NHÀ KHOA HỌC GIẢ HIỆU VÀ THỨ KHOA HỌC XẤU XÍ
Nói đến khoa học, không ít người vẫn nghĩ rằng đây là thánh đường của sự thuần khiết và hoàn mỹ. Tuy nhiên, sự thật không như thế. Cũng như thế giới hỗn độn bên ngoài, ngôi nhà này chất chứa không ít giả tạo. Người tạo ra những giả tạo này được mệnh danh là “nhà khoa học giả hiệu”, còn sản phẩm họ tạo ra là “thứ khoa học xấu xí”.
BÀI 1: Đảo lộn giá trị khoa học
SGTT.VN - Mục tiêu chính của khoa học là xây dựng cho nhân loại một nền tảng kiến thức chính xác về thế giới tự nhiên, trong đó người làm khoa học đòi hỏi phải có tính trung thực, cởi mở thông tin và làm việc nghiêm túc. Thế nhưng do áp lực vật chất, danh vọng và tiếng tăm, không ít nhà khoa học đã đánh mất mình bằng việc làm gian dối.
Ảo tưởng năng lượng rẻ tiền
Hwang Woo-suk (trái) khi được coi là anh hùng dân tộc, báu vật quốc gia, thần tượng của giới trẻ Hàn Quốc...
|
Vấn đề năng lượng là thách thức lớn nhất của con người hiện tại và cả tương lai. Thế giới này sẽ hoàn toàn đảo lộn nếu có được một nguồn năng lượng sạch và bất tận. Khi đó con người sẽ không còn biết đến những cuộc chiến giành giật dầu mỏ và trái đất không còn bị đe doạ bởi nạn ô nhiễm. Thực tế thì có một nguồn năng lượng như thế trong… nước biển. Thật vậy, nước biển chứa một thành phần gọi là deuterium – hydrogen với một neuron dư ra. Khi hai nguyên tử deuterium bị đẩy sát nhau, chúng sẽ hợp nhất thành một nguyên tử và quá trình này tạo ra nhiều năng lượng. Nhưng quá trình này chỉ có thể tiến hành trong điều kiện xấp xỉ… 13.000.0000C (giống như trên mặt trời!) và nhờ những thiết bị phức tạp trị giá hàng tỉ đôla.
Cuối những năm 1980, hai nhà hoá học Slanley Pons (đại học Utah – Mỹ) và Martin Fleischmann (đại học Southampton – Anh) đã mơ mộng làm được điều trên. Năm 1989, nhiều tờ báo lớn giật tít thông báo bộ đôi Pons – Fleischmann tổng hợp được hạt nhân ở nhiệt độ phòng, hay gọi là “tổng hợp hạt nhân lạnh”, bằng những thiết bị rất đơn giản: khi cho dòng điện 6V đi qua hai điện cực palladium và platinum cắm trong một bình nước biển, họ biến deuterium thành tritium, và phản ứng phát ra nhiều neutron cũng như nhiệt lượng. Lặp lại thí nghiệm này nhiều lần, Pons và Fleischmann đều chứng minh được năng lượng phát ra gấp bốn lần năng lượng nạp vào. Như thế với lượng deuterium trong 1 tấn nước biển, người ta sẽ có được năng lượng tương đương… 300 tấn dầu mỏ!
Sau khi Pons và Fleischmann công bố phát minh, hàng trăm phòng thí nghiệm trên thế giới thử lặp lại thí nghiệm, nhưng tất cả đều công cốc. Trước sức ép của giới khoa học, Pons và Fleischmann phải “biểu diễn” lần nữa và lần này… thất bại. Nhiều câu hỏi được đặt ra, trong đó người ta nghi ngờ về những trang thiết bị của thí nghiệm đầu tiên và tác giả đã gian dối hoặc nhầm lẫn trong giải thích. Nhưng vấn đề không chỉ như thế, chỉ trích lớn nhất của giới khoa học cho “phát minh” này chính là việc các tác giả đã bỏ qua việc công bố nghiên cứu trên các tạp chí bình duyệt khoa học. Trong thực tế, Pons và Fleischmann cũng đã gửi bài báo cho tờ Journal of Electroanalytical Chemistry. Nhưng thay vì chờ ý kiến phản hồi từ giới khoa học như thông lệ, tác giả vội vàng tổ chức họp báo để công bố “phát minh”. Điều này được xem là phi đạo đức và “có động cơ thương mại”.
Đủ kiểu gian lận
và khi mọi việc vỡ lở...
|
Năm 1968, Franz J. Ingelfinger, biên tập viên tờ New England Journal of Medicine (NEJM), quyết định ông sẽ không đăng bất kỳ nghiên cứu khoa học nào nếu những chi tiết và dữ liệu quan trọng của nó đã được công bố trên một tạp chí khoa học khác hay trên báo phổ thông. Người kế thừa Ingelfinger, Arnold Relman, đi xa hơn. Ông muốn các bài đăng trên tạp chí khoa học phải đạt độ tin cậy cao nhất bằng một quy trình bình duyệt chặt chẽ từ giới khoa học. Đề xuất của Relman được mọi người nhất trí và từ đó, mọi tạp chí khoa học đều làm cách này.
Thế nhưng, bất chấp hàng rào kiên cố trên, người ta vẫn chứng kiến nhiều vụ “lọt lưới” trên các tạp chí khoa học. Năm 2005, tạp chí Science công bố nghiên cứu của GS Hwang Woo-suk (Hàn Quốc): tạo được phôi từ tế bào da của 11 bệnh nhân hiến tạng và trứng người tình nguyện. Khi ấy cả thế giới xôn xao vì từ đây ác mộng về các bệnh ung thư, di truyền, tự miễn (lupus, thấp khớp), tim mạch sẽ bị đẩy lùi. Tuy nhiên, không lâu sau đó người ta mới biết đây chỉ là “trò lừa bịp”: các bức ảnh đăng trên tờ Science hoàn toàn là giả tạo, được “nhào nặn” từ hai cụm tế bào chứ không phải 11 cụm như Hwang công bố. Trong nghiên cứu khoa học, việc làm của Hwang được gọi là cực kỳ vô đạo đức.
Khác với Hwang Woo-suk, TS vật lý người Đức Jan Hendrick Schön, có hành vi “sản xuất dữ liệu”. Năm 2001, ông được trao nhiều giải thưởng danh giá và có thành tích làm việc ít người bì kịp: trung bình tám ngày công bố một nghiên cứu mới! Lĩnh vực nghiên cứu chính của Schön là vật lý môi trường, công nghệ nano, đặc biệt ông quan tâm đến việc sử dụng chất hữu cơ tinh thể để thay thế các thành phần bán dẫn quy ước (như silicon). Nhiều nghiên cứu của ông được đăng trên các tạp chí hàng đầu như Science hay Nature. Nhưng một ngày nọ có người phát hiện trong một bài báo khoa học, Schön đã sử dụng hai đồ thị giống nhau để mô tả hai chất liệu khác nhau. Năm 2002, người ta mở cuộc điều tra, xem xét lại những dữ liệu nghiên cứu trước đây và phát hiện ít nhất 16 hành vi sai trái của Schön. Chẳng hạn với cùng một dữ liệu ông đã “chế biến” cho nhiều thực nghiệm khác nhau. Thậm chí để có sơ đồ minh hoạ ông dùng kỹ thuật tính toán nghĩ ra chứ không xuất phát từ thực nghiệm. Năm 2004, đại học Konstanz (Đức) thu hồi bằng tiến sĩ của Schön vì xem ông đã làm một chuyện “đáng hổ thẹn”.
PHAN SƠN
Gian lận khoa học nhiều hay ít?
Sai trái của Hwang Woo-suk và Jan Hendrick Schön không có gì bào chữa vì họ đã bị “bắt tận tay day tận trán” với bằng chứng rõ ràng. Trong thực tế, những kiểu gian lận “nhẹ nhàng” hơn như đạo văn, ăn gian hoặc sản xuất số liệu ở mức độ nào đó khó bị phát hiện trừ phi chính người trong cuộc thừa nhận. Trong một khảo sát trên 2.000 thành viên khoa và 2.000 sinh viên khoa học thuộc 99 trường đại học của Mỹ, G.S Judith P. Swazey và cộng sự phát hiện 44% sinh viên và 50% thành viên khoa đã biết ít nhất hai dạng sai trái trong khoa học, 7% họ từng “quan sát” hay “có kiến thức trực tiếp” từ những dữ liệu gian dối của khoa.
|
Sau khi TS NCK biểu diễn máy phát điện chạy bằng nước thì SGTT cho đăng bài này. Trùng hợp hay cố ý nhỉ?
ReplyDeleteTrùng hợp thôi! Vì có bài của TSKH. Nguyễn Văn Hiệu rồi.
ReplyDeleteMà cái chuyện dối trá trong NCKH thì nhiều lắm!