Friday, February 3, 2012

Luật đất đai rắc rối ở Việt Nam – Phần 3

Luật đất đai rắc rối ở Việt Nam – Phần 3: Sự khôn ngoan của những người nông dân

Tác giả:  David Brown
Người dịch: Đỗ Quyên
Hiệu đính: David Brown
Ngày 3-2-2012
Đây là phần cuối trong loạt ba bài về tham nhũng trong hoạt động thu hồi đất đai ở Việt Nam, mà xét về nhiều mặt là ngang ngửa với Trung Quốc. Loạt bài của David Brown, một nhà ngoại giao hưu trí, từng làm việc ở Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ với nhiều cương vị ở các nước Đông Á.

Đối với gần như tất cả nông dân trên toàn quốc, đổi mới ở Việt Nam – cuộc cải cách kinh tế đã chấm dứt nỗ lực thảm hại của Việt Nam nhằm xây dựng một nền kinh tế kiểu Xô Viết trong những năm sau “cuộc kháng chiến chống Mỹ” – có ý nghĩa như một sự chấm dứt chế độ nông trang tập thể. Các hợp tác xã với quy mô tương đương một làng đều bị giải tán – trừ một số rất ít ngoại lệ – và mỗi gia đình làm nông đều được thuê đất với thời hạn 20 năm. Được tự do lao động trên những mảnh đất của cá nhân và hưởng lợi từ chính lao động của mình, họ đã tạo ra một mức tăng trưởng kỳ lạ trong năng suất nông nghiệp.
Trong 15 năm kể từ 1993, sản lượng nông nghiệp tăng hơn 100% (hơn gấp đôi – ND). Cho đến năm 2008, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu về gạo, cà phê, hạt điều, tiêu, cá và tôm nuôi, thậm chí ngay cả khi nhân lực dư thừa dịch chuyển từ làng xã ra làm việc ở các khu công nghiệp mới nở rộ.
Tuy nhiên, năm tới (2013), đợt thuê đất thời hạn 20 năm đầu tiên sẽ hết hạn. Tại Việt Nam, dường như có một quan điểm đồng thuận rằng cần phải xem lại luật đất đai. Vấn đề là xem lại thế nào. Diễn giải theo nghĩa đen thì các điều khoản có hiệu lực từ năm 1993 cho phép nhà nước lấy lại nông trang khi hết hạn cho thuê đất, mà không buộc phải đền bù. Theo các chuyên gia, dường như niềm tin của nông dân – rằng họ có thể giữ quyền tiếp tục lao động trên đất đai của mình – đúng là chỉ là niềm tin. Nó không có cơ sở pháp lý trong luật Việt Nam.
Những phát biểu học thuật gần đây khẳng định một quan điểm chung, cho rằng sự mơ hồ của luật đất đai hiện hành, sự thiếu minh bạch trong thủ tục hành chính, cùng nguồn lợi nhuận mà những kẻ trong cuộc mau chóng có được khi cướp đất nông nghiệp của dân và chuyển hóa đất ấy sang các mục đích sử dụng khác, là nguyên nhân chính thúc đẩy tham nhũng trong chính quyền. Nhiều năm nỗ lực và ban hành thủ tục dường như chỉ làm tăng thêm nhiều cơ hội kiếm chác phi pháp. 90% khiếu nại dân sự gửi tới tòa án là có liên quan đến tranh chấp đất đai.
Thậm chí ngay cả khi quá trình không bị tham nhũng thẩm thấu vào, thì việc chuyển đổi đất đai từ mục đích chính là làm nông sang làm khu công nghiệp, bất động sản, đường xá và sân gôn, cũng là vấn đề ngày càng gây lo ngại. Bộ Nông nghiệp Việt Nam tính toán rằng trong giai đoạn 2001-2006, 376.000 hecta đất trồng lúa đã bị thu hồi, làm hơn 1 triệu nông dân bơ vơ. Luật sửa đổi luật đất đai năm 2003 – nhằm kích thích “phát triển” bằng cách đơn giản hóa các hợp đồng lớn – có vẻ như lại làm tăng tốc độ nông dân mất đất. Trong số 31.000 đơn khiếu nại liên quan đến đất đai trong năm 2007, khoảng 70% phản ánh việc được đền bù không thỏa đáng cho số đất bị thu hồi.
Chưa có bằng chứng vững chắc nào cho thấy bộ chính trị đã quyết định sửa đổi hiến pháp Việt Nam, bản hiến pháp với nội dung nêu rõ rằng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện quản lý.” Tuy nhiên, vụ nổ súng hồi đầu tháng 1 của một gia đình nông dân nhằm vào lực lượng cảnh sát được điều tới để cưỡng chế thu hồi 20 hecta đất nuôi cá của họ đã thể hiện vấn đề theo cách trần trụi nhất.
Phân tích vụ Tiên Lãng, tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị bình luận: “Gần 20 năm qua, kể từ luật Đất đai 1993, người nông dân tin tưởng vào công cuộc đổi mới bởi họ nhất quyết rằng, sau khi hết thời hạn giao đất, họ sẽ tiếp tục được quyền sử dụng đất đó làm tư liệu sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu, tài sản trên đất là tài sản thuộc quyền sở hữu của riêng họ được pháp luật bảo vệ. Đó là cơ sở chính trị để người dân tiếp tục tin Đảng, theo Đảng.
Giờ đây, dường như chỉ có một hành động quyết liệt của Đảng và chính phủ – nhằm bảo vệ quyền sở hữu của nông dân đối với mảnh đất mà họ đã lao động trên đó – mới có thể thỏa mãn dư luận Việt Nam. Chỉ có một thứ quyền không thể mơ hồ – là quyền sở hữu, chuyển nhượng, mở rộng hoặc cải thiện chất lượng đất đai tùy theo ý muốn của người nông dân – mới có thể xoa dịu nỗi lo sợ của họ. Nói tóm lại, Đảng và chính phủ chịu sức ép phải luật hóa truyền thống làng xã.
John Gillespie – một giáo sư Úc gần đây có nghiên cứu về cách thức các tòa án địa phương ở Việt Nam xử lý tranh chấp về quyền sở hữu – cho rằng còn nhiều ưu điểm khi đi theo hướng trên. Các thẩm phán, theo thông lệ, thường đẩy những người dân kiện tụng đến gặp trọng tài hòa giải, còn trọng tài thì có xu hướng rất mạnh là đề xuất phương án giải quyết dựa trên “lương tri và tình cảm của dư luận” hơn là căn cứ vào văn bản pháp luật. Gillespie phát hiện ra rằng họ làm thế bởi vì hòa giải chắc chắn là có khả năng cao hơn nhiều so với đương đầu cãi vã, trong việc đem lại một kết quả lâu bền cho tranh chấp đất đai.
Đó là giải pháp được hướng đến khi Đoàn Văn Vươn và các nông dân Tiên Lãng khác kháng cáo đối với lệnh của tòa án địa phương buộc họ phải rời khỏi trại cá mà họ đã lao động từ rất lâu và rất vất vả khó khăn để xây dựng nên. Các nông dân cùng với đại diện huyện Tiên Lãng đã nhất trí với cái giải pháp giữ thể diện mà trọng tài đưa ra. Tuy nhiên, chủ tịch huyện và chủ tịch xã của ông Vươn – hai anh em – nuốt lời.
Giấy trắng mực đen, hàng nghìn bài báo về vụ nổ súng ở Tiên Lãng đã xuất hiện trên báo chí Việt Nam, và còn hàng nghìn bài viết nữa được đăng tải trên không gian blog rất sinh động ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa rõ động cơ của quan chức địa phương – những người đòi Đoàn Văn Vươn phải trả lại khu đất đầm lầy cho thuê và cuối cùng đã quyết định thu hồi trại cá của ông Vươn bằng vũ lực.
Quan chức địa phương nói với một cán bộ điều tra thuộc Mặt trận Tổ Quốc rằng họ muốn giúp chính phủ tránh phải trả một khoản tiền đền bù lớn, nếu thực sự một sân bay mới sẽ được xây dựng dọc bờ biển, như đã có tin đồn. Dân làng thì nói, cũng với nhân viên điều tra đó, rằng họ tin là các quan chức muốn kiếm chác bằng việc bán lại trại cá, và quả thật là đã có nhiều người mua xếp hàng sẵn sàng rồi.
Đây là một phép đo xem công chúng nghi ngờ tới mức nào những nguyên nhân bí mật đằng sau việc nhà nước thu hồi tài sản ở Việt Nam, mà chưa một nhà phân tích nào nói ra rằng: các quan chức chỉ đang cố làm điều mà họ cho là luật đất đai khiến họ phải làm.
Nguồn: Asia Sentinel
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

3 comments:

  1. Nguồn gốc này là ở cái câu "Đất sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý" mà đó là một cách chêm từ để ăn cướp tư liệu sản xuất của bất kỳ ai. Cứ chuyển đổi đất là sở hữ của cá nhân và thang thuế hợp lý là giải quyết hết oan khiên!

    ReplyDelete
  2. Tui cũng nghĩ vậy. Trở lại ban đầu.

    ReplyDelete

LÊN ĐẦU TRANG