Thursday, February 28, 2013

Câu chuyện về viên đá kì lạ đặc trị rắn cắn

Câu chuyện về viên đá kì lạ đặc trị rắn cắn

Thứ ba 26/02/2013 12:56

(GDVN) - Viên đá nhỏ gần bằng bao diêm, màu đen, được cắt gọt vuông vức, hai mặt đều có khắc chữ u, nhìn qua chỉ như một thỏi nam châm hút sắt đơn thuần nhưng đó lại là viên đá thần kì cứu sinh mạng của hàng nghìn người bị rắn độc cắn.

“Khắc tinh” của rắn độc.
Viên đá thần kì đó hiện đang thuộc sở hữu của ông Vũ Văn Khản, trú tại thôn Dương Cước, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông Khản là đời thứ hai sở hữu viên đá, sau cha ông là Vũ Văn Vần.
Ngôi làng cổ giữa vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng lọt thỏm giữa những cánh đồng bạt ngàn lúa, rau và những bụi tre lớn nên rắn độc có địa bàn “hoành hành”, quanh năm trong làng có người bị rắn cắn.
Ông Vũ Văn Khản cũng đã ở cái tuổi lục tuần. Nhiều năm nay, ngoài công việc của nhà nông, lúc lại đi xây, ông còn “phát tâm” bằng việc dùng viên đá gia truyền để cứu giúp những người bị rắn độc cắn mà không lấy tiền. Chỉ là thành tâm của người nhà bệnh nhân đưa ông vài đồng uống nước.
Nhìn qua viên đá chỉ như một thỏi nam châm hút sắt đơn thuần nhưng đó lại là viên đá thần kì cứu sinh mạng của hàng nghìn người bị rắn độc cắn.
Ông Khản kể lại, viên đá đó là do cụ nội của ông để lại từ trước Cách Mạng Tháng 8. Nó là “tài sản” của một tổ hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa. Trước khi nhận nhiệm vụ ở xã Hồng Thái, các cán bộ này hoạt động ở vùng rừng nhiều rắn độc nên họ được cấp trên cho viên đá để hút nọc mỗi khi bị rắn cắn. Tổ hoạt động này ở tại gia đình người ông của ông Vần. Khi hoàn thành nhiệm vụ, họ tặng lại gia đình làm vật kỷ niệm và để cảm ơn công che giấu tài liệu cho cán bộ. Mặc dù được cho biết công dụng, nhưng gia đình ông khi ấy chỉ lưu giữ viên đá như một vật kỉ niệm. Mãi đến năm 1972, nhân trường hợp một người dân gần nhà bị rắn độc cắn, ông Vần mới lấy viên đá ra chữa thử theo cách người cách mạng năm xưa truyền lại, và bất ngờ với công dụng đặc biệt của nó.
Nói về phương pháp trị độc rắn, ông Khản cho biết: Chỉ cần đặt viên đá lên vết rắn cắn, nếu mới thì chỉ cần 1 tiếng, lâu thì 1 vài tiếng viên đá sẽ hút hết nọc độc, không qua mổ xẻ hay thêm một phương pháp nào khác. Khi hết nọc, viên đá sẽ tự động rơi ra.
Kinh nghiệm nhiều năm đã giúp ông quan sát vết cắn và biết rắn nào là rắn độc, tuy nhiên để bệnh nhân an tâm, thì với vị khách nào ông cũng dùng viên đá kiểm tra qua. Điều kì lạ, nếu là rắn độc viên đá sẽ dính chặt vào vết cắn. Nếu ko phải rắn độc viên đá sẽ ko hút vào.
Khi không làm "công việc cứu người" viên đá được bảo quản trong 1 chiếc hộp nhỏ.
Ông Khản cũng cho biết thêm, nếu đã dùng một loại thuốc chữa rắn cắn nào đó trước khi dùng viên đá để chữa thì rất khó khăn, có lẽ do nọc độc đã bị phân tán; đặc biệt là vết thương đã bị rạch rộng để hút máu độc ra cũng rất khó chữa vì không biết chính xác rắn cắn ở vị trí nào. Với những vết cắn nếu bị sưng, đen hoặc mổ xẻ, chỉ có thể hút nọc độc chứ không thể chữa thối.
Khi đặt viên đá lên vết thương, người bệnh sẽ có cảm giác tê buốt, nọc độc được hút đến đâu sẽ cảm nhận được đến đó, đến khi hết tê và viên đá nhả khỏi vết thương thì nọc trong người cũng hết. Tất cả nạn nhân sau khi được đá thần điều trị đều khoẻ mạnh và ăn ngủ bình thường, không thấy có biểu hiện khác lạ hoặc có tác dụng phụ.
Suốt 40 năm qua, mặc dù đã hút vào hàng nghìn nọc độc của các loại rắn khác nhau nhưng theo ông Khản, viên đá không có biến đổi gì khác biệt so với trước đây. “Viên đá cũng như một đứa trẻ, nó ăn vào nọc độc rồi mình cũng phải biết “nịnh” để nó nhả hết ra những chất độc đó thì công dụng lần sau mới lại phát huy”, ông Khản cười.
Chia sẻ về phương pháp thanh lọc nọc độc cho “đá thần”, ông cho biết đó là bằng cách cho viên đá vào một chén nhỏ chứa sữa người đang cho con bú để đá nhả hết nọc độc. Lúc đó, nọc độc sẽ nổi lên trên có màu đen hoặc vàng, tuỳ từng loại rắn và có mùi rất tanh, sữa ở trong chén sẽ trong như nước lọc đóng chai. Một điều lạ nữa là nếu viên đá không làm “nhiệm vụ” trong thời gian dài thì phải để vào chỗ đá nằm chừng 15 hạt gạo nếp. Sau một thời gian, những gạt gạo này đều "rỗng ruột", chỉ còn vỏ bọc. Và khi viên đá không làm công việc cứu người, phải bảo quản nó trong 1 chiếc hộp.
Giữ lại làm vật cứu người
Đến nay ông Khản cũng không nhớ được mình đã chữa khỏi cho bao nhiêu người. Từ lần đầu tiên cha ông dùng “ngọc đá” cứu người năm 1972, đến nay lời đồn “ngọc đá” không chỉ trong phạm vi làng xã nữa mà lan rộng ra nhiều tỉnh, có những người đến từ Nam Định, Hà Tây, Hưng Yên…
Gia đình chị Vũ Thị Thanh (thôn Dương Cước) đang ngồi quây quần bên mâm cơm. Câu chuyện về viên đá thần kì ấy cũng vừa được mỗi người trong số họ mang ra kể lại với một người họ hàng xa. Chị Thanh kể: Cách đây 3 năm, trong 1 lần đi vơ cỏ vào buổi sáng sớm, chị bị rắn hổ mang cắn vào tay phải. Lúc đó, chị cũng mải làm rồi quên đi chuyện mình bị rắn cắn. Tới trưa về nhà thấy choáng váng, nhức đầu, buồn nôn, chị mới đem chuyện kể cho các con nghe. Kiểm tra vết cắn hình tam giác ở bàn tay, theo kinh nghiệm, chị và con phát hiện, đó là vết rắn độc. Chị vội sang nhà ông Khẩn để nhờ tới sự giúp sức của viên đá thần kì ấy. Sau hai tiếng đồng hồ chữa trị, chị thấy người bình thường trở lại và có thể đi làm việc đồng ngay.
Cách đây 3 năm, chị Vũ Thị Thanh (thôn Dương Cước, Hồng Thái, Kiến Xương, Thái Bình) cũng đã từng được viên đá cứu sống khi chị bị rắn độc cắn.
Trước đó, viên đá đã chữa khỏi cho ông Nguyễn Xuân Báu, nguyên chủ tịch xã Hồng Thái, ông Đỗ Văn An, làm nghề bắt rắn bị rắn độc cắn tới 10 lần; ông Vũ Văn Trìu, Vũ Văn Út, Phạm Văn Thỉnh, Phạm Việt... chị Đỗ Thị Hát, bị rắn độc cắn khi ra đồng cắt rạ với chi chít những vết cắn ở lòng bàn chân. Lúc về nhà, chị Hát thấy người có cảm giác chóng mặt, đi lại choáng váng. Sau khi vết thương được “áp đá”, chị đã qua cơn nguy kịch. Nhưng vì nọc độc đã lan rộng nên cũng phải mất tới hai ngày mới hút hết được nọc độc ra khỏi cơ thể chị.
Trước đó 2 năm, chồng chị, anh Vũ Văn Khẩn cũng được viên đá “cứu” khi anh giẫm vào một ổ rắn độc. Và mới đây, một em học sinh lớp 11 ở xã Lê Lợi (Kiến Xương) cũng bị rắn độc cắn. Gia đình đã chuẩn bị sẵn đồ đạc đưa em lên bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Nghe một người cùng làng “mách nước”, gia đình em đã tìm đến ông Khản. Lúc đó họ cũng bán tín bán nghi và đánh liều với số phận. Nhưng sự kì diệu đã xảy đến với em khi chỉ sau 1 đêm hút nọc độc, em đã qua khỏi và lại vui vẻ tới trường.
Với kinh nghiệm chữa rắn cắn lâu năm, từ một người không biết chút gì về y thuật, đến nay chỉ cần nhìn vào vết răng ông Khản cũng đã biết thủ phạm là loại rắn nào. “Nhìn vào chỗ rắn cắn, nếu là một chùm răng thì không độc, nhưng nếu chỉ có 2 vết răng nanh thì chắc chắn là rắn độc. Nếu là hổ mang cắn thì rất buốt, còn rắn cạp nia cắn thì chỉ đau nhẹ. Phải dựa vào đó để chữa trị cho hiệu quả".  Ông Khản cho biết.
Ngoài ra, nếu muốn kiểm tra nhiễm độc trong người có thể kiểm tra bằng nhiệt kế hoặc bắt mạch. Nếu nhiệt độ cơ thể người bình thường là 36,7 độ C, từ 37 - 37,2 độ C là nhiễm độc do rắn cắn. Nhiệt kế mà lên trên 37,2 độ C là nguy hiểm. Không chữa trị nhanh thì khó có thể cứu được. Ông cũng tự tay lấy ra những mẩu răng rắn gãy trong vết thương của 2, 3 trường hợp mà không qua mổ xẻ. Hiện nay ông còn nghiên cứu thêm một số loại lá để kìm nọc độc của rắn, đề phòng có nhiều bệnh nhân đến cùng một lúc.
Ông Vũ Văn Khản được mọi người yêu mến gọi là “thần y”
Nghề nông vất vả, từ ngày biết đến “ngọc đá”, bệnh nhân tìm đến nhiều hơn. Hầu hết bệnh nhân lại đến vào ban đêm, có khi chữa xong cũng 2 - 3h sáng. Vất vả là vậy nhưng vì là vấn đề sinh mạng con người, và vì để tích đức cho mẹ già và con cháu,  nên mặc dù có nhiều người đề nghị mua với giá hàng chục triệu ông vẫn không bán. Có người còn đề nghị mở cửa hàng và quảng bá thương hiệu giúp ông nhưng ông cũng không đồng ý. Ông bảo: “Giữ lại trước hết giữ cho bản thân, thứ 2 chữa bệnh cho người dân trong làng, vì thôn quê rất nhiều rắn”.
Có lẽ vì tấm lòng nhân đức, nhiều người được ông chữa khỏi nhận ông làm cha nuôi, thi thoảng lại ghé về thăm ông. Còn với những người dân xung quanh làng được ông cứu mạng thì coi ông như người trong nhà, “vui nhất là khi gặp họ nhận ra mình, mời mình lưng chén nước”.
Hiện chưa có đơn vị y tế nào về làm rõ về viên đá và cách chữa bệnh. Ngay chính ông Khản cũng không giải thích được tại sao viên đá lại kì lạ và nhiệm màu đến vậy.
Ông Vũ Văn Thoại, cán bộ công chức văn hóa xã Hồng Thái (Kiến Xương, Thái Bình) cho biết: “Công dụng của viên đá là có thật. Rất nhiều người bị rắn độc cắn từ người trong làng tới người ở tỉnh, thành khác đã được cứu sống. Giờ dân làng chúng tôi coi viên đá ấy như lọ dầu gió trong nhà để thoa vào mỗi khi bị trúng gió,”


Nguyễn Huệ



3 comments:

  1. Replies
    1. Diệu kỳ thật, mà chắc hòn đá này không phải là đá bình thường mà do con người tạo ra.

      Delete
    2. nhưng bên trong nó chứa đựng những điều gì, đó là một điều vô cùng bí mật :)

      Delete

LÊN ĐẦU TRANG