- Tối 15/1/2012, lần đầu tiên kể từ năm 1945, phiên chợ Gia Lạc - phiên chợ Tết Huế xưa, được phục dựng tại Việt Nam.
Chợ Tết Gia Lạc, phiên chợ nhân văn mang màu sắc xuân có từ gần 200 năm trước ở Huế đã được tái hiện trên tầng thượng tòa nhà Sailing, TP.HCM vào những ngày giáp Tết Nhâm Thìn. GS.TS Trần Văn Khê, bà Tôn Nữ Thị Ninh, cùng nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân... đã đến tham dự phiên chợ độc đáo này.
Lối vào phiên chợ Gia Lạc |
Hai bé gái thích thú với những đôi guốc nhỏ xinh |
Đến phiên chợ, khách được thưởng thức những món ăn Huế ngon và lạ từ ngoài dân gian lẫn trong cung phủ nấu theo lối cổ truyền như bánh ướt thịt bê xáo, bánh kê dùng với gà nướng lá chanh, bánh nậm gói lá dung, xôi đường nổi tiếng của làng cổ Phước Yên, mứt cam sành...
Dạo phiên chợ còn để trở về ký ức thiếu thời với những món đồ chơi như con tu huýt làm từ đất nung của làng cổ Phước Tích, con vo vo, con lung tung ngũ sắc. Đó còn là những đôi guốc gỗ trẻ con nhỏ xíu, cái dao cau, khúc xơ mướp để tắm, cái lược chải chí (chấy) mà ngày nay gần như biến mất.
Những vật phẩm như lược chải chí, xơ mướp để tắm nay đã dần biến mất |
Một phụ nữ đang hỏi mua phong bao lì xì |
Đặc biệt, đây là dịp hiếm có để những người hoài cổ đắm mình trong những vật phẩm văn hóa Huế đang dần tiến đến nguy cơ bị xóa sổ như hoa giấy Thanh Tiên, bông đũa ngũ sắc, trướng liễn làng Chuồn, tranh giấy làng Sình...
Những trò chơi dân gian cũng được nghệ sĩ Đức Tâm cùng nhiều nghệ sĩ khác điều khiển với tiếng rao bài chòi, tiếng hò bài tới vui tươi dí dỏm, hội xăm hường, bầu cua tôm cá náo nhiệt đậm không khí xuân.
GS.TS Trần Văn Khê tham quan khu trưng bày tại phiên chợ |
Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, Lê Thành Ân chụp ảnh cho phu nhân |
GS.TS Trần Văn Khê nói: "Chợ phiên ngày Tết hội tụ các yếu tố đặc thù của văn hóa Việt Nam. Chợ phiên Gia Lạc chứa đựng không gian Tết Huế xưa, văn hóa, ẩm thực, con người xứ Huế. Tiếc rằng, chợ Gia Lạc đã bị chìm trong quên lãng từ sau năm 1945".
Phiên chợ Tết Gia Lạc được hoàng tử Nguyễn Phúc Bính (Định Viễn quận vương), con vua Gia Long, khởi xướng, chỉ diễn ra trong những ngày Tết cổ truyền. Phiên chợ lần đầu tiên được tổ chức tại khu đất trước phủ của Định Viễn quận vương, trên đường qua thôn Vỹ Dạ đến ngã ba làng Nam Phổ. Thời kỳ đầu, chợ chỉ dành cho những ông hoàng, bà chúa thân thuộc trong phủ, sau dần mở rộng cho dân chúng tham gia chung vui.
Một mâm bánh mứt đặc thù xứ Huế |
Không chỉ ngon, món Huế còn bắt mắt, trang nhã |
Gia lạc có nghĩa là thêm vui. Đến với chợ Gia Lạc không phải để sát phạt giành mối, mua bán ra trò như những phiên chợ thông thường. Đến Gia Lạc ngày xuân, ai nấy đều ăn mặc đẹp, lòng vui như xuân và ngấm ngầm thi đua lễ độ, tao nhã với nhau.
Đây là lần đầu tiên phiên chợ Gia Lạc được phục dựng tại Việt Nam, do nghệ nhân người Huế Hồ Thị Hoàng Anh thực hiện. Trước đó, phiên chợ này từng được bà Hoàng Anh tái hiện vào năm 2002 tại khuôn viên trường đại học dân lập Munchuen, Đức, và một lần tại Le LieuUnique, Pháp.
Kéo dài đến 16/2, phiên chợ Tết Huế là điểm đến thú vị ngày xuân ở TP.HCM |
Lần thứ 3 phiên chợ Gia Lạc được phục dựng, nhưng là lần đầu ở VN |
V.T
Một nét văn hóa Tết cổ truyền,mang sắc thái của vùng miền cần lưu giữ...
ReplyDeletePhiên chợ Tết Gia Lạc được người con Vua Gia Long (1802-1820) khởi xướng tại Kinh đô Huế, theo GS Trần văn Khê, bị chìm vào quên lãng từ sau năm 1945, nay lại được phục dựng tại Saigon. Thật đáng trân trọng và nên bảo tồn, phát huy, nhất là tại Thành phố Huế, nơi phát sinh ra chợ phiên dịp Tết nguyên đán của dân tộc VN
ReplyDeleteChợ Mai - Chợ Gia lạchttp://wikimapia.org/382640/vi/Ch%E1%BB%A3-Mai-Ch%E1%BB%A3-Gia-L%E1%BA%A1c
ReplyDeleteMồng 1, mồng 2 Tết, khi các chợ nói chung đều vắng, thì chợ Gia Lạc, ở thôn Nam Thượng, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, lại họp đông đúc. Và mỗi năm, chợ chỉ họp đúng ba ngày, sau đó giải tán chờ đến năm sau. Gia Lạc, nghĩa là "thêm vui", còn có ý nghĩa là “nhà nhà an vui”, nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3 km về hướng Vĩ Dạ và cách bờ sông Hương khoảng 300 m. Theo sử sách, chợ do Định Viễn Quận vương Nguyễn Phước Bình - con thứ 6 của Vua Gia Long lập ra dưới thời Minh Mạng (Tết Nguyên đán Bính Tuất, năm 1826). Định Viễn Quận vương cũng là người gắn liền với câu ca làm bao nhiêu người thắc mắc: "Chợ Dinh bán áo con trai". Chợ Dinh thời ấy có bao nhiêu là hàng hóa, nhưng chỉ mỗi "áo con trai" là được nhắc đến. Có người giải thích rằng: Định Viễn Quận vương thời gian đầu hiếm muộn con, nên thường bỏ tiền mua toàn lụa may áo con trai rất đẹp, sau đó đem qua chợ Dinh ban rất rẻ để cầu phúc, cầu tự. Sau này, khi sinh được công tử Tĩnh Cơ, Định Viễn Quân vương mới sinh liền một mạch... 42 con trai và 31 con gái. Người ta đến với chợ Gia Lạc không chỉ đơn thuần vì nhu cầu mua - bán, mà vì thói quen, vì một tập tục đã có từ lâu đời. Họ lấy vui, lấy việc cầu may làm chính nên ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề, đặc biệt là việc đi lại, nói năng trao đổi với nhau đều ý tứ, lịch thiệp. Chú thích thêm: Vị trí chính xác của chợ Gia Lạc kéo từ chợ Nam Phổ đến chợ Mai, dưới dốc cầu chợ Dinh. Chợ Nam Phổ và Chợ Mai thì họp quanh năm, nhưng chợ xuân đặc biệt với tên gọi cũ là Gia Lạc thì chỉ diễn ra 3 ngày Tết. Hai địa danh Nam Phổ và chợ Dinh gần nhau và cũng gắn với câu ca dao nổi tiếng: “Mua cau nam Phổ mua trầu chợ Dinh”: Trầu ở chợ Gia Lạc là loại trầu Hương thơm ngon, lá lục, bán cao giá hơn các loại trầu khác. Đấy là trầu chợ Dinh, đi liền với cau Nam Phổ, hai món hàng quý phái và đắt giá đến nỗi, các bà đi chợ thời trước phải than: “Cau Nam Phổ mỗi trái mỗi giác/ Trầu chợ Dinh mỗi lá mỗi tiền”. (Sagovina với tên người đăng ký là Lê Minh Đức (Midu-PR) ở ngay chợ Mai, tổ tiên về lập nghiệp từ hàng trăm năm trước, có cố nội xưa là quan tri huyện nhà Nguyễn, nên nắm rõ “nội tình” của chợ Gia Lạc – chợ Mai)
ohh hay quá , ngày mai em sẽ đi chợ phiên mới được , tối hôm qua e ra sg chụp hình kg biết toà nhà Sailing có tổ chức chương trình độc đáo này :)
ReplyDeletecái gì dduwwocj phục hưng cũng quý hen chị
ReplyDeleteHi hi..tức là đã qua sàng lọc:)
ReplyDelete