Wednesday, March 7, 2012

Phụ nữ Việt nghĩ gì về bình đẳng giới

rose flowers images Pictures, Images and Photos


Phụ nữ Việt nghĩ gì về bình đẳng giới

2012-03-06
Ngay từ đầu thế kỷ 20, thế giới đã chứng kiến những phong trào đòi bình quyền cho người phụ nữ diễn ra ở Mỹ và các nước châu Âu.

Theo thời gian, phong trào này đã lan rộng ra nhiều nước, và vào năm 1975, Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận ngày 8 tháng 3 là ngày quốc tế phụ nữ. 
Nhân dịp này, chương trình tạp chí phụ nữ xin mời một số chị em phụ nữ ở trong và ngoài nước tham gia buổi nói chuyện về những vấn đề mà phụ nữ Việt Nam thời nay đang quan tâm. Tham gia chương trình hôm nay, có đạo diễn sân khấu Nguyễn Minh Ngọc hiện đang sống tại Mỹ, bạn Vi đến từ Sài gòn, bạn Thiên Ân, sinh viên đang học đại học tại Sài gòn, và bạn trẻ Kim Tiến đến từ Hà Nội.

Chưa thực sự bình đẳng

Việt Hà: Xin chào chị Minh Ngọc và các bạn đã tham gia chương trình ngày hôm nay.
Bây giờ câu hỏi đầu tiên Việt Hà muốn hỏi đó là ngày 8 tháng 3 mọi người hay nói đến bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ. Việt Hà muốn hỏi chị Minh Ngọc và các bạn nghĩ thế nào về bình đẳng giới tại Việt Nam?
Minh Ngọc: Cho Ngọc trả lời trước, tại vì Ngọc ở Việt Nam khá lâu và ngày 8 tháng 3 cứ hỏi câu hỏi này, tại vì tụi này nhìn vô thực tế và nói đùa với nhau là bình đẳng giới ở Việt Nam thì phụ nữ sẽ cực gấp đôi bởi vì ra ngoài đường phải làm việc như một người đàn ông, nhưng về nhà thì mấy ông vẫn muốn tụi này làm tất cả mọi chuyện của người phụ nữ. Thành ra bình đẳng giới thì phụ nữ cực gấp đôi thôi. 
Thiên Ân: Theo em thì tụi em là học sinh thì cứ hay đùa với nhau là ngày 8 tháng 3 là ngày phụ nữ khùng lên, có nghĩa là trong cuộc sống hàng ngày thì con gái được coi phái yếu nên rất là khó khăn trong mọi chuyện trong cụôc sống. Nên tới ngày 8 tháng 3 thì thế nào con gái cũng khùng lên thôi.
Việt Hà: Vậy khi nói về bình đẳng giới thì so với khoảng 20 hay 30 năm trước kia thì thực sự người phụ nữ Việt Nam mình đã có nhiều quyền lợi hơn không, đã có nhiều tiến bộ, bình đẳng với nam giới hơn không?
Kim Tiến: Em nghĩ là có nhiều tiến bộ hơn nhưng không bình đẳng vẫn còn diễn ra, thậm chí diễn ra rất nhiều, thậm chí trong tư tưởng của những người tiến bộ bây giờ vẫn còn suy nghĩ không bình đẳng cho nữ giới. 
Việt Hà: Em nói cụ thể không bình đẳng trong những trường hợp nào, như chị Minh Ngọc nói bây giờ vẫn phải làm việc nhà, vừa việc nhà, vừa việc bên ngoài cuối cùng là gấp đôi. Em nghĩ còn ở lĩnh vực nào nữa?
Kim Tiến: Em nghĩ trong quan niệm bây giờ vẫn còn quan niệm trọng nam khinh nữ, khi mà người ta sinh con gái thì các ông bố đều không thích lắm, thậm chí ở những vùng miền bây giờ mà sinh con gái ra người ta còn không đồng ý. Người ta bắt phải sinh bằng được con trai. Em biết một chuyện có thật, nhà này sinh con đầu lòng là con gái và gia đình chồng đã không quan tâm lắm. 
Đến đứa thứ hai đi siêu âm là con gái thì mẹ chồng trả con dâu về nhà mẹ đẻ, và chồng thì không để ý trong khi cô mang thai. Cô phải về nhà mẹ đẻ và một mình phải lo liệu cho đến ngày sinh nở. Khi sinh thì rất may cô sinh con trai vì siêu âm có trục trặc. Khi nghe tin cô sinh con trai, thì mẹ chồng lập tức đón về và chăm sóc cho cháu.

Trọng nam khinh nữ

Việt Hà: Như vậy là bình đẳng thể hiện trong quan niệm của con người chúng ta, không chỉ đàn ông không thôi mà như vậy chính bản thân người phụ nữ cũng tự làm cho mình không được bình đẳng, đúng không ạ?
Kim Tiến: Dạ đúng, vì phụ nữ bây giờ quan điểm gia đình là trên hết, và khi người ta không đáp ứng được yêu cầu của chồng và gia đình chồng thì tự người ta cảm thấy rất là buồn và cảm thấy là mình bị áp bức. Người ta không muốn bị như vậy thì cái việc người ta thực hiện theo yêu cầu đó là điều đương nhiên và khi đó giá trị của người ta bị hạ thấp xuống và quyền bình đẳng của người ta bị mất đi.
Việt Hà: Chị Minh Ngọc nghĩ sao? Chị viết rất nhiều về phụ nữ, chị nghĩ sao khi bản thân phụ nữ không nhìn thấy vấn đề đó, và tạo điều kiện cho người đàn ông, và suy nghĩ xã hội nói chung, gây mất bình đẳng cho người phụ nữ?
Minh Ngọc: Mình nói chuyện với nhiều phụ nữ ở nông thôn thì người ta vẫn còn bị các ông chồng áp bức và gia trưởng nhiều lắm, mà không chỉ ở nông thôn đâu, cả thành thị. Tết này thì mình có vở ‘tôi là ai’, có một cô đó, gia đình chồng cô cứ nói là cô xướng ca vô loài nên cô phải bỏ công việc ở nhà với chồng, cơm bưng nước rót. Cuối cùng ông chồng lại sử dụng cô vợ để thăng quan tiến chức. Mình nghĩ là một phần là phụ nữ nhưng định kiến trong đầu các ông, các ông nói chỉ trên lý thuyết thôi, còn trên thực tế thì trong đầu các ông đàn ông Việt Nam vẫn nghĩ rằng phụ nữ là một cái gì đó thấp hơn, lệ thuộc, vẫn còn chồng chúa vợ tôi định hình rất nhiều. 
Việt Hà: Mọi người vẫn nói là thiên chức của người phụ nữ là trong gia đình, là cơm nước, là lo cho chồng cho con, Việt Hà biết là trong cuộc nói chuyện hôm nay có chị Minh Ngọc và Vi đã có gia đình rồi, không biết là chị Minh Ngọc và Vi có thể chia sẻ, là mọi người suy nghĩ thế nào về lập luận là thiên chức của người phụ nữ là cho gia đình, cho chồng cho con?
Vi: Theo em thì tuy em có gia đình rồi, có điều là em vẫn tham gia làm kinh tế, không phải lo công việc gia đình là chính. Theo em nghĩ dù sao là phu nữ Việt Nam thì mình cần phải biết những việc ngoài xã hội lẫn trong gia đình, chứ không nhất thiết trong gia đình không. Nói chung là cái việc bình đẳng giới phải dựa vào ý thức của người phụ nữ về vai trò của họ trong gia đình và xã hội và kể cả vấn đề là sự tôn trọng của người đàn ông nữa.
...trong đầu các ông đàn ông Việt Nam vẫn nghĩ rằng phụ nữ là một cái gì đó thấp hơn, lệ thuộc, vẫn còn chồng chúa vợ tôi định hình rất nhiều. 
Minh Ngọc
Minh Ngọc: Như mình thấy thì thực sự ra thì bình đẳng giới ở bên Âu châu cũng sớm hơn Việt Nam được được bao nhiêu đâu. Có một thời gian dài, những người phụ nữ ở các nước này bị xem thường và bị đẩy vào góc bếp. Nhưng xem trong lịch sử nhân loại, một trong những phụ nữ làm vua đầu tiên là Bà Trưng của mình. Mình cũng nên nhớ là cái mẫu hệ của Việt Nam mình rất là mạnh, cái mẫu hệ này không chỉ trong việc phục vụ cơm nước không, mà cái mẫu tính nơi những người phụ nữ Việt Nam đã đẩy người phụ nữ, ngoài cái chuyện chức năng trong nhà, thì chuyện phụ nữ Việt Nam vươn ra ngoài làm việc, thậm chí thống lĩnh cả một quốc gia. Cái mẫu hệ đẩy rất mạnh chuyện đó.
Việt Hà: Nhưng rõ ràng là khi vai trò của người phụ nữ vẫn còn bị gắn với gia đình thì cái sự đóng góp của họ cho xã hội sẽ bị hạn chế, giống như chị Minh Ngọc lúc đầu có nói là mình bây giờ bị làm việc gấp đôi. Bây giờ chúng ta phải làm thế nào? Việt Hà có đọc một bài báo nói về sự phân chia công việc trong gia đình, cái này nghe thật khó, vì người phụ nữ phải mang thai, phải chăm con nữa, làm sao chúng ta có thể phân chia công việc cho người chồng, người đàn ông trong gia đình?
Kim Tiến: Em thấy có quan niệm như cô Minh ngọc nói là đàn ông thì ngồi mâm trên còn phụ nữ chỉ ngồi mâm dưới, và trong công việc, thậm chí có người đàn ông nói phụ nữ lấy về chỉ để đẻ. Em cho rằng để bình đẳng, thì trước tiên như chị Vi nói thì phải từ nhận thức cá nhân mình là người phụ nữ, mình phải vừa lo được việc gia đình vừa đảm đương được việc xã hội. Như vậy rất là khó thì mình phải làm sao cho người chồng hiểu được và chia sẻ với mình. Quan trọng là sự chia sẻ giữa con người với nhau.

Tự ý thức quyền bình đẳng

Việt Hà: Ở Việt Nam bây giờ có các luật để bảo vệ bà mẹ trẻ em, chúng ta cũng đã tham gia các công ước như công ước chống phân biệt đối xử với phụ nữ như công ước CEDAW, chị Minh Ngọc và các bạn đánh giá việc thực hiện các luật này ở Việt Nam thế nào?


Vi: Em biết là xã hội Việt Nam có luật về bình đẳng giới, thực tế thì bất bình đẳng giới vẫn xảy ra như Kim Tiến lúc nãy có nói, xảy ra từ khi trẻ em chưa chào đời. Nhiều người, gia đình lựa chọn giới tính, khoa học càng tiến bộ thì càng nhiều gia đình lựa chọn giới tính cho con mình trước khi chào đời, dẫn đến mất tỷ lệ giữa nam và nữ càng ngày càng cao. Có khả năng càng ngày số nam nhiều hơn nữ, điều đó cũng thể hiện bất bình đẳng giới ngày một nhiều.
Thiên Ân: Em thấy có luật thật, việc chấp hành của những con người ở Việt Nam thì cũng có chứ không phải là không nhưng chỉ là bề mặt ở trên thôi, chứ thực ra trong tiềm thức của mọi người là con gái không được tôn trọng lắm, bình đẳng thì có, nhưng đó chỉ là lớp bên ngoài thôi chứ nhận thức của mỗi người con gái vẫn là phái yếu thôi, không làm được gì, nữ sinh ra là ngoại tộc rồi, bình đẳng chỉ có một số cái thôi chứ không tất cả. 
Minh Ngọc: Mình nói thêm một khảo sát gần đây của mình tại sao phụ nữ nhất là các cô gái miền tây phải đi lấy chồng nước ngoài rất nhiều vì đàn ông say xỉn đánh vợ, đốt nhà, mà mình không thấy trường hợp ngược lại là các bà đốt nhà. 
Một khảo sát gần đây nữa là ngày xưa đàn ông bên đây sợ ly dị vì phải chia tài sản, còn bây giờ ngược lại các bà lại tài sản mạnh hơn, nên nhiều khi các bà biết chồng ngoại tình mà không dám ly dị vì sợ chia tài sản, mình thấy điều đó cho thấy các ông ở Việt Nam không thấy một điều mà các ông có thể phải chấp nhận là các bà có quyền đi. 
Thành ra mình nói mình thích ý của các bạn là sự chia sẻ. ở đây mình sống với ông xã mình, ông gốc miền Trung. Ông cũng tự chia công việc ra, chuyện nấu cơm, giặt đồ mọi thứ ông cũng chia ra, mình thấy nếu sống lâu với nhau thì phải chia sẻ, thông cảm với nhau thì mới lâu, và các ông cũng đừng quên, giống như một vở kịch nổi tiếng thế giới gọi là ‘nhà búp bê’, một lúc nào đó cô vợ thấy mình bị như một con búp bê thì cô sẽ có quyền mà không một ông chồng nào cản được, đó là quyền cô ta có quyền đi.
Việt Hà: Như vậy tóm lại là bình đẳng giới mà chúng ta nói vào ngày hôm nay, cái sự bình quyền của nguời phụ nữ ở Việt Nam thì chúng ta nhìn nhận là có một sự tiến bộ đúng không ạ? Nhưng còn nhiều điểm như bạo hành gia đình, xâm hại tình dục các em gái, hay chia sẻ công việc gia đình thì người phụ nữ Việt Nam mình vẫn còn gặp khó khăn. Chị  Minh Ngọc và các bạn có đồng ý với ý kiến đó không ạ?
Người phụ nữ của mình phải tự ý thức được quyền bình đẳng của mình, mình phải thấy là có quyền bình đẳng với nam giới và mình có thể làm những việc mà nam giới làm, và mình là một phần không thể thiếu của xã hội.
Kim Tiến
Minh Ngọc: Ngoài chuyện mình gặp khó khăn rồi thì cái mình cần đánh động nữa là mình cần đánh động các hội chức năng phải tích cực công việc của mình hơn nữa. Đồng thời trong sức nhỏ của mình là người sáng tác mình cần thể hiện trong tác phẩm của mình, nhưng mình rất tiếc là cũng xuất hiện một phần nào đó thôi, có những việc nặng nề đăng nơi trang nhất, tin thời sự nhưng khi chuyển qua tác phẩm nghệ thuật, văn học thì cũng rất khó, mình cũng rất mong những nơi kiểm duyệt cũng thoáng hơn để nhìn thẳng vô những sự thật đó để nghệ thuật hóa, để đánh động, lan truyền khắp nơi, để khán giả biết, báo động trong xã hội, để thay đổi cho cuộc sống mình tốt hơn.
Kim Tiến: Như em đã nói thì muốn bình đẳng thì trước hết người phụ nữ của mình phải tự ý thức được quyền bình đẳng của mình, mình phải thấy là có quyền bình đẳng với nam giới và mình có thể làm những việc mà nam giới làm, và mình là một phần không thể thiếu của xã hội. 
Việt Hà: Xin cảm ơn chị Minh Ngọc, các bạn Vi, Thiên Ân và Kim Tiến đã tham gia chương trình của tạp chí phụ nữ nhân ngày 8 tháng 3. 


2 comments:

  1. Muốn bình đẳng thì đừng lấy chồng. Lấy chồng rồi muốn gia đình yên ấm thì đừng đòi bình đẳng. Hee.Hee...

    ReplyDelete
  2. Vậy nên đừng có mơ bình đẵng em nhá.

    ReplyDelete

LÊN ĐẦU TRANG