Cây cầu của ông Dũng
TẤN VŨ - ĐĂNG NAM | 03/03/2013 07:40 (GMT + 7)
TT - 300 triệu đồng tiền ky cóp chuẩn bị dựng căn nhà mới cho cả một đời bươn chải, nhưng chỉ sau một đêm trằn trọc, ông quyết định dành toàn bộ số tiền trên làm một cây cầu bắc ngang dòng Vu Gia để người dân làng mình qua lại.
Bây giờ hạnh phúc của người đàn ông tuổi đã ở ngũ tuần
ấy không phải là căn nhà tươm tất, mà là nhìn người dân làng ra đồng,
nhìn lũ học trò tung tăng đến lớp mà không còn cảnh lụy đò giang... Ông
là Lê Tất Dũng ở thôn Phú Lộc (xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng
Nam).
Nối những mùa vui
"Cũng tính chuyện thu phí nhưng anh Dũng bảo dân làng nghèo lấy chi mà thu!"
Ông Nguyễn May (trưởng thôn Phú Lộc)
|
Thôn Phú Lộc nằm sát dòng Vu Gia đỏ quạch. Những bãi
bồi trồng cây thuốc lá, bắp chạy dọc triền sông đang trong mùa thu
hoạch. Từng chuyến xe nặng trĩu lá thuốc, bắp non lần lượt lao vút qua
cầu rồi rướn hết ga chạy về cuối làng.
Bà Ba Hưng (65 tuổi, chủ cái chòi tre ngay đầu cầu bán
nước cho khách vãng lai) vừa thấy chúng tôi là khoe ngay: “Cây cầu ni
của chú Dũng tự làm cho dân đi đó”.
Rồi bà Ba Hưng kể tiếp: “Hồi trước, muốn qua bên kia
sông phải chèo ghe. Con nít đi học cha mẹ phải đi cùng. Dân nông ra đồng
phải đi sớm, 5g chiều là lo về nếu không trễ đò. Chừ thì khỏe re”.
Tiếng kể chuyện của bà Ba Hưng đứt quãng bởi tiếng xe máy ầm ào từ bên
kia cầu phao rướn ga leo dốc về cuối làng. Chưa đầy 15 phút nhưng gần 40
chuyến xe máy đầy ắp nông sản từ bắp, thuốc lá, ớt... vun vút qua cầu.
Cây cầu phao dài gần 80m, rộng 2m, lát ván gỗ, được nâng bởi 150 thùng
phuy và chịu được tải trọng 750kg, từ nay đủ sức nâng đỡ toàn bộ mùa
màng đang thu hoạch của người nông dân chuyên chở bằng xe gắn máy.
Cây cầu đong đưa theo dòng nước bởi tất cả được níu
bằng những trụ bêtông nặng đến 250 tấn chôn sâu ở hai đầu cầu, một hệ
thống cáp to bằng ngón chân cái níu giữ thân cầu. Giữa cầu, một tuôcbin
có nhiệm vụ nâng đỡ rồi quay một phần thân cầu khi có tàu thuyền đi qua.
Hai thành cầu được hàn bởi các thanh sắt nhỏ để bảo vệ, đồng thời là
tay vịn cho người đi bộ qua cầu. Bà Ba Hưng cười toe khi nói đùa: “Chú
Dũng tự làm mà y chang cầu sông Hàn ở Đà Nẵng đó chớ. Cũng có chỗ quay
cho tàu bè qua lại đó thôi!”.
Dừng chiếc xe chở đầy đậu phộng ngay giữa cầu, ông
Nguyễn Thành Năm, người dân thôn Phú Lộc, gạt mồ hôi bắt chuyện: “Đỡ lắm
chú à! Từ ngày có cầu, hàng ngàn hộ dân nơi đây chở nông sản về nhà
nhanh hẳn. Chúng tôi có thể ra đồng từ sáng sớm, hôm có trăng, làm đất
đến khuya về nhà cũng chẳng sao. Không còn lụy đò giang như xưa nữa”.
Kẻ ngược đời
Trong khi hàng xóm tích cóp tiền tỉ để đầu tư sản xuất
sinh lời thì ông Dũng quyết định làm điều ngược lại. Bao nhiêu tiền của
gom góp trong suốt 20 năm quần quật, ông đổ hết vào cây cầu. Gia tài còn
lại chỉ là căn chòi lợp tôn, tứ bề dột nát, cùng chiếc tivi nội địa và
bộ đồ nghề sửa xe máy.
Ông Dũng lui cui tìm chiếc ghế tươm tất để tiếp khách
nhưng cả bốn chiếc ghế nhựa chẳng chiếc nào lành lặn. Cái gãy chân, cái
nát mặt, cái dính đầy sơn xe... Ông đành vớ lấy một chiếc yên xe máy của
khách đang sửa bỏ xuống đất mời khách. Đầu xuân nhưng những mái tôn
trong căn chòi nhỏ này đã bắt đầu nóng hầm hập. Từng sợi nắng xuyên qua
các lỗ thủng rọi mồn một xuống nền đất, xuống bếp và xuống chiếc giường
nơi ông nằm với ngổn ngang bản vẽ.
Hôm chúng tôi đến thăm, vợ chồng bà Phạm Thị Kim Thanh
từ Thụy Điển cũng về tìm thăm ông Dũng. Dẫn chúng tôi ra trước sân nhà,
ông cười thều thào: “Nhà cửa tạm bợ, vợ chia tay cũng lâu rồi. Với tôi,
gia tài là chiếc cầu vừa khánh thành và nụ cười của bà con chòm xóm”.
Cảm phục tấm lòng của bạn cũ, bà Thanh nghẹn ngào: “Hơn 25 năm xa cách,
trước khi về quê tôi cứ nghĩ trong bụng rằng bạn (ông Dũng) chắc giờ đã
giàu có lắm rồi. Vậy mà khi tận mắt thấy chiếc cầu tôi mới hiểu. Nếu
không có đôi mắt sáng của anh ấy, có lẽ tôi không thể nào nhìn ra được
bạn mình. Anh ấy già và nghèo xơ xác quá”. Nhìn lại căn nhà đã quá rách
của mình, ông Dũng nói: “Không sao cả, cứ thế... mà sống. Miễn sao mọi
người cùng vui vẻ là được rồi”.
Khi được hỏi vì sao “tiền làm cầu cho thiên hạ đi trong
khi nhà mình thì quá nát”, ông Dũng cười bảo: “Ban đầu tôi tính dựng
nhà nên mời ông chủ thầu khoán đến đo đạc... Nhưng cứ nghĩ cảnh mùa lũ
mấy đứa trẻ bên kia sông vẫy gọi đò rồi co ro chen nhau qua con đò bé
xíu, rồi nhớ cảnh ông May (ông Nguyễn May, trưởng thôn Phú Lộc) cùng
chiếc xe rơi xuống sông khi chở bắp nên tôi đành xin lỗi ông thầu khoán,
quyết định không làm nhà nữa”.
Nước mắt người nghèo
Vậy là từ tháng 10-2012, ông Dũng bắt đầu chạy xe máy
ra Đà Nẵng lùng sục khắp nơi tìm mua thùng phuy, cáp kéo, tời... Sau đó
một mình ông lui cui vẽ cầu rồi chạy lên huyện, tỉnh xin giấy phép.
“Trước khi làm, tôi xin chính quyền được họp dân để hỏi ý kiến cho tôi
được làm cầu. Dân làng ủng hộ rầm trời” - ông Dũng nói.
Là thầy giáo cơ khí, lại là một thợ hàn lão luyện, thế
mà phải mất hơn 70 ngày công trình cầu phao của ông mới hoàn thành. “Cứ
bốn thùng phuy tôi ghép thành cái phao và tổng cộng gần 150 cái phuy
được hàn chặt vào nhau tạo nên cây cầu này” - ông Dũng kể. Ngày ông Dũng
bắt tay xây cầu, không những người dân làng Phú Lộc mà làng trên xóm
dưới đều kéo đến giúp đỡ. Người rảnh tới giúp ông cắt sắt, thanh niên
giúp ông ghép phuy và khi bộ phận nào xong thì hàng chục người dân xúm
lại khiêng lên để sẵn ra bến sông.
Ngày khánh thành cầu phao Phú Lộc, cả làng vui như mở
hội. Chính quyền huyện, xã, thôn đều về dự đông đủ. Những đứa trẻ chạy
lon ton, có đứa tinh nghịch nhún nhảy rầm rầm trên nền ván cầu. Nhìn
người dân tấp nập lên xuống đông vui, những cái bắt tay thắm tình, những
ánh mắt tri ân, những cái ôm trìu mến, ông Dũng trào nước mắt.
Tết vừa rồi trai tráng trong làng còn đốt lửa trại ở
đầu cầu ca hát. Người dân xã Đại Tân và xã Đại Cường có thể thăm nhau mà
không bị đò ngang cách trở. Những chiếc xe máy, xe chở người đi cấp cứu
có thể qua sông bất cứ lúc nào mà không phải gọi đò.
Ông Nguyễn May nghẹn ngào: “Người dân ở đây tự hào lắm.
Chú ấy vừa tốn của vừa tốn công, mình chẳng có chi giúp được cũng áy
náy nhưng người quê chỉ có tấm lòng...”. Rồi ông May phân vân: “Vừa rồi
khi khánh thành cầu, anh Dũng có ý bàn giao cây cầu cho thôn hoặc xã
quản lý. Nhưng quản lý thì làm sao bảo trì, cũng tính chuyện thu phí
nhưng anh Dũng bảo: “Dân làng nghèo lấy chi mà thu!”. Vậy nên thôn giao
cho anh ấy quản lý luôn, bởi anh biết hàn, biết sửa, nếu có hỏng hóc anh
ấy sửa giúp rồi từ từ tính!”.
Mơ quê hương đổi thay
Kể chuyện bảo trì cây cầu, ông Dũng cười để lộ hàm răng
khuyết, khẽ nói: “Tôi nghĩ quê hương rồi đổi thay. Nhà nhà rồi hạnh
phúc. Mai mốt Nhà nước làm cầu bêtông thì cây cầu phao chỉ là kỷ niệm,
không lo gì bảo trì! Thứ lo nhất là mố cầu bằng đất bên kia sông chưa đổ
bêtông xong cho dân đi”. Làm cầu xong, thấy hai đầu cầu bằng đất, mùa
mưa đường dốc trơn như mỡ, vậy là ông Dũng quyết định vay thêm 40 triệu
đồng đổ bêtông nối đầu cầu với con đường làng. “Nhưng cũng chỉ được một
đầu, đầu còn lại bên kia vẫn ngổn ngang đất cát vì nói thiệt là tui hết
sạch tiền rồi. Muốn làm cho dân đi cho sướng lắm nhưng đành phải thư thư
thêm thời gian nữa”.
Cảm phục một tấm lòng cao đẹp càng khinh bỉ cho bọn PMU 18
ReplyDeleteNên thu phí..:)
ReplyDelete