V. Gạch nối, hay viết liền, hay…

Để nối liền các từ ghép, chúng ta có vài phương án.

Gạch ngang


Sách báo trong nam trước đây chọn giải pháp gạch nối. Ví dụ « ăn-chơi », « thú-ăn-chơi ».
Giải pháp này tương đối ổn về ý nghĩa, với khiếm khuyết chính yếu là như sau : văn bản gây nhức mắt  khó chịu cho việc đọc. Vì số lượng các từ ghép là rất lớn, khắp nơi ta thấy dấu « - ». Ngoài ra đó là sự lãng phí rất lớn không cần thiết về tự, với hậu quả về tốn kém giấy in – cũng là thảm họa môi trường - cũng như sự lãng phí về các bộ nhớ điện tử. Hãy hình dung  hàng ngày hàng chục triệu người sản xuất ra các bản tư liệu bằng tiếng Việt!

Dấu gạch ngang vốn còn có tác dụng khác : để « kết nối », hoặc để thể hiện « dấu trừ ». Trong các trường hợp đó cần khắc phục bằng việc đưa thêm khoảng trắng vào trước và vào sau dấu « - »  để phân biệt nó. Ví dụ mệnh đề « nên kết hợp ăn-uống-nghỉ-ngơi » cần được viết là « nên kết hợp ăn-uống - nghỉ-ngơi », hoặc « công-quyền-nhũng-nhiễu = công-quyền tiến-bộ» cần được viết là « công-quyền - nhũng-nhiễu = công-quyền tiến-bộ», và khi đó « Hội hữu nghị Việt-Mỹ » sẽ cần được viết là « Hội hữu nghị Việt - Mỹ » cho thống nhất.

Một yếu tố nữa rất quan trọng : việc ghi từ ghép với gạch nối làm chúng ta không chuyển tâm thức hẳn sang từ ghép, mà vẫn ghép từ. Viết « nhà-nước » vẫn nhắc người đọc suy diễn việc cộng nhà với nước !

Bản chất của việc viết chữ ghép với gạch nối thực chất chỉ là nỗi nuối tiếc cách viết của chữ vuông, sẽ được trình bày thêm dưới đây.

Viết liền, với gạch nối cho một số trường hợp riêng

Hầu hết các chữ ghép viết liền đều không gây hiểu nhầm, trong ví dụ trên ta có « ănchơi », « thúănchơi ».

Trong vài trường hợp nếu chữ ghép đi sau là nguyên âm, thì có thể cần có dấu nối. Thường là trường hợp chữ ghép sau bắt đầu bằng « y ».

Ví dụ « thú y » sẽ được viết là « thú-y », không viết là « thúy ». « Nghi án » có thể được viết là « nghián », không thể bị nhầm nghĩa.

Do những chữ cần phải dùng gạch nối này rất ít, chúng ta có thể lập danh sách chúng để vừa cho vào từ điển, vừa đưa vào các bản hướng dẫn người dùng.

Cách viết các chữ ghép dùng gạch nối thực chất chỉ là sự tiếc bỏ cách viết rời các chữ khi ngày xưa chúng ta phải dùng chữ vuông, hán hay nôm!

Chúng ta còn thấy rõ, thay vì viết Cuba, chúng ta cố viết Cu ba, hoặc khắc phục bằng việc viết Cu-ba.

Hơn thế nữa, rất có thể rằng chính chữ vuông là thủ phạm làm xóa mất các từ đa âm tiết của tiếng Việt cổ.

Chữ « trời » ngày xưa trong tiếng Việt là « blời », sau này được viết thành « lời » (« Đức chúa Lời »). « Blâu » dần thành « trâu ». Tôi tưởng nhớ người bạn vong niên của mình, học giả Trần Quốc Vượng, đã giải miệng chữ « Tlèm » cho tôi rằng đó là phát âm cổ của từ « Chèm », rồi được phiên hán-việt thành « Từ Liêm ». Ngôn ngữ của chúng ta, nguyên thuộc hệ Môn-Khmer, dần dà mất đa âm tiết, mà ta cứ tưởng rằng ngôn ngữ của mình vốn là đơn âm tiết. Chữ « Kuala Lumpu » (cửa sông Lumpu) rất có thể là cùng chữ « cửa lò » trong tiếng Việt. 

Các dân tộc vùng Tây Nguyên, hay Khmer nước Việt sẽ rất vui mừng khi chúng ta chấp nhận cách viết liền, vì cách viết đó diễn tả thực chất hơn các ngôn ngữ sắc tộc. Viết « Bana », « Êđê », « Mnông », …,  « Khmer » diễn tả đúng phát âm.

Một yếu tố nữa rất quan trọng : việc ghi từ ghép liền nhau khuyến giúp chúng ta chuyển tâm thức hẳn sang từ ghép, thôi suy diễn ghép từ. Viết « nhànước » nhắc người đọc rằng đây là một khái niệm riêng, không suy diễn từ việc cộng nhà với nước !

VI. Lộ trình

Cuộc đi ngàn dặm của một đời người bắt đầu bằng những bước chân chập chững.
Cần phân chia các giai đoạn cho công cuộc tiến triển này. Bằng không chúng ta thấy biển mênh mông trước mặt, và chúng ta lại quay đầu lùi về ao nhà.

Giai đoạn một : những việc làm được ngay
- Tên riêng về địa danh : hãy viết liền, với chữ đầu tiên viết hoa.
Ví dụ : Hànội, Sàigòn, Đànẵng, Hoàngliênsơn, Mùcangchải … Khi viết "đường sắt Hànội- Đànẵng " thì sẽ rõ ràng hơn, và tiết kiệm thông tin hơn hẳn "đường sắt Hà-nội – Đà-nẵng.

- Tên riêng các nước (kể cả đã hán-việt hóa) : hãy viết liền, với chữ đầu tiên viết hoa.
Ví dụ : Việtnam, Nhậtbản, Môngcổ, Italy, Cuba, …

- Tên riêng các sắc tộc : hãy viết liền, với chữ đầu tiên viết hoa.

Ví dụ : « Bana », « Êđê », »Mnông »,…, « Khmer ».

- Tên các tổ chức : viết liền hoàn toàn khi có thể.

Ví dụ : Liênhiệpquốc, Thếvậnhội, Ávậnhội ...

- Từ ngoại nhập : viết liền hoàn toàn..

Ví dụ : karate, tennis, internet ...

- Tên riêng người Việt : thống nhất hai cụm họ và tên. Cho phép giải quyết vấn đề họ kép hay tên kép. Và nên viết hoa phần « họ » để phân biệt với tên : trong tương lai với toàn cầu hóa và hôn nhân quốc tế hóa các tên họ ngay ở đất Việt sẽ muôn vẻ hơn.


Vì các sắc thái riêng tư, gạch nối phù hợp hơn cho các tên người. Chẳng hạn gia đình muốn họ của đứa con mang cả phần họ hai bên nội ngoại.
Ví dụ : PHẠM-NGUYỄN Tươi-Thắm, LÊ-TRẦN John (hay John LÊ-TRẦN theo truyền thống của xứ sở bên nước ngoài)....

Như thế các hồ sơ, đặc biệt là các hồ sơ y tế vừa rõ ràng hơn, vừa an toàn hơn. Bạn hãy hình dung các ca mổ ghép ở bệnh viện phải cẩn trọng đến thế nào.

Các giai đoạn tiếp theo

Ở đây là lĩnh vực mà các nhà chuyên môn đa ngành sẽ vào cuộc.
Một công việc đầy hiểu biết liên ngành, nhiều kĩ năng, được tổ chức chặt chẽ xứng với tầm vóc công việc phức hợp này.

Chúng ta có thể hình dung cách khích lệ công việc này trước hết trong những lĩnh vực hẹp của giới công nghệ, khoa học, rồi nhân dần ra.

Một số tạp chí về công nghệ, khoa học cần đi đầu, hoặc bản thân các tạp chí có tính tiên phong.

Bắt đầu bằng mỗi số báo có một bài in với chữ ghép viết liền, rồi theo thời gian tăng số bài như vậy lên.

VII. Lời cuối : với thói quen, hãy trân trọng, nhưng đừng quá sợ hãi

Thói quen làm nên kĩ năng, nhưng đừng quá sợ hãi đến mức chúng ta trở thành những kẻ nô lệ mãi mãi của thói quen.

Hãy nhớ lại, trước đây báo chí không bao giờ dám viết tắt, ví như không viết tắt UBSĐKH cho "Ủy ban sinh đẻ kế hoạch". Với một bài báo thời đó, chỉ riêng phần giới thiệu các nhân vật quan trọng tham dự một phiên họp đã chiếm hết gần trang nhất của tờ báo! Viết tắt bị cho là làm giảm thiêng liêng các cơ quan và các chức danh. May thay cuộc sống cuối cùng vẫn mạnh hơn thói ỳ.

Nếu cứ nhất nhất muốn phải sử dụng gạch nối cho các từ ghép, thà chúng ta nên sáng tạo ra một ký hiệu mới : ví dấu chấm ở giữa dòng để nối chữ ghép. Điều đó vừa bớt cản trở việc đọc, vừa phân biệt được nó với dấu « - », dấu còn mang ý nghĩa khác, như nối kết hay dấu trừ.

Vấn đề bộ gõ tiếng Việt là vấn đề kĩ thuật đơn thuần, các nhà chuyên môn sẽ có các giải pháp đi theo.

Có thể hình dung một thuật toán đơn giản nhất sẽ là bạn đánh Hà-nội và thêm dấu * liền ở cuối, như Hà-nội*, và phần mềm cải tiến sẽ tự chuyển cụm Hà-nội* thành Hànội. Nhưng chắc chắn sẽ có giải pháp còn hay hơn thế.

Cuối cùng thì lĩnh vực văn và thơ, họ sẽ vẫn tự do để chơi với các chữ ghép hờ ghép hững, như áo váy của các người đẹp, và lĩnh vực này hiển nhiên được ưu tiên quyền mơ mộng./.

22 comments:

  1. Theo tác giả HHM : "Từ ghép" không phải là ghép từ"


    Rõ ràng " từ ghép" là do ghép từ nhưng nghĩa của từ ghép không khi nào cũng mang nghĩa do gộp lại nghĩa của  các từ.

    ReplyDelete
  2.   Từ " nhà nước" đó là sản phẩm Việt hóa của từ  Hán Việt " quốc gia". Quốc nghĩa là nước, gia nghĩa là nhà. Thay vì dùng từ "quốc gia" thì dùng từ " nhà nước".

    ReplyDelete
  3.   Từ ví dụ của chữ B' lời, cho rằng tiếng Việt đa âm tiết, để giải thích từ ghép trong tiếng Việt:  "Hànội", lĩnhvực...là khiên cưỡng!

    ReplyDelete
  4. Ví dụ không chuẩn: Sách báo trong Nam trước đây vẫn chọn giải pháp « ăn chơi », « thú ăn chơi » cho các từ trên.

    ReplyDelete
  5. Những từ ghép mang nghĩa ghép từ các từ đơn:
    Ăn uống, làm ăn, ăn học, ăn mặc,
    Những từ ghép mang nghĩa riêng nhưng vẫn biểu thị bởi các danh từ, động từ hoặc tính từ đơn lẻ:
    ăn hút, ăn ở, ăn nằm, ăn liền, ăn sổi, ăn ảnh, ăn bả, ăn gian, ăn mảnh, ăn tiền, ăn đạn...
    Riêng từ " ăn dơ" trong cụm từ " ăn dơ ở bẩn" có nghĩa là không giữ phép vệ sinh trong ăn uống, hoặc hàm nghĩa bóng về đạo đức.
    Để chỉ hai người cùng phe cánh, hợp nhau ..người ta dùng từ " ăn rơ".

    ReplyDelete
  6. Hổng hiểu nhiều về tiếng Việt bài viết trên , viết tiếng Việt gì mà sao thấy ngộ ngộ , họ thích viết bày vẽ quá há .

    ReplyDelete
  7. Khó hiểu!
    « nên kết hợp ăn-uống-nghỉ-ngơi » cần được viết là « nên kết hợp ăn - uống - nghỉ ngơi », bởi vì đây có ba động từ cần chú ý cân bằng: ăn, uống và nghỉ ngơi.

    hoặc « công-quyền-nhũng-nhiễu » cần được viết là « công-quyền nhũng-nhiễu»
    viết « công-quyền tiến-bộ» là đúng.
    « Hội hữu nghị Việt-Mỹ » cần được viết là « Hội hữu- nghị Việt - Mỹ » cho thống nhất.

    ReplyDelete
  8. Muốn phủ định sạch trơn nên bày vậy đó mà.

    ReplyDelete
  9. Đâm ra lẩn thẩn! Thế thì khi đó lại nhầm lẫn nghĩa của dầu chấm hết câu với dầu chấm nối từ !!!!

    ReplyDelete
  10. CHUYỆN TIẾNG VIỆT: ĐỪNG VỘI VÀNG

    (Trao đổi với tác giả Hoàng Hồng Minh)
    ThS. Đào Tiến Thi
    (NXB Giáo dục Việt Nam)

    http://www.ngonnguhoc.org/index.php?option=com_content&view=article&id=668:chuyn-ting-vit&catid=29:bai-nghien-cuu&Itemid=39

    ReplyDelete
  11. Cám ơn nhiều về bài giới thiệu của Ròm.

    ReplyDelete
  12. Ô , thế phải viêt là Hà nội thôi chị nhỉ , nhiều khi em cũng quên tuởng viết hoa cả hai từ .Hôm qua em ngẩn ngơ mãi không hiểu viết trùm khăn hay chùm khăn cũng đuợc :))

    ReplyDelete
  13. trùm khăn là động tác che đầu bằng khăn, chùm khăn là chỉ một số lượng gồm nhiều khăn.

    Hà Nội là tên riêng, thành phố, thủ đô của nước nên viết hoa cả hai từ, chị nhớ là thế.

    ReplyDelete
  14. Sài Gòn ,Sài gòn và Sàigòn
    Hà Nội ,Hà nội và Hànội
    Em cứ bị dính vào trường hợp hổng biết viết sao cho đúng

    Tiếng quốc tế thì gọn hơn, Hanoi ...Saigon

    ReplyDelete
  15. Vì ở nước ngoài quen theo các viết từ đa âm tiết rồi.

    ReplyDelete
  16. Từ " thú " mang nghĩa riêng, từ "y" mang nghĩa riêng. Ghép lại thành từ thú-y để chỉ một ngành khoa học chuyên quan tâm về sức khỏe thú vật.
    Từ " nghi " mang nghĩa riêng, từ "án" mang nghĩa riêng. Ghép lại thành từ nghi án để chỉ một án chưa rõ ràng. Từ này không có ngang nối.

    ReplyDelete
  17. Trong tiếng Việt, phát âm từ " ký" /i:/tương tự nhưng dài hơn từ " kí" /i/.
    Từ "kí" sử dụng trong đại lượng đo lường: - Nặng bao nhiêu kí (kilo)?
    Từ " ký" nên sử dụng trong: nhật ký, ký-hiệu, ký-giả, bút ký, ký tên.

    ReplyDelete
  18. tôi thấy chuyện này nói đi nói lại hoài, vấn đề Tiếng Việt được viết trong bài này lộn xộn.
    ví dụ, để nói về việc có gạch-nối giữa các từ hay không, cứ dẫn cuốn "Cơ cấu Việt ngữ" của Lê Ngọc Trụ ra mà nói, nói về chữ ký hay kí cứ giở cuốn "Từ điển Chính tả" của Hoàng Phê ra mà nhìn, ghi. Chuyện đó đơn giản là chuyện chính tả.

    Tác giả bài viết này viết cứ như không từng tra cứu các bậc tiền bối đã đề cập đến đề tài này vậy. Ông Phan Khôi trong cuốn "Việt ngữ nghiên cứu" cũng có nói đến chuyện từ ghép kiểu từ "ăn" này rồi.

    Viết kiểu này sao tranh luận với ông Nguyễn Đức Dân về vấn đề thêm chữ cái W, J, Z vào bảng chữ cái tiếng Việt được.

    ReplyDelete
  19. Cám ơn ý kiến của bạn quekhuong. Xin thỉnh giáo!

    ReplyDelete
  20. có 2 vấn đề trước tiên trong bài viết này không biết là bạn linalol thiếu hay tác giả thiếu.
    1. Ngày tháng viết bài này không có.
    2. Tài liệu tham khảo cũng không, đây là thiếu sót của rất nhiều nhà khoa học viết bài mà thiếu điều này.

    bạn linalol trả lời xong, tôi sẽ trao đổi tiếp í kiến của mình.

    ReplyDelete
  21. Đã để link nên thiết nghĩ bấm vào hàng tên tác giả sẽ thấy rõ mà
    http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=4368&CategoryID=6

    ReplyDelete

LÊN ĐẦU TRANG