Bà mẹ thứ nhất
Chưa kịp mừng vì thằng con trai út vừa mới xin được việc làm tại một trạm xăng, tuy lương không nhiều nhưng được nhà chủ bao ăn, bao ở, người mẹ ấy đã phải khóc ròng khi hay tin con bị công an bắt chỉ sau một ngày đi làm. Thằng Th. bị buộc tội trộm cắp tài sản! Bà suýt xỉu khi nhận được tin. Mọi chuyện bắt đầu từ H - một nhân viên bơm xăng kỳ cựu tại trạm xăng ấy. H đã ôm trọn số tiền bán xăng của ngày hôm đó và trèo tường trốn ra ngoài, nhưng bị dân phòng bắt gặp khi đi tuần. Tại Công an Phường, H khai Th. chủ mưu, thế là công an bắt luôn Th. ngay trong đêm khi thằng bé đang lục tục mắc màn đi ngủ.
Trong suốt quá trình điều tra chỉ một lần duy nhất Th. nhận đại mình có bàn bạc với H để hy vọng được trở về với mẹ. Tình cờ trong một lần đi thăm con ở Chí Hoà, bà mẹ nghèo trở thành khách của văn phòng. Luật sư nhận lời giúp con bà một phần do thấy vụ án có nhiều điểm lấn cấn, một phần là vì ánh mắt thiết tha của bà. Thế nhưng Toà Sơ thẩm đã xử Th. một năm tù giam căn cứ trên lời khai của H. Kết thúc phiên toà, Th. khản giọng kêu oan. Nước mắt ướt đẫm gương mặt khắc khổ của người mẹ. Tiếng gào của Th. khi bị áp giải lên xe “Các chú ơi con bị oan,... con sẽ chết nếu buộc con có tội” khiến người làm nghề như chúng tôi cũng nát lòng. Không thể nào chấp nhận một kết quả thua trong khi chứng cứ vụ án còn chưa đủ thuyết phục, cả thân chủ lẫn luật sư đều quyết tâm đi đến cùng. Thời gian chờ đợi vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm là đoạn đời sóng gió nhất của người phụ nữ ấy. Hầu như tuần nào bà cũng một, hai lần đến văn phòng. Nhà chỉ có một chiếc xe dành cho chồng đi làm, bà bắt xe buýt. Vốn trước đây bị tai biến nên phần chân và tay bên phải của bà rất yếu. Vậy mà cứ nhúc nhắc từng bước một, hành trình của bà bắt đầu từ Đầm Sen, đến chùa rồi đến luật sư, lại phải đi bộ hơn một km từ bến đỗ xe buýt đến văn phòng. Đến chùa, bà tìm sự an ủi về mặt tâm linh; gặp luật sư bà lại như động viên luật sư bằng niềm tin kỳ lạ: con tôi, tôi đẻ ra nó, nuôi dạy nó, tôi tin con tôi không có làm chuyện xấu đó đâu chú ạ. Ròng rã mấy tháng trời, vài mươi lượt đi – về. Mỗi lần bà đến thì mấy cô nhân viên trong văn phòng lại thay phiên nhau chở bà ra bến xe buýt, thậm chí chở về tận nhà, vì không đành lòng nhìn bà cuốc bộ ra bến xe. Biết làm sao được, khi bà cứ nằng nặc, chú cho tôi qua đây, đi đi lại lại thế này cho nó khuây khỏa.
Cuối cùng, phiên tòa phúc thẩm cũng mở, giải tỏa sự chờ mong của bà mẹ, ngược lại sức ép tâm lý cho luật sư khá nặng nề. Bởi lẽ xử phúc thẩm xong là án có hiệu lực ngay, thường chúng tôi hay nói với nhau rằng đó là hiệp 2 của một trận bóng đá, và ít hy vọng sẽ có hiệp phụ. Hạnh phúc thay, một kết thúc có hậu cho bà mẹ "lỳ đòn", Th. được tuyên không phạm tội và được trả tự do ngay sau dó. Khi nghe tòa tuyên án, người mẹ ấy chạy theo Th và khóc nấc. Tiếng nấc nghẹn chính là âm thanh của sự giải thoát. Tảng đá trong lòng bà bấy lâu nay đã được cởi bỏ, bà nhìn lên trời và nói với tôi, trời phật đã nghe lời tôi ngày đêm cầu xin. Tôi không dám chắc rằng có một đấng tối cao nào đó để có thể “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” mọi nỗi lòng của nhân gian, nhưng tôi chắc chắn một điều lẽ phải và công lý nhất định phải được bảo vệ. Và ... trong vụ án này, người đáng được cảm ơn nhất chính là hội đồng xét xử phiên phúc thẩm, khi họ xác định được sự thật bẳng cả tấm lòng.
Sau đó ít lâu, văn phòng tiếp tục hỗ trợ Th. làm đơn yêu cầu bồi thường oan sai. Thoạt đầu Th. và cả mẹ Th. – người đàn bà cứng cỏi ngày nào mà nay lại lo sợ, luật sư ơi, mình mà đòi bồi thường lỡ “người ta” bắt xử lại thì chết. Giáp Tết năm 2005, Th. nhận được khoản tiền bồi thường gần 20 triệu đồng cho 8 tháng ngồi tù, quan trọng hơn là được Tòa cấp sơ thẩm– nơi đã kết án Th. 1 năm tù tiến hành xin lỗi công khai trên báo chí, tại địa phương. Ngày cuối năm, Th. chạy chiếc xe mới cáu, chở bạn gái đến thăm và khoe tiền mua xe được trích từ tiền bồi thường do bị oan. Còn mẹ Th. thì gửi tặng văn phòng một gói chè (trà) Bắc-quê hương bà, cùng với lời mời đến nhà ăn cơm tất niên. Nhìn Th. mặt rạng ngời bên cô bạn gái xinh xắn, tôi như thấy mặt trời của ngày đầu năm mới đang rất gần.
Bà mẹ thứ hai
Hầu như lần nào người mẹ ấy đến văn phòng cũng đều mặc độc một cái áo bà ba ấy, quần ống thấp ống cao. Ngồi xuống ghế, bà mới vội vội vàng vàng thả hai ống quần xuống, phân bua, tui từ chợ tạt qua đây thăm luật sư (!), cho tui nói vài câu tui đi liền. Bà bán rau ở chợ, có đứa con gái bị bắt về tội bán ma túy. Cũng như bà mẹ ở câu chuyện thứ nhất, bà cứ một mực, con tôi bị oan. Tôi không thường tin tưởng lắm cái câu khẳng định quen thuộc này của các bà mẹ có con vướng tù tội cho đến khi tôi nhận lời bào chữa cho H. – con bà và đọc hồ sơ. Quả thật, hồ sơ vụ án có nhiều điểm để suy nghĩ. Cũng giống như vụ của Th., tòa sơ thẩm vừa xử xong, 10 năm tù cho H. và tức là cũng ngần ấy ngày tù dành cho người làm mẹ. Lần gần đây nhất, bà mẹ lại đến. Bà ngại ngùng đưa cho tôi quyển tập với gần 100 trang chép tay toàn những điều luật, từ Bộ luật Hình sự đến Tố tụng, rồi cả các Thông tư liên ngành. Cứ điều nào mà bà cảm thấy hơi liên quan đến vụ án của con bà là bà chép hết vào. Khi tôi hỏi, bà chép từ đâu ra, bà nói: tui vào nhà sách “cóp”, mỗi ngày một ít, tui nghĩ chú cần mấy cái này để xài mà cãi cho con tôi. Trời ạ, làm nghề bao năm nay, không ít lần tôi nghe thân chủ đọc vanh vách các điều luật, để “khè” luật sư cũng có, rồi nhiều khi do nhập tâm theo đuổi vụ kiện lâu quá mà thuộc lòng, nhưng đây là lần đầu tiên có khách hàng chép luật cho luật sư đọc. Thêm nữa, bà mẹ còn nhiệt tình, chú xem có thiếu gì không, nếu cần thì mai mốt tui đi cóp tiếp. Tôi chỉ tủ sách – đồ vật đáng giá nhất của văn phòng, dì không thấy sách con có nhiều rồi sao. Bà mẹ cứ tỉnh rụi, nhưng trường hợp con tui là bị oan, nó khác chú ơi.
Khi bà rời khỏi văn phòng, tiếp tục cuộc mưu sinh, tôi chợt nghĩ: ô hay! những người phụ nữ rất đỗi bình thường, đến từ nhiều vùng miền khác nhau, nhưng giữa họ có nhũng điểm chung rất lạ lùng. Đó là niềm tin mãnh liệt rằng con họ vô tội, và họ làm mọi cách, bằng mọi giá để giữ lấy niềm tin ấy. Bên cạnh những buổi chạy chợ, họ hoàn toàn có thể trở thành chuyên gia pháp lý - ở một góc độ nào đó, tất cả là vì đứa con yêu quí của mình. Bằng quyền lực của người mẹ, họ buộc lòng người lay động, họ giữ lửa cho luật sư, khiến chúng tôi không dám lơ là, không dám phụ tấm lòng của những bà mẹ.
Giờ đây, quyển luật do bà chép tay hàng ngày nằm trên bàn làm việc của tôi. Tôi giữ nó, giữ sự thật thà của một bà mẹ Nam bộ lam lũ, cũng là giữ cho mình niềm tin để chuẩn bị cho “hiệp 2” của vụ án trong những ngày sắp tới.
Ôi những bà mẹ hiểu con như hiểu những điều trong gan trong ruột cuả mình. Quý hoá lắm.
ReplyDeletehai bà mẹ hiểu con nhưng cũng may mắn gặp được người tốt nữa anh minht à. Nếu gặp phải người gan đá thì cũng chịu thôi!
ReplyDeleteHổng biết có bao nghiêu người bị oan mà được gặp may mắn .Thôi kệ được người nào hay người nấy ,có còn hơn không .
ReplyDelete"Lòng Mẹ bao la như biển Thái bình...dạt dào..." !!!
ReplyDeleteCứ người nào gỡ được oan khiên là mừng rồi!
ReplyDeleteMonday, May 16, 2011
ReplyDeleteTHANKS FOR TODAYS POSTS
TOM PREMO - TT - NGUYÊN MINH TÂM
Lòng mẹ thương con mạnh liệt khôn cùng !
ReplyDeleteTuy nhiên cái may là hai bà này đã gặp được 1 luật sư có lương tâm . Trong mọi ngành nghề -dù trong 1 xã hội khá băng hoại- vẫn luôn còn những người thực sự tuân thủ và hành xử đúng với thiên chức của mình. Quý hó thay !
Nghề luật thật ra là phải như vậy : chỉ có thể bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải ( chứ không thể vì tiền - Niềm tin này do lương tri mách bảo)
ReplyDeleteMình cầu mong mẹ của anh Nhựt sớm tìm ra chân lý cho con trai của mình. Cầu mong vụ án của anh Nhựt gặp nhiều nhân viên pháp luật có lương tri.
ReplyDelete