Thursday, December 27, 2012

Những phiên chợ Tết độc đáo của người Việt

Những phiên chợ Tết độc đáo của người Việt

Jan 23, 2012
(GDVN) - Mỗi năm chỉ họp một lần vào dịp Tết, phục vụ khách du xuân, cầu duyên, tài, lộc, buôn may bán đắt nên những phiên chợ này luôn mang nét độc đáo riêng.
Chợ Âm dương
Chợ Âm Dương (còn gọi là chợ Âm Phủ), một chợ đặc biệt theo quan niệm dân gian là nơi người chết và người sống có thể gặp nhau, họp tại Bắc Ninh, Việt Nam. Chợ họp ở địa phận làng Ó, xã Võ Cường, thị xã Bắc Ninh.  Mỗi năm chợ chỉ họp một lần vào đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 Tết (tháng giêng âm lịch)...
Những ai đi chợ đều vui vẻ, thoải mái, họ quan niệm rằng đó là dịp làm phúc, làm điều thiện với người đã chết. Cuộc sống tâm linh của họ sẽ thanh thản hơn. Chợ tan khi còn đêm. Sau khi tan chợ, những người đi chợ lại mời nhau uống nước ăn trầu và hát quan họ Bắc Ninh.  
Chợ chữ Sài Gòn
  
Hằng năm cứ đến rằm tháng chạp trở đi, người ta bắt đầu họp phiên chợ chữ trên đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Chợ chữ mỗi năm chỉ nhóm có một phiên Tết kéo dài 15 – 30 tháng Chạp.
Chợ chữ bán đủ loại câu đối, liễn, đại tự, thư pháp trên lịch hay trên thiếp.
Chợ CướiĐây là chợ phiên đặc biệt của người dân tộc ở xã Tam Lộng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc họp vào ngày 25 tháng Chạp. Trai gái trong bản làng kéo tới đây rất đông, có cả bố mẹ hoặc ông bà đi theo để chứng kiến lời giao ước của họ. Họ có thể đã yêu nhau, hoặc đến chợ mới làm quen và tìm hiểu nhau.
Chợ Cưới là một kiểu chợ tình ở miền núi. Nhiều lứa đôi đã nên vợ nên chồng ngay trong phiên chợ đặc biệt này.
Chợ biếu tặng/chợ nhân văn Gia Lạc
Đầu xuân, người dân Huế có thú vui đi chợ Tết Gia Lạc, cốt để mua lộc đầu năm, mua sự may mắn, suôn sẻ. Theo tài liệu cũ cho biết, người ở vùng chợ Dinh, Gia Hội đi chợ này là để có dịp bói đò nhân năm mới vì phải qua sông. Nếu khi đến bến mà đò đang neo đợi, nghĩa là sẽ được thong dong trong năm mới. Ngược lại khi đến bến mà đò sang sông, ấy là điềm báo sẽ lận đận trong năm ấy. 
Lệ thường người đi phiên chợ Gia Lạc mồng 1 Tết mua một trái cau, một ngọn trầu với mong muốn sẽ an bình trong năm mới, sau đó mới mua đặc sản của chợ theo sở thích.
Chợ Bến
Chợ Bến ở Đồng Hới (Quảng Bình), chỉ họp ba ngày đầu năm. Chợ họp dọc theo bờ sông Nhật Lệ, không có địa điểm nhất định.  Từ hôm trước Tết, nhân dân địa phương dựng lều trại, mở bài chòi. Người về họp chợ mang theo các loại đặc sản ở quê hương mình như các đồ thủ công mỹ nghệ, tôm, cá, thịt heo rừng, mật ong, gà, vịt, bánh, kẹo, đồ chơi trẻ em...
Chợ Lượn
Trong dịp Tết Nguyên Đán, ở một số chợ ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, đồng bào Tày thường tổ chức hát lượn giao duyên, nên gọi là chợ Lượn. Nam thanh, nữ tú đến chợ mua bán là phụ, mà hát lượn là chính.
Hát lượn là điệu hát trữ tình để nam nữ bày tỏ tình cảm với nhau. Họ hát say sưa, nam xướng, nữ đối (hoặc ngược lại) từ sáng tới chiều, cho đến lúc tan chợ. Nhiều lứa đôi đã bén duyên, nên vợ nên chồng từ chợ Lượn một phiên này.
Chợ Ngái (Thạch Thất).
Phiên chợ Ngái Lá Dong họp vào ngày 21 tháng Chạp, chuyên mua bán lá dong, lạt giang nứa, chuẩn bị cho việc gói bánh chưng, bánh gio… trước Tết, phiên chợ Ngái hàng Cam họp vào ngày 26 tháng Chạp, mua bán cam bưởi, hoa quả, chuẩn bị cho mâm ngũ quả ngày Tết; 
Theo thông lệ, phiên chợ Ngái vàng mã họp vào sáng 16 tháng Chạp, chuyên mua bán đồ vàng mã, chuẩn bị lễ tiễn ông Công - ông Táo chầu Trời vào 23 tháng Chạp,phiên chợ Ngái hàng cá họp ngày mùng 3 Tết, mua bán cá, chuẩn bị việc cúng cơm cá trong lễ “Tạ Cụ” đầu Xuân; chợ Ngái hàng gà họp vào mùng 6 Tết, chuyên mua bán gà, chuẩn bị cho lễ hạ cây nêu ngày mùng 7 tháng Giêng.
Chợ Viềng
Có hai chợ Viềng, chợ Viềng gần phủ Dầy, ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định - còn gọi là chợ Viềng Phủ. Chợ Viềng ở gần chùa Bi, ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định - còn gọi là chợ Viềng Chùa.Chợ Viềng họp vào đêm mùng Bảy, rạng sáng ngày mùng Tám tháng Giêng hàng năm với quan niệm “bán rủi, mua may". 
Dân gian có câu "Chợ Viềng 2 chợ, 1 phiên" chỉ 2 chợ này cùng tên Viềng và họp cùng phiên, cùng buôn bán những mặt hàng giống nhau (đồ cổ, đồ cũ, công cụ nhà nông, thịt bò, cây cảnh, giống cây trồng ...).
Chợ Thiều cầu may (thôn Thiều Huy, xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc - Thanh Hóa) 
Chỉ họp mỗi năm đúng một lần vào ngày 26 tháng Chạp hàng năm. Người dân đến đây không chỉ nhằm mua bán hàng hóa mà chủ yếu để cầu may.
Chợ bắt đầu họp vào lúc 4-5h sáng cho đến chiều tối. Thời điểm chợ đông người mua bán nhất là khoảng 8-9h sáng.  Điều đặc biệt, bất cứ ai dù bán dù mua xong cũng đều lên Chùa (chợ họp ngay dưới sân Chùa) thắp 1 nén nhang tạ ơn ngày cuối năm; khiến không khí chợ càng ấm cúng, xua tan cái lạnh cuối năm.
Chợ Tam Bảo
Cứ mỗi năm một lần vào sáng mồng một Tết Nguyên Đán, người dân xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá có tục lệ đi chợ mua bán để lấy may. Chợ họp gần giếng Tam Bảo trong làng nên mang tên Tam Bảo.  
Nét độc đáo của chợ này là nếu món hàng đáng giá 500 đồng thì người bán phải nói lên gấp 100 lần tức 50 nghìn đồng. Xong, nếu người mua đã trả giá rồi thì khi nhận hàng cũng chỉ phải trả đúng giá trị thực tế của nó là 500 đồng mà thôi. Cái quy ước tự nâng và hạ giá xuống 100 lần ấy đã tạo nên một tâm lý được hưởng may mắn giữa người bán (khi bán được bán giá cao) và người mua (khi mua được mua giá thấp). Cả hai đều được may mắn kéo dài cả năm.
Chợ Mục Đồng
Tại xã Yên Thư, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc có chợ dành riêng cho "mục đồng" vào ngày 28 tháng Chạp hằng năm. Sáng ngày 28, trẻ "mục đồng" mặc quần áo mới rủ nhau đi họp chợ. Cũng như người lớn, các em bày bán đủ loại mặt hàng như gà vịt, mũ nón, bánh trái...

8 comments:

  1. THANKS FOR YOUR POSTS
    Which have been translated to English by Google
    TOM PREMO - MINH TÂM

    ReplyDelete
  2. Thật mở rộng tầm mắt.

    ReplyDelete
  3. Chỉ có xứ VN mới có hỉ.

    ReplyDelete
  4. Rứa tìm chổ mô có chợ như ri thì chỉ hí:)

    ReplyDelete
  5. kd cám ơn BT nhiều bài đọc hay quá .

    ReplyDelete
  6. Anna có nhiều mục rất hay và lý thú , mở rộng tầm mắt để hiểu nhiều về VN hơn !

    ReplyDelete
  7. Cám ơn ngocnhut, đầu năm chúc như ý nhé:)

    ReplyDelete

LÊN ĐẦU TRANG