Monday, April 1, 2013

Vụ Tiên Lãng: Sáng nay bắt đầu xét xử anh em ông Đoàn Văn Vươn

Thứ ba 02/04/2013 07:44
Theo Giaoduc.net.vn

(GDVN) - Sáng nay, ngày 2/4, TAND TP. Hải Phòng đưa ra xét xử công khai vụ án hình sự giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra ngày 5/1/2012 tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng. 

Theo cáo trạng vụ “giết người, chống người thi hành công vụ”, 4 người trong gia đình ông Vươn bị truy tố tội giết người gồm: Đoàn Văn Vươn (SN 1963); Đoàn Văn Quý (SN 1966, em trai ông Vươn); Đoàn Văn Sịnh (SN 1957, anh trai ông Vươn) và Đoàn Văn Vệ (SN 1974, cháu ruột ông Vươn).

Anh em ông Đoàn Văn Vươn

Cơ quan công tố Hải Phòng cho rằng dù có hành vi chống người thi hành công vụ nhưng do đã bị truy tố về tội giết người cơ quan này nên không truy tố về tội chống người thi hành công vụ.

Cũng có tên trong bản cáo trạng này, bà Phạm Thị Báu (SN1982, tức Hiền, vợ Đoàn Văn Quý) và Nguyễn Thị Thương (SN 1970, vợ Đoàn Văn Vươn) bị truy tố về tội chống người thi hành công vụ. Đối với Đoàn Văn Thoại (em trai Đoàn Văn Vươn) và Phạm Thái (anh vợ Đoàn Văn Quý), sau khi gây án đã bỏ trốn và có lệnh truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Hậu quả hành vi của Quý, Thái, Thoại sử dụng các công cụ, phương tiện tấn công vào tổ công tác số 3 làm bị thương bảy người gồm: Lê Văn Mải (SN 1957), Nguyễn Văn Phong (SN 1991), Vũ Anh Tuấn (SN 1979), Đào Văn Đức (SN 1976), Đỗ Xuân Trường (SN 1988), Đào Trọng Dũng (SN 1980) và Lê Văn Ghi (SN 1968). 

Sau khi giám định pháp y, kết quả cho thấy, các nạn nhân nói trên đều bị nhiều vết thương và giảm sức lao động, trong đó Lê Văn Ghi bị 16 vết thương, giảm 43% sức lao động; Đỗ Xuân Trường bị 9 vết thương, giảm 35% sức lao động; Lê Văn Mải bị 8 vết thương, giảm 25% sức lao động;...

Tại cơ quan điều tra, các bị can đều khai nhận Đoàn Văn Vươn là người đứng ra tổ chức bàn bạc việc chống đối lực lượng cưỡng chế, đưa ra kế hoạch làm hàng rào, dùng mìn tự tạo, súng bắn đạn hoa cải, trực tiếp đi mua thêm một khẩu súng bắn đạn hoa cải cùng các vật liệu chế tạo đạn, mìn, mua dây điện, dạy Quý cách làm mìn tự tạo, chỉ đạo việc chống đối. 

Đoàn Văn Quý tham gia bàn bạc chống đối một cách tích cực, trực tiếp làm mìn tự tạo, đào hố chôn mìn, mua thêm bình ga, chuẩn bị bao đá, kích nổ mìn tự tạo, dùng súng bắn ba phát đạn hoa cải vào lực lượng cưỡng chế, đổ xăng vào rơm đốt. Đoàn Văn Sịnh tham gia bàn bạc chống đối, đưa ra ý kiến làm hàng rào, trải rơm, góp tiền mua súng đạn hoa cải, ở ngoài nắm tình hình thông báo cho Quý, Thoại, Thái.

Đoàn Văn Vệ tham gia với vai trò giúp sức trong việc đi mua súng bắn đạn hoa cải. Phạm Thị Báu trực tiếp làm hàng rào, trải rơm, mua xăng, mua mũ len. Nguyễn Thị Thương trực tiếp làm hàng rào, trải rơm mục đích nhằm chống lại người thi hành công vụ...

Khi vụ án xảy ra, nhiều quan chức địa phương đã bị bắt do đã có trách nhiệm liên quan. Một số quan chức khác cũng đã bị chỉ trích dữ dội vì thái độ bao che, bênh vực thuộc cấp và có những phát ngôn khiến dư luận phẫn nộ.
TM 
Trên báo VNExpress

Sáng nay ông Đoàn Văn Vươn bị xét xử

Ngày 2-5/4, ông Đoàn Văn Vươn cùng 5 người bị xét xử tại TAND Hải Phòng về hành vi giết người và chống người thi hành công vụ. Một nửa số nhân chứng được triệu tập không có mặt tại tòa.

> Chính quyền sai toàn diện trong vụ Tiên Lãng/ Cựu Chủ tịch huyện Tiên Lãng bị khởi tố

Thẩm phán chủ tọa là ông Phạm Đức Tuyên, Phó Chánh án TAND Hải Phòng. 7 luật sư có mặt tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 6 bị cáo (4 bị tạm giam và 2 tại ngoại). Trong số này, luật sư Nguyễn Việt Hùng bào chữa cho bị cáo Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý. Phía các bị hại mời một luật sư.
Tòa thông báo triệu tập 8 nhân chứng nhưng chỉ 4 người có mặt. Theo đề nghị của đại diện VKS, bình gas do bị cáo kích nổ được mang ra làm vật chứng trước tòa.
Quanh khu vực tòa án chừng 100 mét, công an và nhiều lực lượng chức năng đã có mặt để làm nhiệm vụ, giải tỏa ách tắc giao thông. Hàng trăm người dân, phần đông là phụ nữ, đã tập trung ở gần tòa án để theo dõi phiên xử.
Ảnh:
Ông Đoàn Văn Vươn ra tòa sáng 2/4. Ảnh: Hà Anh.
Theo cơ quan công tố, năm 1993, ông Vươn được UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) giao 21 ha đất bãi bồi ngoài đê biển quốc gia thuộc xã Quang Vinh để nuôi trồng thủy sản trong thời hạn 14 năm. Trong quá trình đắp bờ, ông Vươn được cho là đã lấn chiếm hơn 19ha.

Tháng 4/2009, UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi hơn 19 ha do đã hết thời hạn sử dụng. Không đồng ý việc này, ông Vươn khởi kiện, song bị bác đơn. Sau đó, chính quyền huyện ra quyết định cưỡng chế để thi hành quyết định thu hồi đất, ấn định ngày thực thi là 5-6/1/2012.

VKSND Hải Phòng cáo buộc, sau khi nhận được thông báo của chính quyền, ông Vươn đã nhiều lần cùng một số anh em trong gia đình gồm Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh (Sinh), Đoàn Văn Thoại, Phạm Thái bàn quyết tâm giữ đầm.

Cơ quan điều tra cho rằng, đủ căn cứ chứng minh ông Vươn cùng các bị can Sịnh, Quý, Thoại, Báu cùng một số người trong gia đình đã làm 5 hàng rào ngăn cản tại các lối vào khu đầm và trải rơm và tưới xăng trên đường...

Với 4 kíp nổ điện cất giữ sau khi rời quân ngũ, ông Vươn bị cáo buộc đã hướng dẫn ông Quý đấu nối dây điện vào bình ắc quy đến hai quả mìn tự tạo chôn ở hai lối vào để kích nổ bình gas. Trên mỗi bình gas có hai nửa bao đá với mục đích khi gas nổ đá sẽ văng vào người tham gia cưỡng chế, gây sát thương.
Toàn cảnh phiên xử. Ảnh: TTXVN.
Toàn cảnh phiên xử. Ảnh: TTXVN.
Theo lời khai tại cơ quan điều tra, sáng 5/1/2012, thấy tổ công tác số 3 của đoàn cưỡng chế đến sát hàng rào, ông Quý kích nổ mìn làm bình gas tung lên nhưng không phát nổ. Khi tổ công tác vào thêm chừng 12 m, ông Quý bắn hai phát súng hoa cải. Thấy Thoại cầm súng mang lên tầng 2, ông Quý tiếp tục bắn phát thứ ba. Vụ việc khiến 7 người bị thương, trong đó người nặng nhất bị 23 vết thương.

Trước khi cùng Thoại, Thái chạy ra thuyền để bỏ trốn, ông Quý chạy ra đổ xăng vào rơm đốt nhưng không cháy do hôm trước trời mưa. Hai ngày sau, ông Quý đến Công an Hải Phòng đầu thú, khai cất giấu 2 súng bắn đạn hoa cải ở một bờ đê tại tỉnh Thái Bình.

VKS nhận định, đủ cơ sở quy kết bị can Vươn, Quý, Sịnh, Vệ đã có hành vi đồng phạm tội giết người. Theo khung hình phạt bị truy tố, 4 người phải đối mặt khung phạt 12-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Bị can Phạm Thị Thương (vợ ông Vươn) và Phạm Thị Báu (vợ ông Quý) bị VKS cho là đã tiếp nhận ý chí của bị can Vươn, Quý, Sịnh về việc chống người thi hành công vụ; trực tiếp tham gia làm hàng rào, trải rơm, mua xăng... nên đủ cơ sở xác định có hành vi chống người thi hành công vụ. Hai bị can được tại ngoại này bị truy tố theo khung hình phạt 2-7 năm.

Cơ quan công tố cho hay, bị cáo Vươn, Quý, Sịnh, Thoại, Vệ và Thái còn có hành vi chống người thi hành công vụ nhưng đã bị khởi tố, truy về tội Giết người nên không xử lý về tội Chống người thi hành công vụ. Thoại và Thái đang bỏ trốn nên cơ quan điều tra sẽ xử lý sau khi bắt được.
- Ngày 5/1/2012, hơn 100 cảnh sát, bộ đội tham gia cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Vươn. Sau vụ chống đối của ông Vươn và một số thành viên trong gia đình, chiều cùng ngày, hai căn nhà của ông Vươn và Quý đã bị đốt, đập phá.
- Ngày 10/1/2012, ông Vươn cùng Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Giết người. Phạm Thị Báu và Nguyễn Thị Thương bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ.
- Ngày 10/2/2012, Thủ tướng kết luận các quyết định thu hồi, cưỡng chế 19,3 ha đầm tôm của gia đình ông Vươn đều trái luật.
- Cuối tháng 3/2012, 50 cán bộ tại huyện Tiên Lãng bị kiểm điểm, xử lý. Tập thể Ban cán sự Đảng UBND Hải Phòng bị kỷ luật khiển trách.
- Tháng 1/2013, liên quan trách nhiệm trong vụ phá nhà ông Vươn, nguyên chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền bị khởi tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, nguyên phó chủ tịch Nguyễn Văn Khanh và 3 bị can Phạm Xuân Hoa (nguyên trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện, phó trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế), Lê Thanh Liêm (nguyên chủ tịch xã Vinh Quang) và Phạm Đăng Hoan (nguyên bí thư xã) đã bị xử lý hình sự về tội Hủy hoại tài sản. Ông Hiền cùng các thuộc cấp sẽ bị xét xử vào ngày 8/4 tại TAND Hải Phòng. Phiên xử do Chánh án Trần Thị Thu Hà làm chủ tọa.
Việt Dũng
 

11 comments:

  1. Cầu mong chân lý được tỏ bày. Việc xét xử phải rõ ràng, truy xét tận nguồn cơn.
    - Sử dụng quân đội để đàn áp dân trong việc thu hồi đất là sai. Mặt khác, theo kết luận của Thủ tướng, việc thu hồi đất này lại là sai trái.
    Nên không thể xét xử tội danh " chống người thi hành công vụ".
    - Khi quân đội và cảnh sát rải đạn thật vào nhà của anh ĐVV. Liệu trong suy nghĩ có nghĩ rằng coi chừng có ai trong nhà bị trúng đạn chết không?
    - Phải chăng việc phá sập ngôi nhà để xóa dấu vết bắn đạn thật?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chắc vậy quá.
      Thay vì không làm xấu thêm tình trạng của các bị cáo (chỉ phòng vệ chính đáng - chống người thi hành "tư vụ"), thì các bị cáo đã bị quy tội danh nặng hơn thực tế khá nhiều : giết người .

      Chết chắc ! Hic!

      Delete
    2. Vẫn còn video, tư liệu TV cho thấy các vết đạn chi chít bắn vào nhà của anh em ông Vươn. Vậy khi xử thì chứng cớ đó sao không được đưa ra? Rõ ràng họ cũng cần bị truy tố cùng 1 tội trạng.

      Delete
  2. Nếu không có quan tham Lê Văn Hiền thì sẽ không xảy ra vụ án xét xử hôm nay.

    ReplyDelete
  3. Ông ĐVV quai đê lấn biển. Lẽ ra 19 hecta đó phải được nhà nước biểu dương và công nhận quyền sở hữu 19 hecta đó. Ông LVH chỉ đạo cưỡng chế 19 hecta là có ý cướp công lao, mồ hôi, xương máu của anh em ông ĐVV.
    Phần đất ông ĐVV thuê, có thể thu hồi theo hạn định.
    Đây là sự mập mờ của ông LVH giữa quyền lợi chung và riêng.

    ReplyDelete
  4. Xem cách xử án ở Việt Nam
    Người đàn ông suýt mang án chung thân oan
    Trên đường ăn tiệc về, do say rượu Hải đánh rơi chiếc đồng hồ Seiko đúng nơi xảy ra vụ giết người, cướp của và hiếp dâm cháu bé 10 tuổi. Anh vướng lao lý, bị truy tố và xét xử với 3 tội danh.

    Cuối năm 1997, một vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Nạn nhân Nguyễn Thị Kim Hồng (13 tuổi) đi ra ruộng đã bị hiếp, giết và cướp đôi bông tai. Cùng ngày, có người cho biết khoảng 6h thấy Bùi Minh Hải (43 tuổi, ở xã Long Tân, nhân viên bảo vệ) đến tìm chiếc đồng hồ bị mất tại khu vực hiện trường. Một số thông tin cho thấy Bùi Minh Hải còn có những "triệu chứng bất ổn" như chưa đến tết đã đưa tiền lì xì...

    Hải bị cơ quan điều tra bắt ngay sau đó. Thừa nhận chiếc đồng hồ Seiko (thu tại hiện trường) là của mình, nhưng Hải không nhận là hung thủ giết người. Hải trình bày, tối 24/1 đi dự tiệc tất niên ở Trung tâm xúc tiến việc làm, do uống rượu say nên khi chạy xe về đến gần hiện trường vụ án thì ngã làm rơi chiếc đồng hồ của con mà anh mang đi thay dây đeo. Sáng 25/1, anh quay lại chỗ đó tìm nhưng không thấy.

    Bùi Minh Hải kêu oan, nhưng cơ quan điều tra cho rằng, có cơ sở xác định anh ta là hung thủ gây án. Tháng 7/1998, Viện KSND tỉnh Đồng Nai có cáo trạng truy tố Bùi Minh Hải tội danh Giết người, Hiếp dâm và Cướp tài sản của công dân. Bốn tháng sau, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên xét xử sơ thẩm. Đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án tử hình, nhưng HĐXX chỉ phạt Hải tù chung thân.

    -------------------------------

    Tháng 2/1999, khi TAND Tối cao tại TP HCM chưa kịp đưa vụ án của Hải ra xét phúc thẩm thì xảy ra vụ án giết, hiếp một học sinh khác. Theo đó, đến giờ học nhưng không thấy Phạm Thị Hoàng Thành (10 tuổi, Tiểu học Long Tân, huyện Nhơn Trạch) vào lớp, thầy chủ nhiệm Võ Quang Thọ hỏi thì học trò cho biết, một người đàn ông đi xe đạp treo bịch cá rủ Thành đi lên trên đồi ở sau trường.

    Sau khi báo gia đình, thầy Thọ cùng nhóm học trò lên đồi nhưng không tìm thấy Thành. Một học sinh cho biết, hồi sáng người đàn ông chở Thành đi có nhậu với ba của em. Ông ta tên Nguyễn Văn Tèo (24 tuổi, ở xã Phú Hội), con nuôi ông Năm Cấm ở bên cạnh nhà Thành. Tèo không có tên trong danh sách quản lý của công an, song từng trộm gà và đánh người gây thương tích; thường xuyên vắng mặt tại địa phương, mới về nhà vào dịp gần Tết Nguyên đán.

    Xác bé gái được tìm thấy trên đồi, cách trường khoảng 400 mét sau khi bị hung thủ giết, cướp nữ trang và hiếp. Tèo được mời đến cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh. Cùng với việc thu được bịch cá mà Tèo đánh rơi ở gần hiện trường, công an cho các nhân chứng, bị hại nhận diện, trong đó có cô Ngô Thị Kim Khuê - người từng bị kẻ xấu cướp, giết hồi tháng 9/1998 nhưng may mắn thoát chết.

    Bị cô Khuê nhận diện, cuối tháng 2 năm đó, Tèo khai nhận tội. Lời khai của hắn phù hợp với lời khai của các nhân chứng và việc khám nghiệm hiện trường, tử thi. Ngoài nạn nhân Khuê, Tèo còn khai đã hiếp, giết và cướp tài sản của cô Trần Thị Thanh Dung (công nhân một công ty TNHH) hồi tháng 1/1998.

    Từ khai nhận của Tèo cũng như phản ứng của dư luận, ngày 3/3/1999, Viện KSND tỉnh Đồng Nai ra quyết định lập tức trả tự do cho Bùi Minh Hải. Ngày 2/6/1999, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.

    Kết luận việc giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm chưa đầy đủ và có quá nhiều thiếu sót mà tại cấp phúc thẩm không thể khắc phục, HĐXX quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai, giao cho cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án như đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát.

    Một thời gian sau, cơ quan tố tụng của tỉnh Đồng Nai xác định Bùi Minh Hải vô tội, đồng thời tổ chức xin lỗi công khai người bị hàm oan.

    Theo Công an TP HCM
    http://vnexpress.net/gl/phap-luat/2013/03/nguoi-dan-ong-suyt-mang-an-chung-than-oan-1/

    ReplyDelete
  5. Không biết đây là áo quần ở nhà may cho hay là áo tù? Nếu là áo tù thì đặc biệt quá! Chắc là vì quốc tế nhìn vào:)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Vâng, kiểu quần áo này lạ quá, so với trước giờ (áo sọc vằn)

      Delete
  6. Hãy trả tự do cho anh em ông Đoàn Văn Vươn, bồi thường thiệt hại về nhà cửa và thành quả lao động, xử nghiêm những người đã ra lệnh, tham gia bắn phá, đập nát nhà anh em của ông Đoàn Văn Vươn. Thế mới gọi là thượng tôn pháp luật, pháp bất vị thân.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Khó lắm chị ạ, họ không bao giờ chịu nhận ra sự thật là họ đã làm những việc sai trái đâu

      Delete
    2. Bản án dành cho hai vụ án là câu trả lời rõ nhất ST nhỉ:))

      Delete

LÊN ĐẦU TRANG