Monday, September 3, 2012

NHỮNG LOÀI CÂY CỎ GIÚP BẠN CÓ GIẤC NGỦ NGON

1. CÂY LẠC TIÊN:
Lạc tiên còn có các tên khác là chùm bao, dây nhãn lồng, mắm nêm, dây lồng đèn, cây bát bát. Lạc tiên là loại dây leo, thân mềm, rỗng, có nhiều lông thưa. Lá mọc so le, 3 thùy, mép và hai mặt có lông mịn, tua cuốn cuộn tròn. Hoa màu trắng ở giữa tím nhạt, phần phụ hình sợi. Quả mọng màu vàng, ăn được.
Cây mọc tự nhiên ở ven rừng, đồi núi. Nhiều nhà cũng đem về trồng ở hàng rào...


Cây Lạc tiên được dùng làm thuốc an thần chữa mất ngủ, suy nhược thần kinh. Có thể dùng lá hay ngọn non luộc hoặc nấu canh ăn vào buổi chiều. 


Cũng có thể hái lá về phơi khô sắc nước uống. Đôi khi được dùng phối hợp với một số lá cũng có tác dụng an thần như lá dâu tằm, lá vông, tim sen.
Chữa thần kinh suy nhược: Dùng dây, lá lạc tiên 8 - 10g, sắc uống trước khi đi ngủ.
Lá lạc tiên cũng dùng nấu nước tắm rửa trị viêm ngứa.
Quả lạc tiên có mùi đặc trưng, vị hơi chua, chứa nhiều vitamin, nhất là vitamin B2.



2. CÂY MẮC CỠ: còn gọi cây trinh nữ, cây xấu hổ. Tên khoa học Mimosa. Pudic L. 


Mô tả: Cây nhỏ, phân nhiều nhánh, có gai hình móc. Lá kép lông chim chẵn hai lần, nhưng cuống phụ xếp như hình chân vịt, khẽ đụng vào là cụp lại. Mỗi lá mang 15-20 đôi lá chét. Hoa màu tím đỏ, nhỏ, tập hợp thành hình đầu, có cuống chung dài, ở nách lá. Cụm quả hình ngôi sao, quả thắt lại giữa các hạt, có nhiều lông cứng.
Mùa hoa quả tháng 6-8.
Thành phần hoá học: Toàn cây chứa các alcaloid minosin và crocetin ngoài ra còn có các chất: flavonosid, các alcol, acid amin, acid hữu cơ. Hạt chứa chất nhầy, lá chiết ra một chất tương tự adrenalin. Trong lá và quả đều có selen.


Tác dụng: Vị ngọt, se, tính hơi hàn, có ít độc, có tác dụng an thần, dịu cơn đau, long đờm, chống ho, hạ nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu
 Bộ phận thu hái: Toàn cây, đặc biệt là rễ.
3. CÂY BÌNH VÔI:


Củ bình vôi, còn gọi là “củ một”,  tên khoa học là Stephania rotunda Lour,  họ Tiết dê (Menispermaceae).


Cây củ bình vôi là loại dây leo, phần thân rễ phát triển thành củ to, bám vào núi đá, có khi nặng tới hơn 20kg. Da thân củ màu nâu đen, xù xì giống như hòn đá.
Hình dáng thay đổi tuỳ theo nơi củ phát triển. Nếu mọc ở đất thì củ nhỏ hơn, thường gọi là “củ gà ấp”.  Từ thân củ mọc lên những thân màu xanh, nhỏ, mềm. Lá mọc so le, hình bầu dục hay hình tim hặc tròn, đường kính 8-9cm, cuống lá dài 5-8cm.
Hoa nhỏ mọc thành tán. Hoa đực cái khác gốc. Hoa cái có cuống tán ngắn, còn hoa đực có cuống tán dài. Quả chín hình cầu màu đỏ, tươi, trong chứa một hạt hình móng ngựa.
Cây bình vôi thường ưa mọc ở những vùng có núi đá ..Ninh Bình, Thanh Hoá, Quảng Bình, Quảng trị.. v.v...
Củ bình vôi có thể thu hái quanh năm, đem về cạo bỏ vỏ đen, thái mỏng phơi khô rồi ngâm rượu hay sắc uống. Không phải chế gì khác.
Kết qủa nghiên cứu cho thấy: Củ bình vôi có tác dụng an thần, gây ngủ và chống co quắp, hạ huyết áp; tác dụng rõ rệt nhất là gây ngủ và an thần.
Trong dân gian, củ bình vôi thường được dùng dưới dạng sắc, ngâm rượu chữa mất ngủ,  ho, hen, kiết  lỵ, sốt, đau bụng...
Chỉ nên sử dụng với liều nhỏ để tránh ngộ độc: Người lớn ngày uống từ 3 đến 6g. Trẻ nhỏ dùng với liều lượng 0,02 - 0,025g đối với trẻ 1-5 tuổi; 0,03-0,05g đối với trẻ 5-10 tuổi.

4. CÂY LÁ VÔNG NEM
Mô tả: Cây Vông nem thuộc họ Đậu (Fabaceae), tên khoa học là Erythrina variegata L, cũng là loài cây thân có gai, thường được trồng cho trầu hoặc tiêu leo, trồng làm hàng rào hoặc mọc hoang nhiều nơi. 
Cây có hoa màu đỏ rất đẹp,. Cây phân bố tự nhiên khắp các miền của đất nước và ở các vùng sinh thái khác nhau, từ miền núi đến đồng bằng, kể cả vùng cát biển.

Công dụng: an thần, gây ngủ. Cách dùng: lá được dùng gói nem, lá non nấu canh ăn an thần nhẹ, dễ ngủ hoặc sắc lấy nước (2-4 gr lá/ngày) uống mỗi ngày trước khi đi ngủ. Ngoài ra, trong dân gian còn dùng lá vông hơ nóng đắp trong điều trị bệnh trĩ; hoặc đắp lên các vết thương khi bị lở loét, rắn cắn, răng sâu.

5. CÂY SEN

Trong thế giới thảo dược, ít có loài cây nào mà các bộ phận đều là những vị thuốc quý như cây sen.


Hạt sen - Liên tử : có tác dụng bổ dưỡng lại an thần, đặc biệt dùng để trị các chứng tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng. Một số bài thuốc với hạt sen là:


- Chữa mất ngủ do tâm hỏa vượng: bài Táo nhân thang, gồm táo nhân 10 g, viễn trí 10 g, liên tử 10 g, phục thần 10 g, phục linh 10 g, hoàng kỳ 10 g, đảng sâm 10 g, trần bì 5 g, cam thảo 4 g. Tất cả sắc uống ngày 1 thang.


Tâm sen - liên tử tâm: Tâm sen là mầm của hạt sen, y học cổ truyền còn gọi là liên tử tâm. Vị đắng tính hàn, có tác dụng an thần, trị sốt cao mê sảng, hồi hộp tim đập nhanh, huyết áp cao. Tâm sen thường được phối hợp với cúc hoa, hoa hòe, hạt muồng... pha trà uống để dễ ngủ, hạ áp. Liều dùng 1,5-3 g.

 Chú ý: Tâm sen có chứa asparagin và các alkaloid như nelumbin, nuciferin, liensinin. Nuciferin có tác dụng kéo dài giấc ngủ, mỗi ngày dùng 1-3g dạng hãm nước sôi như trà, nelumbin có tác dụng trấn tĩnh, làm bình dục tính. Theo các thử nghiệm trên lâm sàng, dịch chiết từ tâm sen còn có tác dụng cường tim và làm hạ huyết áp. Đông y dùng tâm sen chữa sốt và khát nước, di mộng tinh, tim đập nhanh, tăng huyết áp, hồi hộp hoảng hốt mất ngủ, mỗi ngày dùng 1-3g.
Tâm sen có vị đắng, tính lạnh nên những người thực nhiệt uống vào thì hạ hỏa, trong người sảng khoái, ngủ được. Ngược lại, trường hợp người hư nhiệt uống vào cũng ngủ được nhưng về lâu dài sẽ bị mệt mỏi, mất trí nhớ, tim đập thất thường. Nếu sử dụng tâm sen lâu dài có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh lý là làm giảm ham muốn tình dục. Do hàm lượng alkaloid cao nên tâm sen cho tác động dược lực mạnh và ảnh hưởng trên tim, do đó cần chú ý liều dùng và không nên dùng lâu dài.

(Sưu tầm và tổng hợp lại)

9/9.2010

No comments:

Post a Comment

LÊN ĐẦU TRANG