'Vạch mặt' thủ phạm khiến dân khiếu kiện đất đai
- Thảo luận báo cáo kết quả giám sát của QH sáng 18/9 về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa dẫn câu chuyện cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng như minh chứng điển hình cho “bệnh vô cảm”, bao che sai phạm trong cán bộ.
>> Định giá đất không được 'tù mù'
>> Sửa luật Đất đai để hết 'chạy' dự án
>> Làm rõ vì sao chậm đẩy lùi tham nhũng đất đai
>> Thủ tướng: Làm hài hòa, đừng để thêm khiếu kiện đất đai
>> Sửa luật Đất đai để hết 'chạy' dự án
>> Làm rõ vì sao chậm đẩy lùi tham nhũng đất đai
>> Thủ tướng: Làm hài hòa, đừng để thêm khiếu kiện đất đai
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH vừa qua đã tổ chức nhiều buổi làm việc tại các bộ ngành, địa phương về tình hình thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo với các quyết định hành chính về đất đai. Tuy nhiên, kết quả báo cáo và giải pháp trình ra lần đầu tại phiên họp sáng nay (18/9) được đánh giá là “còn rất chung chung”.
Thực tế từ các địa phương cho thấy, có tới 70% đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. Tính chất, quy mô phức tạp ngày càng tăng, khiếu kiện phức tạp và kéo dài đang diễn ra ngày càng nhiều, đặc biệt liên quan việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đa phần đơn thư đều xuất phát từ việc người dân không đồng tình với các quyết định của chính quyền.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý: Tình hình bức xúc mà báo cáo của chúng ta cứ bình bình như vậy là không được. Ảnh: Lê Nhung |
Theo phân tích của ông Nguyễn Kim Khoa, rất nhiều quyết định của chính quyền không hợp lòng dân, tổ chức thực hiện thì kéo dài nên dân bất bình. Nhiều nơi, cán bộ vô cảm làm ngơ trước lợi ích của dân.
Chẳng hạn, quyết định thu hồi đất và toàn bộ vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng (Hải Phòng) vừa qua là một quyết định “vô cảm”, dẫn đến bức xúc của dân bùng nổ. Chính quyền tổ chức điều tra rầm rộ suốt vài tuần lễ nhưng không tìm ra thủ phạm phá nhà dân. Ông Khoa cho rằng, trong những câu chuyện như Tiên Lãng có vấn đề bao che cho cái sai và cần phải kiểm điểm trách nhiệm cho rõ.
Cũng theo ông Khoa, rất nhiều vụ việc khiếu nại đất đai có liên quan đến tiêu cực tham nhũng và có nguyên nhân do cấp trên nể nang, bao che cho cấp dưới làm sai dẫn đến khiếu kiện kéo dài không có điểm dừng. Trong khi đó, chính quyền địa phương được giao quá nhiều thẩm quyền, và trong một ngày, một vị chủ tịch huyện có thể ban hành cùng lúc hai quyết định khác nhau.
Một bất cập khác được chỉ ra là nếu các quyết định (về thu hồi, cưỡng chế…) mà sai, dân có đơn thư khiếu nại thì vị chủ tịch (huyện, tỉnh), người đứng ra ký các quyết định đó lại ủy quyền cho lãnh đạo ngành đất đai hoặc cấp phó đứng ra tiếp nhận xử lý. Kết quả: chẳng ai bị xử lý hay chịu trách nhiệm.
Từ 2008-2011, đã giải quyết được 84% đơn thư khiếu nại, tố cáo. Số vụ khiếu nại đúng chiếm 19,8%. Có đúng có sai chiếm 28%, số khiếu nại sai 52,2%. Nguồn: Thanh tra Chính phủ |
Nói như Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, việc giải quyết khiếu nại tố cáo ở địa phương chủ yếu giao Sở TN&MT hoặc thanh tra. “Dân khởi kiện chủ yếu các quyết định hành chính, do thủ trưởng đơn vị ký. Nhưng hầu như chưa bao giờ có chủ tịch tỉnh hoặc chủ tịch huyện nào phải ra tòa hành chính để giải quyết (tính từ ngày thành lập đến nay). Như vậy là chấp hành pháp luật không nghiêm”, ông Hiện khẳng định.
Theo ông, đa số vụ việc nếu may chăng được giải quyết là vì người đi kiện cáo có quan hệ thân quen, nhờ tác động chỗ này, chỗ khác. Nếu không sẽ chỉ là “thích thì giải quyết, không thích thì thôi”.
Chủ nhiệm UB Tư pháp cũng cho rằng, khiếu nại ở mức độ nghiêm trọng như hiện nay một phần bởi dân bất bình trước tình trạng nhiều người giàu lên từ đất. Theo ông, đất đai là mảnh đất màu mỡ nhất để xảy ra tham nhũng.
Ngay đoàn giám sát khi đánh giá nguyên nhân bùng nổ khiếu kiện, tố cáo cũng cho rằng, một phần do các quyết định liên quan đến đất đai không tuân thủ trình tự, thủ tục, thiếu công khai, dân chủ, công bằng. Mặt khác, nhiều cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, chia chác đất đai.
Sai phải sửa
Để giải quyết tình trạng bùng nhùng trên, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nên phân loại sâu các quyết định đã ban hành xem sai - đúng ở chỗ nào, nguyên nhân vì sao.
Theo ông, tình hình khiếu nại, tố cáo đã rất nghiêm trọng bởi chiếm tới 70% tổng số các vụ việc. Nghiêm trọng hơn nữa khi các quyết định hành chính của nhà nước sai mất một nửa. Với những quyết định đúng mà dân vẫn kiện, chứng tỏ dân không phục, và lỗi một phần do chính sách pháp luật chưa hợp lý.
Chủ tịch QH cho rằng, các cơ quan Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ TN&MT nên tiến hành rà lại các quyết định hành chính, có địa chỉ rõ ràng để xử lý và kết quả xử lý báo cáo QH.
“Quyết định sai ảnh hưởng đến dân thì phải đền bù cho dân. Sai ở đâu sửa ở đó. Như vậy, có hai việc cần làm ngay là giải quyết số vụ tồn đọng và không làm phát sinh vụ việc mới”, ông Hùng nói.
Nhiều ý kiến đề xuất làm rõ hơn trách nhiệm người đứng đầu. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương đề xuất nên duy trì tốt cơ chế chính quyền đối thoại với dân.
Đoàn giám sát cũng đề xuất 15 kiến nghị. Tuy nhiên, các kiến nghị này vẫn bị đánh giá là chung chung, cần làm rõ địa chỉ, đối tượng và giải pháp. Dự kiến, kết quả giám sát sẽ được báo cáo tại kỳ họp QH sắp tới.
Lê Nhung
Nếu phân tích đúng tội trạng thì "sự vô cảm" là tòng phạm chứ không phải kẻ chủ mưu!
ReplyDeleteNgoài sự "vô cảm" như ông Khoa nói một cách chung chung thì cái nguyên nhân chính là lòng tham vô độ và sự vi phạm pháp luật trắng trọn của các quan chức địa phương. Nó lại được bao che từ các quan chức phía trên tạo thành những "nhóm lợi ích" bất khả xâm phạm...?
ReplyDeleteNếu quan tham nhưng pháp luật chặt chẽ và đứng về lợi ích nhân dân thì quan cũng không làm gì được.
DeleteVậy "nhóm lợi ích" là ai???? Ai vô đây trồng khoai đất này?