Wednesday, June 1, 2011

GIÀU THÌ DỄ, SANG MỚI KHÓ!


Giàu thì dễ, giàu sang mới khó!


Đúng là giàu và sang thường đi với nhau. Tuy nhiên, chúng vẫn là 2 thứ khác nhau: Cái sự giàu do tiền của mang lại, cái sự sang do văn hóa mang lại. Văn hóa là cái tích tụ từ rất nhiều đời, nên khó có thể tìm kiếm được nhanh như tiền của.

LTS: Xung quanh chủ đề người giàu ở VN và sự sử dụng đồng tiền như thế nào, mới đây Tuần Việt Nam có cuộc phỏng vấn thú vị với ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về chủ đề này.
Giàu ư? 10 lần đoán 9 lần... sai!
- Cảm giác chung là số lượng người giàu ở Việt Nam đang tăng lên khá nhanh, nhưng còn chất lượng thì sao, thưa ông? Người giàu Việt Nam có nền tảng vững chắc không?
- Tôi không biết là giàu cũng phải có chất lượng. Tuy nhiên, nếu chất lượng của sự giàu có chính là số lượng của nó, thì chúng ta chưa có ai ở... tầm của thế giới cả. Bằng chứng là Việt Nam chưa có ai lọt vào các bảng xếp hạng những tỷ phú đô la giàu có của thế giới. Tuy nhiên, theo "tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam", thì người giàu có vẻ không ít.
Về nền tảng của họ, thì có người vững chắc, có người vững chắc vừa phải, và cũng có cả người hoàn toàn không vững chắc. Điều chúng ta dễ thấy là nhiều tỷ phú cổ phiếu đang nhìn sự giàu có đội nón ra đi mà không có gì ngăn cản được. Giàu bằng cổ phiếu thời này là không vững chắc. Sắp tới, giàu bằng bất động sản không khéo cũng chẳng khá hơn. Những người giàu nhờ kinh doanh siêu thị,nhà hàng là có vẻ đang hanh thông hơn cả.
Tất nhiên, không có cái gì vững chắc muôn đời. Chúng ta tất cả đều đang ngồi trên chiếc vòng đu quay của số phận. Nó quay một hồi rồi không khéo người ngồi trên đỉnh bị đưa xuống dưới đáy và ngược lại.
- Nhưng ở Việt Nam, liệu chúng ta có biết chắc ai giàu hơn ai không? Hay chỉ là sự đoán mò, chủ yếu dựa vào thể hiện của chính người giàu, nên đa phần là... sai? Dẫn tới thái độ với người giàu, hoặc ngưỡng mộ thái quá, hoặc lại coi thường...?
- Chắc chắn là chúng ta khó có thể biết chắc là ai giàu hơn ai. Vừa qua, sở dĩ chúng ta biết được người giàu nhất Việt Nam về chứng khoán là vì thứ này có thông tin khá chính xác. Thế nhưng, tất cả những thứ khác như tiền, vàng, đá quí, đồ cổ, tác phẩm nghệ thuật, thậm chí bất động sản... thì thông tin không biết đào ở đâu ra. Mà đã không có thông tin thì chỉ còn biết đoán mò thôi. Đoán mò thì không khéo 10 lần đoán 9 lần sai.
Thói quen che giấu tài sản có lý do lịch sử và cả lý do an ninh. Lý do gì đi chăng nữa thì đây là một trong những lĩnh vực kém minh bạch nhất hiện nay.
Người giàu đang được chấp nhận dễ dàng hơn. Ảnh minh họa
Thái độ hoặc ngưỡng mộ, hoặc coi thường người giàu được hình thành có lẽ không phải do thiếu thông tin về việc ai giàu hơn ai. Thái độ này phần nhiều do điều kiện văn hóa và lịch sử xác định. Ngoài ra, cũng có những điều nằm trong những tính xấu của con người như tính ganh tị chẳng hạn.
Tuy nhiên, thời thế đang thay đổi. Thái độ đối với người giàu cũng thế. Người giàu đang được chấp nhận dễ dàng hơn. "Ừ, giàu có phải đâu là tội lỗi!". Tuy nhiên, để có sự kính trọng thật sự, cả người giàu lẫn người chưa giàu sẽ còn phải đi một chặng đường dài hơn nữa.
Trên chặng đường này, những người giàu cần phải chứng minh rằng họ giàu hơn thì xã hội sẽ có lợi hơn. Tôi tin rằng chứng minh điều này là không quá khó. Chứng minh điều ngược lại sẽ khó hơn rất nhiều.
Phải chứng tỏ mình giàu là... chưa giàu
- Để có những nét phác thảo về người giàu ở Việt Nam, ông sẽ nói những gì?
- Tôi sẽ nói đây là một việc làm khó khăn. Thứ nhất, người giàu Việt Nam chỉ đang trong quá trình hình thành. Thứ 2, không nghiên cứu so sánh người giàu Việt Nam với người giàu thế giới, thì làm sao biết được đâu là nét đặc trưng của người giàu Việt Nam?!
Về những chính sách để khuyến khích người giàu đóng góp cho xã hội, trước hết đó là làm từ thiện thì được miễn thuế. Ngoài ra, Nhà nước còn cần tôn vinh sự đóng góp này. Đây là sự đóng góp mang lại hiệu quả xã hội cao hơn, bởi vì rằng khi làm từ thiện, người cho được hưởng sự hài lòng cao hơn rất nhiều so với khi đóng thuế. Khi đóng thuế, người giàu không biết Nhà nước sẽ tiêu tiền thuế của họ vào đâu? Biết đâu lại chẳng vào những việc mà họ không mong muốn.
Ngoài việc được miễn thuế, những người đóng góp cho xã hội cần phải được vinh danh. Vinh danh bằng danh hiệu của Nhà nước, bằng sự quí trọng của xã hội.
Với những người giàu sẵn lòng chia sẻ, dù ở đâu, ở thời nào, sự giàu có của họ đều có lợi cho xã hội. Nên cầu nguyện cho họ ngày càng giàu có, vì sự giàu có của họ sẽ góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn.
Nhiều người cho rằng người giàu Việt Nam thích chứng tỏ đẳng cấp bằng cách tiêu xài hơn người, đi xe xịn hơn người, "bo" tiền nhiều hơn người. Theo tôi, những người luôn tìm cách chứng tỏ mình giàu là những người chưa thật sự giàu. Còn đã giàu cỡ Bill Gates thì không nhất thiết phải làm như vậy.
Cũng có người cho rằng, người giàu Việt Nam giàu nhưng chưa phải ai cũng sang. Đúng là giàu và sang thường đi với nhau. Tuy nhiên, chúng vẫn là 2 thứ khác nhau: Cái sự giàu do tiền của mang lại; cái sự sang do văn hóa mang lại. Văn hóa là cái tích tụ từ rất nhiều đời, nên khó có thể tìm kiếm được nhanh như tiền của.
- Xã hội đang đòi hỏi người giàu phải chia sẻ vật chất với đồng bào của mình, như thế có đúng không? Hay bởi mọi người đều bình đẳng nên người giàu cũng như người nghèo, có quyền chỉ phải lo cho bản thân, cùng lắm thì lo cho gia đình, người thân?
- "Lá lành đùm lá rách" là đạo lý truyền thống của người Việt chúng ta. Vì vậy, 1 sự mong đợi từ phía xã hội rằng người giàu phải chia sẻ là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, mong đợi không phải là đòi hỏi. Gây sức ép để bắt buộc người giàu phải chia sẻ là điều không nên làm. Lý do là vì cách làm này sẽ dẫn đến những méo mó tiếp theo. Hậu quả là không ai còn động lực để vươn lên làm giàu nữa cả. Mà như vậy, thì sự nghèo khó và sự kém phát triển đang chờ tất cả chúng ta.
Nếu người giàu đã đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước, thì phần tài sản còn lại của họ là bất khả xâm phạm. Làm gì với tài sản đó; chia sẻ với ai tài đó là hoàn toàn quyền của họ. Mọi sự gây sức ép, mọi sự tước đoạt đều là bất hợp pháp. Và như đã nói ở trên, đều có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường.
Sự chia sẻ phải là một nhu cầu bên trong, một thôi thúc của lương tâm và đạo đức. Chẳng ai bắt Ông (Tôi chủ ý viết hoa chữ Ông ở đây) Bill Gates phải chia sẻ sự giàu có của mình. Tuy nhiên, Ông đã cống hiến gần như toàn bộ tài sản của mình cho hoạt động từ thiện. Ông làm điều đó từ sự thôi thúc của trái tim, chứ không phải sự đòi hỏi của xã hội.
Thế giới sẽ mãi mãi nhớ về Ông không chỉ như một người có khối óc vĩ đại, mà còn như một người có trái tim vĩ đại. Những gì Ông Bill Gates làm được rất nhiều những người giàu Việt Nam cũng có thể làm được. Tuy nhiên, chúng ta không nên nóng vội, không nên thúc ép quả chín trước mùa.
Nên cầu nguyện cho người giàu
- Còn vai trò của Nhà nước ở đâu trong việc giảm chênh lệch giàu nghèo và khuyến khích người giàu đóng góp cho xã hội?
- Giảm chênh lệnh giàu nghèo là 1 trong những chức năng quan trọng nhất của Nhà nước. Nhà nước có một loạt công cụ hợp pháp để làm được điều này. Trước hết, đó là việc đánh thuế (thuế thu nhập, thuế bất động sản, thuế tiêu thụ đặc biệt...) người giàu để tái phân phối lại cho người nghèo thông qua các chương trình giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội.
Nhà nước cũng có thể tạo ra những khuyến khích để người giàu mua các dịch vụ tư nhân, thay vì tận hưởng các dịch vụ công do ngân sách chi trả. Hiện nay, không khéo điều ngược lại đang xảy ra. Ví dụ, vì các trường công đang có chất lượng cao hơn các trường tư, nên người giàu đang tìm cách đưa con cháu vào các trường này. Và họ bao giờ cũng làm được điều đó dễ hơn người nghèo.
Giảm chênh lệnh giàu nghèo là 1 trong những chức năng quan trọng nhất của Nhà nước. Ảnh minh họa
Hậu quả là Nhà nước đang bao cấp nhiều hơn cho người giàu ở đây. Nếu chúng ta có một hệ thống trường tư chất lượng khá hơn, thì người giàu sẽ sẵn sàng chi trả cho việc học hành của con cháu họ ở đó và không giành mất phần của người nghèo ở các trường công. Những gì đúng cho lĩnh vực giáo dục thì đúng cả cho lĩnh vực ý tế và rất nhiều những lĩnh vực khác nữa.
Nhà nước còn có thể tạo động lực để người giàu chia sẻ.
- Nhắc đến động lực, tôi lại nhớ đến chuyện làm từ thiện. Có phải động lực để người giàu ở Mỹ làm từ thiện rất nhiều là không trừ thuế không?
- Về những chính sách để khuyến khích người giàu đóng góp cho xã hội, trước hết đó là làm từ thiện thì được miễn thuế. Ngoài ra, Nhà nước còn cần tôn vinh sự đóng góp này. Đây là sự đóng góp mang lại hiệu quả xã hội cao hơn, bởi vì rằng khi làm từ thiện, người cho được hưởng sự hài lòng cao hơn rất nhiều so với khi đóng thuế. Khi đóng thuế, người giàu không biết Nhà nước sẽ tiêu tiền thuế của họ vào đâu? Biết đâu lại chẳng vào những việc mà họ không mong muốn.
Ngoài việc được miễn thuế, những người đóng góp cho xã hội cần phải được vinh danh. Vinh danh bằng danh hiệu của Nhà nước, bằng sự quí trọng của xã hội.
Với những người giàu sẵn lòng chia sẻ, dù ở đâu, ở thời nào, sự giàu có của họ đều có lợi cho xã hội. Nên cầu nguyện cho họ ngày càng giàu có, vì sự giàu có của họ sẽ góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

2 comments:

  1. "Ví dụ, vì các trường công đang có chất lượng cao hơn các trường tư, nên người giàu đang tìm cách đưa con cháu vào các trường này. Và họ bao giờ cũng làm được điều đó dễ hơn người nghèo. Hậu quả là Nhà nước đang bao cấp nhiều hơn cho người giàu ở đây."
    Thực ra thì những những trong lĩnh vực giáo dục mà còn trong những lĩnh vực:
    - về giao thông: Không chú ý phát triển đường sá, cầu cống ở khu vực ngoại ô nông thôn trong khi lại hô hào đường sắt cao tốc.
    - Nhiều phim truyện trên truyền hình nói về cuộc sống giàu sang của tầng lớp trên hoàn toàn xa lạ với đa số đời sống dân chúng.
    -
    -

    ReplyDelete

LÊN ĐẦU TRANG