Friday, January 18, 2013

CỨU “HỒN” TPHCM: GẤP RÚT BẢO VỆ DI SẢN

Gấp rút bảo vệ di sản

Nguoilaodong Thứ Tư, 16/01/2013 23:10

“Nếu biết cách ứng xử, di sản không cản đường mà ngược lại còn đem đến sự phồn thịnh cho nền kinh tế. Phát triển đi đôi với bảo vệ di sản mới chính là phát triển bền vững” - TS- KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định

- Phóng viên: Nhiều người cho rằng di sản cũng là “gà đẻ trứng vàng”, điều này chứng tỏ ngoài giá trị về mặt văn hóa, di sản còn có giá trị kinh tế. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- TS - KTS Ngô Viết Nam Sơn: Tôi nêu một ví dụ: khu phố cổ trung tâm Montréal (Canada) là khu lâu đời nhất của TP này. Năm 1960, trước các mối đe dọa phát triển

khu trung tâm như thường thấy ở các đô thị Việt Nam: phá bỏ các khu vực kiến trúc dọc bờ sông để xây thêm đường cao tốc, phá nhà mặt tiền để mở rộng đường… Sở Quy hoạch và Kiến trúc của TP này đã thuyết phục các cơ quan chức năng ngưng các dự án để bảo vệ phố cổ, chọn địa điểm mới gần đó để xây những công trình cao tầng. Ngành văn hóa của nước này sau đó đã công nhận Montréal là khu phố cổ trung tâm với các chính sách bảo tồn phát triển riêng biệt. Ngày nay, khu vực này đã trở thành khu du lịch văn hóa - lịch sử nổi tiếng mà ai đến Bắc Mỹ cũng phải ghé thăm. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy ngoài giá trị văn hóa - xã hội, lợi ích đem lại từ nguồn thu du lịch thương mại thường rất cao nếu có chiến lược bảo tồn đúng đắn. Chẳng phải người Việt Nam đi du lịch nước ngoài không chỉ để mua sắm mà chủ yếu là chiêm ngưỡng danh lam thắng cảnh, khám phá các nền văn hóa khác nhau hay sao? Không nói đâu xa, tại TPHCM, công trình biệt thự cổ tại 138 Nam Kỳ Khởi Nghĩa là một quán ăn có tiếng vẫn giữ nguyên nét kiến trúc cũ, không salon, không điều hòa, không cách âm… nhưng lượng khách đến đây nhiều đến mức mà bất kỳ quán ăn, nhà hàng có kiến trúc tân thời nào cũng mơ ước.
- Vậy tại sao các nhà đầu tư vẫn muốn tháo dỡ các di tích cổ để xây những công trình cao tầng hiện đại, đặc biệt là trong vùng lõi trung tâm lịch sử TP ?
- Quá trình bùng nổ phát triển đô thị, các TP lớn trên thế giới đều đứng trước 2 áp lực: phát triển nhà cao tầng để cung ứng diện tích sàn cho nhu cầu ở, làm việc và bảo tồn công trình có giá trị lịch sử trước làn sóng nhà cao tầng hiện đại.
Bên cạnh đó, quan điểm “bảo tồn” cũng phần nào khiến các nhà quản lý và nhà đầu tư e ngại. Bởi bảo tồn có nghĩa là giữ nguyên vẹn, không mang bất cứ thứ gì bên ngoài vào và cũng không đưa bất cứ thứ gì bên trong ra, như kiểu “cấm sờ vào hiện vật”. Chính vì vậy dẫn đến suy nghĩ bảo vệ di sản đối lập với phát triển, kìm hãm phát triển. Theo tôi, nên dùng từ bảo vệ đối với các công trình di sản thì đúng hơn.
Nhà cổ của ông Huỳnh Hữu Thời (phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9 - TPHCM)
đủ tiêu chí xếp hạng di tích cấp TP nhưng sắp biến mất vĩnh viễn trong quy hoạch
 khu công nghệ cao. Ảnh: THU SƯƠNG
Có 4 cách bảo vệ cơ bản: Thứ nhất là bảo tồn, tức là bảo vệ nguyên vẹn áp dụng cho những công trình chỉ có một bản như Dinh Độc Lập, nhà thờ Đức Bà... Thứ hai là cải tạo di sản, cho phép sửa chữa, nâng cấp và có thể bổ sung công trình di sản… nhưng phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc tạo lập nên bản sắc lịch sử của công trình. Thứ ba là phục hồi di sản, cho phép tái tạo tình trạng ban đầu khi công trình đầu tiên “trót” bị thay đổi, gỡ bỏ. Cuối cùng là tái thiết di sản, cho phép tái tạo mới một công trình di sản hoặc tổ hợp di sản đã bị hủy hoại theo thời gian. Có như vậy, lịch sử mới “sống” được với hiện tại.
TP có 930 ha khu trung tâm bờ Tây sông Sài Gòn và còn khoảng 650 ha khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong khi vùng lõi bảo tồn chỉ là một phần diện tích nhỏ trên 100 ha thôi, tại sao không cố giữ?
- Công ty Nikken Sekkei (Nhật) đang lập đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu của TP, trong đó khoanh vùng khu trung tâm văn hóa - lịch sử có diện tích 212 ha. Ông lại đưa ra diện tích cần bảo vệ chỉ bằng một nửa?
- Ranh giới mà Nikken Sekkei vạch ra là bao gồm cả quận 1 nhưng theo tôi, mật độ di sản tập trung cao ở khu vực từ Công viên Tao Đàn đổ về phía Bắc (lên khu vực Ba Son), diện tích khoảng 110 ha. Khu vực này cần được bảo vệ nghiêm ngặt, cải tạo, nâng cấp và cấm hẳn tình trạng xây chen nhà cao tầng.
- Bảo tồn di sản TP hiện nay vẫn còn nằm trên giấy. Thưa ông, làm sao để hiện thực hóa công tác này?
- TP cần nhanh chóng lập một hội đồng di sản mà chủ tịch hội đồng nên là một phó chủ tịch UBND TP để đủ thẩm quyền ra quyết định.  Hội đồng này sẽ xây dựng và ban hành phương án, khung quy định… nhằm pháp lý hóa công tác bảo vệ di sản trên địa bàn TP. 
Phải có chính sách bảo tồn cụ thể
Theo KTS Cao Thành Nghiệp, Hội KTS TPHCM, trước mắt, Sở Xây dựng và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phải đề ra chính sách bảo tồn và giữ gìn di sản kiến trúc. Về nguồn vốn, hằng năm TP phải trích ngân sách dành cho việc bảo tồn và đây là nguồn chủ đạo. Bên cạnh đó, TP cần phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức văn hóa khác nhau để bảo đảm nguồn vốn được áp dụng tốt nhất. Đối với các công trình thuộc sở hữu Nhà nước, có thể hợp tác với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh để trùng tu, quản lý thông qua hình thức cho thuê dài hoặc ngắn hạn. Nguồn thu từ hoạt động này sẽ được trích khoảng 20%-80% để bảo tồn các công trình kiến trúc khác…
THU SƯƠNG thực hiện

3 comments:

  1. Cần xem lại luật đất đai. Đừng nghĩ quyền sở hữu của nhà nước rồi muốn làm gì thì làm.

    ReplyDelete
  2. Nguồn vốn chung chi lễ hội ăn chơi nhảy múa hết roài!..

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cái món lễ hội nhảy múa thì khó mà kểm soát nổi và cũng chả lưu lại một cái gì để mà làm bằng chứng kiểm toán !!!

      Delete

LÊN ĐẦU TRANG