Bà Mai Kiều Liên, lãnh đạo công ty sữa Vinamilk, được tạp chí Forbes đưa vào danh sách 50 nữ doanh nhân có quyền lực nhất ở châu Á.
Đây là lần đầu tiên BấmForbes thực hiện một bảng khảo sát và đánh giá về các nữ lãnh đạo doanh nghiệp ở châu Á.
Bà Mai Kiều Liên là đại diện Việt Nam duy nhất top 50 này và đứng ở vị trí 25.Nữ doanh nhân 58 tuổi này hiện là chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Vinamilk, doanh nghiệp hiện có doanh số hàng năm gần 1 tỷ đôla.
Thương hiệu Việt
Forbes mô tả bà Liên là người ‘đã xây dựng Vinamilk trở thành không những là một trong những thương hiệu của Việt Nam có lợi nhuận nhất mà còn là được kính trọng trên khắp châu Á’ sau khi doanh nghiệp này cổ phần hóa vào năm 2003 và bà trở thành chủ tịch Hội đồng quản trị.
“Các nhà quảng cáo sữa lâu nay vẫn ca ngợi các đặc tính dinh dưỡng của sữa và nói rằng ai cũng tìm thấy thứ mình cần với sữa. Tuy nhiên ở Việt Nam họ tìm thấy một một con át chủ bài: đó là Mai Kiều Liên,” Forbes viết trong mô tả của mình.
“Vị giám đốc điều hành năng động này đã biến Vinamilk trở thành một trong những doanh nghiệp chủ lực của nền kinh tế Việt Nam,” Forbes ca ngợi.
Sinh trưởng tại Pháp và đi du học ở Nga và lấy bằng kỹ sư chuyên ngành chế biến sữa.
Bà Liên trở lại Việt Nam vào năm 1976 khi 22 tuổi và vào làm việc cho Công ty sữa và cà phê miền Nam, tiền thân của Vinamilk. Bà đã đóng góp trong việc hiện đại hóa hợp tác xã cũ kỹ của nhà nước này.
Bà bắt đầu công việc từ vị trí kỹ sư và thăng tiến dần lên trưởng ca, phó giám đốc kỹ thuật, phó tổng giám đốc và bây giờ là chủ tịch hội đồng quản trị sau khi doanh nghiệp nhà nước này được cổ phần hóa.
Cách đây hai năm, doanh nghiệp do bà làm chủ, Vinamilk, cũng lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp tốt nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng do Forbes bình chọn trong danh sách 12.000 doanh nghiệp khắp khu vực.
Bà Liên góp mặt trong danh sách cùng với các nữ lãnh đạo của các tập đoàn lớn như HSBC, Singapore Telecom, Temasek, Morgan Stanley, Huyndai, Nomura, JP Morgans, Horizons Ventures – trong đó có người giàu nhất nước Úc là bà Gina Rinehart, trùm khai thác mỏ ở Perth, và bà Hyun Jeong-Eun, chủ tịch tập đoàn Hyundai, một trong hai công dân Hàn Quốc đến viếng tang lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-il.
Vinh danh phụ nữ
Chiếm đa số trong danh sách là các nữ doanh nhân các nước Hoa ngữ như Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Macau và Singapore với 26 người, chiếm hơn phân nửa. Trong khi đó chỉ riêng Ấn Độ cũng có tám đại diện.
Bên cạnh Việt Nam, các quốc gia như Hàn Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Úc, Philippines và Thái Lan cũng có đại diện trong danh sách này.
Nữ doanh nhân trẻ nhất có tên trong danh sách là đồng giám đốc điều hành 36 tuổi của Balaji Telefilms, Ekta Kapoor, người đã giúp quảng bá phim ảnh Bollywood và phim tình cảm tâm lý Ấn Độ .
Forbes cho biết những nữ doanh nhân này được bình chọn vì ‘khả năng quản lý trực tiếp của họ ở các công ty đang tìm kiếm lợi nhuận’.
“Danh sách này tôn vinh phương cách năng động mà các nữ doanh nhân châu Á đang thúc đẩy những con số tăng trưởng ấn tượng nhất trong khu vực,” Moira Forbes, chủ tịch và nhà xuất bản tạp chí ForbesWoman, phát biểu trong một thông cáo.
“Thông qua những lĩnh vực quyền lực và ảnh hưởng của họ, những nữ doanh nhân được vinh danh này, trải rộng trên nhiều ngành nghề quốc gia và thế hệ, đã giúp thay đổi bộ mặt của doanh nghiệp châu Á trong khi tạo ra cơ hội cho các lãnh đạo tương lai,” Forbes viết.
Tạp chí Forbes nổi tiếng về các bình chọn triệu phú, tỷ phú và cả các nền kinh tế cũng như các nhân vật có thế lực.
Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel cũng từng được Forbes bình chọn là 'người phụ nữ có quyền lực nhất thế giới' và là 'lãnh đạo tối cao không chính thức' của EU năm 2011.
Nhưng Forbes cũng từng nêu tên 'Mười nền kinh tế tồi tệ nhất thế giới' năm qua trong đó có Ukraina, Armenia, Guinea và một số nước khác.
Tại Hoa Kỳ, danh sách 400 nhân vật giàu có và nhiều ảnh hưởng nhất nước của Forbes luôn thu hút sự quan tâm của dư luận.
No comments:
Post a Comment