Thursday, February 7, 2013

Dân không khổ mới lạ!

  Thứ Năm, 07/02/2013
(Dân trí) - “3 “sếp” chỉ đạo... 1 nhân viên”. Đọc dòng tít trên, không khỏi bật cười và thốt lên “loạn quan”. Người xưa có câu: “Đa quan thì tàn dân”. Nhiều quan dân đã khổ rồi mà quan lại đông hơn dân thì dân không khổ mới lạ!
 >>  3 “sếp” chỉ đạo... 1 nhân viên


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)
Bài báo trên cho biết Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An ngoài 1 giám đốc còn có 6 phó giám đốc. Riêng Phòng Tài chính kế toán có 15 người có 1 trưởng phòng và 6 phó phòng.

Sở Nội vụ tuy chỉ có 31 biên chế nhưng có tới… 19 lãnh đạo gồm: 1 giám đốc, 4 phó giám đốc và các trưởng, phó phòng. Phòng Công chức viên chức của Sở hiện có 4 nhân viên thì có 3 lãnh đạo gồm 1 trưởng phòng, 2 phó phòng.

Độc đáo hơn, Phòng Tài chính kế toán của UBND huyện Anh Sơn có 4 biên chế thì tất cả đều là “quan”, gồm 1 trưởng phòng và 3 phó phòng. 

Tình trạng “thừa quan, thiếu dân” này có lẽ không chỉ ở Nghệ An mà có ở nhiều nơi. Đã từng có xã mà theo báo chí, chỉ 10 ngàn dân có đến hơn 500 cán bộ.
Trong khi đó, Nghị định 13/2008 qui định cụ thể số lượng Phó Giám đốc sở không quá 03 người; riêng số lượng Phó Giám đốc các sở thuộc UBND TP. Hà Nội và UBND TP.  Hồ Chí Minh không quá 04 người.

Đúng là… “loạn quan”. Nhiều quan thế, dân không khổ mới lạ.
Khổ không chỉ bởi phải còng lưng đóng thuế nuôi quan mà khổ vì nhiều quan thế sẽ không có người làm. “Một người lo bằng kho người làm”, nhưng kho người lo thì… không có ai làm. Làm quan cả nên ai cũng oai, cũng oách rồi nảy sinh ra công việc bị chồng chéo, bì tị, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Đó là chưa kể là rất dễ dẫn đến tình trạng tranh danh, giành lợi mà kiện tụng, bè phái đấu đá lẫn nhau gây mất đoàn kết…
Trong khi đó thì gần đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải kêu lên: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào".
Đã lắm quan lại còn “không có cũng được… sáng cắp ô đi, tối cắp về” thì công việc trì trệ là phải.
Ở đời, cái gì hiếm mới quí. Đông quan khiến cái danh quan cũng… nhảm nhí. Ở cái phòng mà 3 lãnh đạo chỉ có một nhân viên như đã nói ở trên thì nhân viên trở thành… hàng độc. Ví như việc lấy phiếu tín nhiệm từ quần chúng chẳng hạn. Nếu nhân viên này “lắc” ai là người đó coi như 100% không có tín nhiệm. Tết này, có khi các sếp đua nhau mà… quà cáp ấy chứ?!
Nói thế cho vui thôi, còn để xảy ra tình trạng này lỗi chính vẫn thuộc về khâu tổ chức cán bộ. Nó thể hiện sự trì trệ của một khâu rất quan trọng này.
Dân gian có câu: “Đa quan thì tàn dân”. Nhiều quan dân đã khổ rồi mà quan lại nhiều hơn dân thì dân không khổ mới lạ!

Bùi Hoàng Tám

1 - Hai Lúa - 07:22 07-02-2013
Đâu phải chỉ có ở Nghệ An là quan nhiều hơn quân, sếp nhiều hơn nhân viên, ở Hà Nội còn hơn cả vậy
2 - hoathachthaols3000 - 08:17 07-02-2013
Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao phí chồng phí,thuế chồng thuế rồi,nhiều quan như thế này,không đóng thuế nhiều thì sao mà đủ tiền để trả lương cho các"ngài" chứ.đấy là chưa nói đến chuyện nhiều "ngài" tham ô tham nhũng nữa,vừa rồi nhà nước nâng mức giới hạn thuế TNCN lên 9tr trong 6 tháng cuối năm.làm tôi vui mừng khôn nguôi,nhưng đùng 1 phát đến cuối năm,chi cục thuế ra một cái quyết định làm tất cả đều phải choáng váng,đó là cộng cả tháng lương 13 vào lương tháng 1 để đóng thuế,thế là mình mất toi 1tr3 tiền thuế TNCN.Tăng ca gần chết cả tháng,mới được ít tiền để ăn tết cũng không yên. Chúc tất cả mọi người một năm mới an khang thịnh vượng.Mơ về một tương lai tươi sáng
3 - donle - 08:19 07-02-2013
Qua dung ...
4 - Công chức - 08:29 07-02-2013
Vấn đề cần làm ngay bây giờ là cắt giảm số lượng những công chức kém cỏi của chúng ta hiện nay
5 - nguyenthigiap - 08:34 07-02-2013
Quan nhiều đến thế thì dân sống sao nổi. Trong cơ quan 10 dân có 2 quan mà dân đã khó sống nổi với quan.
6 - Đào Tuấn - 08:35 07-02-2013
Tôi tưởng chưa có quy định của Chính phủ về số lượng "quan" cấp phó. Ra là đã có quy định rõ ràng rồi mà người ta vẫn cố tình làm trái. Vậy phải truy trách nhiệm của người ra quyết định bổ nhiệm sai quy định. Chúng ta cần tuyển người cho vị trí công việc chứ không phải tìm vị trí công việc cho người (thừa). Tiếc thay việc này vẫn xảy ra mà không được xử lý. Thật nguy hại!
7 - tranthanbinh - 08:36 07-02-2013
Làm "quan" thì mới có bổng lộc, được thanh toán cước điện thoại, được "điều xe công" đi công tác, việc riêng, được hưởng hệ số trách nhiệm cao ngất ngưởng, được hưởng chế độ đãi ngộ từ việc "hỉ" đến việc "hiếu". Được đi họp, dự tiệc, tham quan, du học nước ngoài. Lâu dài hơn là được hưởng hệ số lương cao khi về hưu. Nhận cao mà "làm ít" dại gì mà không làm quan và vì lẽ đó nên cứ "bổ nhiệm đại" cho "công bằng, có tình, có nghĩa". Tiền của Dân chứ của Lãnh đạo bỏ ra đâu mà e ngại. Có điều chỉ "lính" mới làm việc, còn "quan" chỉ ký và "chỉ đạo" nên việc không chạy, rối tinh lên vì "lính ít" mà "quan nhiều".
8 - thanhtam - 08:53 07-02-2013
vấn đề là tại sao lại có hiện tượng đó Cơ quan tôi làm cũng 1 giám đốc 6 phó và cũng có phòng 4 người thì 3 lãnh đạo...
9 - Phan Lạc Tuấn - 08:57 07-02-2013
“Lắm sãi không ai gác cửa chùa”
10 - vantuyen - 09:07 07-02-2013
ôi, thế này thì khó nhỉ...
11 - bacviet.tp01 - 09:08 07-02-2013
Nước Pháp có hơn 60 triệu dân mà họ có 5.300.000 công chức, Việt Nam có hơn 80 triệu dân lại có tới trên 26triệu công chức.Căn cứ theo số lượng này thì dân phải sướng nhất chứ? Ai là người trả lời về vấn nạn này???
12 - nguyenquybinh - 09:08 07-02-2013
Bộ máy cán bộ công chức của chúng ta quá đông làm gánh nặng ngân sách không lồ, nên lương cho cán bộ thấp nên gây ra hiện tượng tham ô , tham nhũng , cửa quyền. Đặc biệt hiện nay nhiều cán bộ công chức không sống bằng lương mà sống bằng tiền tham ô , tham nhũng.Như ở một quận TP. HCM nè cán bộ toàn là ở nhà lầu xe hơi đi tay ga đắt tiền không hà , tuần nào cũng tụ tập nhậu nhẹt linh đình tạo mối quan hệ .
13 - langtupc78 - 09:11 07-02-2013
Ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An còn độc hơn nhiều ngoài nhiều "quan" theo phong trào của tỉnh thì "quan" ở đây rất trẻ!
14 - Hoang Ngoc - 09:20 07-02-2013
Nói nhiều quá rồi, hảy làm đi...đuổi hết sáng cắp ô đi tối căp về là yên chuyện.
15 - Quan về hưu - 09:24 07-02-2013
Hiện tượng trên không phải chỉ có ở Nghệ An đâu và cũng không phải bây giờ mới có mà nó trở thành phổ biến ở nhiều nơi nhiều cơ quan rồi. Rất cám ơn Bùi Hoàng Tám đã nêu vấn đề nhiều quan thiếu dân lên để thông tin cho mọi người biết. Theo tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải ban hành các quy định về " quan " và Bộ Nội Vụ phải rà soát lại để vị nào làm được quan thì cho làm vị nào không làm được quan thì xuống làm dân để tiền của nhân dân đóng góp khỏi phải nuôi những vị quan rởm nữa
16 - khanhlinh - 09:39 07-02-2013
những trường hợp như thế này thì cứ truy trách nhiệm của ngươi đứng đầu là ko còn tình trạng này nữa ngay
17 - heomilo123 - 09:41 07-02-2013
Cơ chế quản lý này chỉ có ở mình thôi chứ chã có nơi đâu có cả...
18 - Nguyễn Phúc Định - 09:57 07-02-2013
Theo tôi, Nhà nước nên có chính sách tinh giản biên chế, trợ cấp 1 lần như trước đây đã làm, như NĐ132, NQ16.
19 - minh long - 09:59 07-02-2013
Tôi thấy Phải kiểm tra lại sở nội vụ của các tỉnh, thành phố để sảy ra tình trạng trên. Quy rõ trách nhiệm và xử lý đến nơi đến chốn...
20 - duc - 10:02 07-02-2013
Bai viet rat thuc te.rat hay xin cam on tac gia.
21 - nguyen phong - 10:04 07-02-2013
đâu chỉ có thế mà thêm chuyện quan ""mua Bằng Cấp"".
22 - Nguyễn Phúc Định - 10:04 07-02-2013
Nhà nước nên có chính sách tinh giản biên chế như trước đây đã làm.
23 - ngocduong - 10:15 07-02-2013
Tết đến nhưng trong lòng buồn quá.Bộ máy biên chế Nhà nước càng lúc càng phình to ra, bên cạnh đó các quy định Nhà nước rối rắm, chồng chéo ...
24 - hoang - 10:23 07-02-2013
Tác giả nói không sai, Nhưng chúng ta nói mãi cũng chỉ là nước đổ lá khoai thôi ạ.
25 - Bùi Thuận - 10:30 07-02-2013
Hay quá, người Việt mình hay có câu" Có chí làm quan, có gan làm giàu", các vị ấy toàn bận "Đại Trí" nên làm quan là đúng thôi. Vấn đề đặt ra ở đây là cả nước có bao nhiêu huyện , bao nhiêu sở như ở Nghệ An? Có lẽ con số không dưới 50% đâu, thậm chí 50% còn là con số khiêm tốn! Dân không khổ đâu các bác ạ, dân chịu khổ quen rồi mà!
26 - minh sơn - 10:31 07-02-2013
nhiều quan tàn dân...cả đống người làm công việc của một người,họp hành thì kéo dài,liên miên trong khi nội dung có lẽ chỉ cần có nửa tiếng.không khổ,không nghèo mới là lạ!
27 - tran long - 10:40 07-02-2013
Sao ma dao nay Nghe An nhieu chuyen the nhi .
28 - cao cuong - 10:42 07-02-2013
Ở đâu cũng vậy,nói mãi khổ lắm....
29 - Nam - 10:43 07-02-2013
Ôi Việt Nam, bao giờ mới phát triển được đây!
30 - hongnguyen - 10:44 07-02-2013
Bác sĩ ở sứ mình mà nhiều như Quan thì dân ta đỡ khổ
31 - Trần Ngọc Yến Nhi - 11:06 07-02-2013
Bài viết hay lắm thực sự bản thân mình đây cũng đang rất bức xúc không chỉ sếp lớn mà trợ lý của sếp, người chơi thân thiết với trợ lý của sếp cũng đàn áp nhân viên yếu thế hơn...Họ nghĩ họ giõi họ có quyền đó..họ lên mặt và làm những điều thể chấp nhận được....Chán
32 - Tiendung - 11:40 07-02-2013
Thì con cháu các cụ cả. Đó là tầng lớp kế cận mà.
33 - Bùi Như Lạc - 12:03 07-02-2013
Cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy quản lý, luân chuyển cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo . v.v và v.v khẩu hiệu quá hay nhưng thực tế thì quá kém. Cứ thế này thì còn tụt hậu, Người làm công tác tổ chức mà chỉ tính chuyện "cá kiếm" thì đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng như vậy!
34 - Nhanduong - 12:08 07-02-2013
mih la dan thuog ma lam sao noi duoc cac ban oi.
35 - trần hùng - 14:03 07-02-2013
Đúng là lãng phí, không hiệu quả.
36 - nguyen bac - 14:06 07-02-2013
qua hay va qua dung!
37 - trần hùng - 14:29 07-02-2013
" 11 - bacviet.tp01 - 09:08 07-02-2013 Nước Pháp có hơn 60 triệu dân mà họ có 5.300.000 công chức, Việt Nam có hơn 80 triệu dân lại có tới trên 26triệu công chức.Căn cứ theo số lượng này thì dân phải sướng nhất chứ? Ai là người trả lời về vấn nạn này???" -- Cảm ơn bác bacviet.tp01 để chúng ta có thể định lượng vấn đề không phải là cảm tính. Như vậy ở pháp: 1 Người dân bình thương phải nuôi 0.096 công chức. Ở VN : 1 người dân binh thường phải nuôi 0.4815 công chức. Nhìn thấy con số trên mới thấy sự đau sót và lãng phí. VN còn nghèo, ngân sách ít thì với con số trên hỏi sao lương công chức cao được.Theo tôi,chúng ta nên thuê ngay tư vấn độc lập của chính phủ Pháp qua cơ cấu lại hệ thống công chức của VN, chuẩn hóa lại và đưa CNTT vào. Nếu ai không đủ tiêu chuẩn, dư thừa thì cho ra nghỉ hưu sớm, ai còn tuổi lao động thì động viên cho tham gia vào lĩnh vực sản xuất trong các doanh nghiệp để tạo ra của cải cho xã hội.
38 - Hửu Hùng - 14:53 07-02-2013
Đúng là thực trạng nầy chỉ có thể có ở Việt Nam!
39 - Thanh Hóa - 15:02 07-02-2013
Có nơi cuối năm trước là hợp đồng lao động, đầu năm thi công chức, giữa năm đã là Phó Chánh Văn phòng. Ôi. Giỏi quá.
40 - nguyen đinh phong - 15:03 07-02-2013
bác Tám ơi! bác cứ nhìn về quê hương Thái Bình mình thôi: ở UBND , tỉ lệ quan trên dân trên còn cao hơn nhiều, có phòng nghiệp vụ chỉ toàn "quan" 1 trưởng phòng, 02 phó phòng
41 - Truong giang - 15:04 07-02-2013
Cái này đúng đấy , CQ tôi có phòng 3 nhân viên 1 trưởng 1 phó phòng 1 nhân viên
42 - buivanhai - 15:11 07-02-2013
"Đa quan thì tàn dân".
43 - rooney_phe - 15:35 07-02-2013
tôi đi chứng giấy tới nơi chứng họ bảo sếp đi hộp rồi hẹn hôm khác.không biết mấy ông phó làm gì

4 comments:

  1. Người làm ít lương cao hơn người làm nhiều vì có nhu cầu hưởng thụ cao hơn nhưng do năng lực kém hơn nên phải làm ít thôi!

    ReplyDelete
  2. 840 ngàn “quả mìn” mang tên… “công chức”!
    (Dân trí) - Muốn xây dựng một nền công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả” theo tinh thần dự án cải cách chế độ công vụ, công chức thì việc cực kỳ quan trọng là kiên quyết đưa số “sáng cắp ô đi, tối cắp về” ra khỏi cơ quan công quyền.

    "Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào". Đó là lời phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức mới đây.

    Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên có người nói tới con số 30% công chức không được việc. Có điều, ông Phúc là quan chức cao cấp nhất đề cập tới tỷ lệ này.

    Theo số liệu, hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu công chức. Nếu lấy tỉ lệ 30% của 2,8 triệu thì con số này là khoảng 840 ngàn người. Tuy nhiên, nhiều người còn cho rằng đó vẫn là con số khiêm tốn bởi trong thực tế, nó có thể là 40%, 50%...

    Xin làm một phép tính đơn giản. Nếu lương cộng với các khoản chi khác như lễ, tết, điện nước, văn phòng… tính bình quân mỗi người 5 triệu đồng/tháng thì mỗi năm, ngân sách nhà nước chi cho số người “sáng cắp ô đi, tối cắp về” khoảng 50.000 tỉ đồng (2,5 tỉ USD). Giả sử đem số tiền này dành tăng lương, có lẽ sẽ tăng gấp đôi hiện nay.

    Một khoản tiền khổng lồ được chi tiêu lãng phí từ nguồn đóng thuế của người dân.

    Thế nhưng, cái nguy hại từ con số 840 ngàn này không chỉ là tiền bởi họ không chỉ “sáng cắp ô đi, tối cắp về, làm việc không hiệu quả” mà còn là những vật cản, thậm chí những “quả bom mìn” tiềm ẩn.

    Lý do không khó để chỉ ra bởi trong số 840 ngàn người này nếu không bất tài thì họ cũng là kẻ lười biếng. Mà gần như một qui luật, trong một tập thể những kẻ lười biếng luôn ghen ghét với người chăm chỉ. Nguyên nhân, bởi chính những người chăm chỉ là những “tấm gương” phản chiếu làm lộ rõ chân tướng của kẻ lười biếng.

    Tương tự như vậy, kẻ bất tài luôn kèn cựa, ghen ghét với người có năng lực bởi chính những người có năng lực làm lộ rõ cái sự bất tài của họ.

    Đã vậy, kẻ bất tài thường hay nhòm ngó, bới lông tìm vết những người có năng lực. Họ còn hay tỏ vẻ ta đây là “ông quan trọng”, từ đó dẫn tới quan liêu, hách dịch.

    Kẻ bất tài và lười biếng lại thường khéo nịnh cấp trên, giỏi “tô vẽ” nên gặp những vị sếp quan liêu, khó có thể nhận biết và điều này gây ức chế cho tập thể.

    Kẻ bất tài, lười biếng còn là “động lực” làm thui chột những người chăm chỉ và có năng lực. Không ai muốn chăm chỉ, phát huy hết năng lực khi mà bên cạnh mình có những kẻ bất tài, lười biếng làm ít lại được hưởng nhiều.

    Trong một cơ quan, những ai lười biếng và bất tài thường là những người hay kêu ca, đòi hỏi và yêu sách.

    Nghiêm trọng hơn, trong đó là lũ “Lý Thông” luôn luôn rình rập tranh công lao, cướp thành quả của các bậc hiền tài.

    Vì vậy, 840 ngàn nhân tố “sáng cắp ô đi, tối cắp về” không chỉ là những kẻ ăn bám mà còn là những “quả mìn” thật sự. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nền hành chính quốc gia trì trệ, “hành dân là chính”?

    Do đó, muốn xây dựng một nền công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả” theo tinh thần dự án cải cách chế độ công vụ, công chức thì việc cực kỳ quan trọng là kiên quyết đưa số “sáng cắp ô đi, tối cắp về” ra khỏi cơ quan công quyền.



    Bùi Hoàng Tám

    ReplyDelete
  3. Chiện nhỏ, nhà tớ một phòng 4 nhân: 1 trưởng, hai phó, 1 nhăn răng!

    ReplyDelete

LÊN ĐẦU TRANG